Đào tạo mỹ thuật ở Việt Nam: Bao nhiêu nước chảy đã qua cầu...

TTCT - Hiện nay tại Việt Nam có ba trường đại học đào tạo chính về mỹ thuật: Đại học Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội), Đại học Nghệ thuật Huế và Đại học Mỹ thuật TP.HCM.

Thí sinh làm bài thi môn hình họa tại Đại học Nghệ thuật Huế - Ảnh: Ngọc Hà

Dù là thuộc Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch hay thuộc Bộ Giáo dục - đào tạo (như Trường đại học Nghệ thuật Huế) thì việc thi tuyển đầu vào của các trường ngoài việc theo đúng quy chế hiện nay của bộ, thì môn thi năng khiếu, dù được tự chủ, các trường vẫn vận hành theo quán tính khá giống nhau và tư duy theo lối đánh giá, tuyển chọn thí sinh có từ thời Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương - L’École des Beaux-Arts de l’Indochine (1925-1945).

Thi cử: xơ cứng công thức và quy giản

Vào thời Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, việc tuyển sinh diễn ra trên toàn cõi Đông dương bao gồm Hà Nội - Huế - Sài Gòn - Phnom Penh (Campuchia) - Vientiane (Lào) cùng một lúc, bao gồm các môn: hình họa, vẽ người mẫu trong sáu buổi, mỗi buổi ba giờ; môn bố cục theo đề tài, tám giờ liền. 

Các bài thi của thí sinh đều niêm phong gửi về Hà Nội chấm và xếp hạng. Ngoài ra còn có môn định luật xa gần và một bài luận Pháp văn. Chỉ có tám người được tuyển chọn khóa đầu tiên. 

Vậy nếu so sánh với Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam hiện nay vốn kế thừa cơ sở từ Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ngày trước, nếu không tính các môn điều kiện thì hai môn thi năng khiếu gần như bê “nguyên xi” nhưng có xu hướng ngày càng nhẹ nhàng hơn với thí sinh. Hình họa vẫn là người mẫu nam ngồi hoặc đứng, nhưng rút lại chỉ còn hai buổi trong một ngày, chất liệu than hoặc chì trên giấy Croky.

Trường đại học Nghệ thuật Huế và Trường đại học Mỹ thuật TP.HCM cũng tương tự. Bố cục, màu bột trên giấy vẫn được duy trì thi ở Hà Nội và TP.HCM (liên tục một ngày), riêng Trường đại học Nghệ thuật Huế, môn này đã bị thay thể bởi môn trang trí mấy năm gần đây, thi trong một buổi (năm giờ). 

Như vậy, việc thi cử đã thành công thức và quy giản đến mức xơ cứng và giảm nhẹ về chất lượng so với thời Mỹ thuật Đông Dương, trong khi yêu cầu và thực tiễn đã khác.

(Ở đây chúng tôi chỉ tạm khảo xét việc thi tuyển vào khoa hội họa, đồ họa - nơi đào tạo ra các thế hệ họa sĩ sáng tác tranh sơn dầu, sơn mài, lụa theo chương trình đào tạo và thực tế hiện nay của các trường mỹ thuật).

Lý do cho sự “chung thủy” và giảm nhẹ chất lượng, thời gian đầu vào có lẽ là do chương trình đào tạo và sản phẩm đầu ra không có nhiều thay đổi. Vẫn bấy nhiêu chất liệu trong mấy chục năm qua: sơn dầu, sơn mài, lụa, đồ họa tạo hình (in khắc gỗ, kẽm, đá...). 

Thậm chí các trường còn lấy chất liệu làm chuyên khoa như chuyên khoa sơn dầu, sơn mài, lụa. Và dù là học chuyên khoa hay đa khoa thì đầu ra vẫn là chọn một chất liệu để sáng tác một tác phẩm.

Hai năm gần đây khoa hội họa tại Trường đại học Nghệ thuật Huế có cho sinh viên làm đồ án theo cụm đồ án, nhưng cũng chỉ mới ở dạng thử nghiệm, chưa có tổng kết đánh giá khoa học nào về xu hướng này.

Lý do khác, do lượng thí sinh thi vào khoa “truyền thống” như hội họa, đồ họa suy giảm, một mặt các trường phải hạ chuẩn thi đầu vào, mặt khác mở thêm ngành mỹ thuật ứng dụng và sư phạm mỹ thuật để bù thiếu và cốt tử là tăng thêm nguồn kinh phí nhờ đa dạng hóa sản phẩm đào tạo.

Vấn đề đáng quan tâm là từ khi thành lâp Trường Mỹ thuật Đông Dương cho đến nay đã có bao nhiêu loại hình nghệ thuật mới đã ra đời như pop art, op art, video art, sắp đặt, trình diễn... 

Lý thuyết, quan niệm tạo hình đa đạng và khác trước; chất liệu, phương tiện mới. Biên giới tạo hình đã mở rộng đến mức phải dùng thuật ngữ nghệ thuật thị giác mới gói ghém hết các dạng thực hành mỹ thuật.

Đặc biệt là sự ra đời của Internet kéo theo cuộc cách mạng thông tin, thế giới đã “phẳng” hơn. Gần đây nhất, Triển lãm nghệ thuật đương đại Singapore Biennale 2013 vào tháng 10 sắp tới, theo danh sách công bố Việt Nam sẽ có bốn tác phẩm của năm nghệ sĩ tham gia, đều là các tác phẩm truyền thông - đa phương tiện. Vậy mà các trường mỹ thuật tại Việt Nam vẫn duy trì cách đào tạo từ đầu vào, chương trình và đầu ra cơ bản không đổi.

Tóm lại là mục tiêu, nhiệm vụ đã khác nhưng quán tính/quan niệm tạo hình vẫn không thay đổi bao nhiêu. Vì thế, hiện nay thực hành nghệ thuật mới ở các trường thường do các dự án trao đổi ngoại khóa với các tổ chức nước ngoài, nhưng “gánh vác” chủ đạo lại là các không gian nghệ thuật mở như Sàn Art, Ga O, New Space Art Foundation...

Thí sinh làm bài thi môn trang trí tại Đại học Nghệ thuật Huế - Ảnh: Ngọc Hà

Chọn cái dị biệt, không chọn điển hình hóa

Vậy liệu có cách thức thi cử nào khác hơn để thay đổi căn bản việc tuyển sinh vào các trường mỹ thuật? Câu trả lời là có, nếu chúng ta thay đổi quan điểm về giáo dục, khoa học về giáo dục và khoa học về quản lý giáo dục nghệ thuật.

Các trường cần cơ cấu lại chương trình đào tạo mỹ thuật sao cho phù hợp với xu hướng trên thế giới và khu vực. Các môn nghệ thuật đương đại cần phải được giảng dạy lý thuyết và thực hành chính khóa. Bộ môn mỹ học cần cập nhật thêm nhiều quan điểm khác, mới và phải đóng vai quan trọng trong việc định hướng sáng tạo, quan điểm sáng tác của sinh viên và tiêu chí đánh giá của hội đồng nghệ thuật.

Bên cạnh các quan điểm truyền thống về cái đẹp và nghệ thuật, có hai quan niệm mới cần được chính thức đưa vào giảng dạy. Một là, cái đẹp là một hiện tượng mới, có thể thấy từ những tiêu chí cụ thể, rõ ràng của các cuộc thi.

Ví dụ, tại Thái Lan năm 2010 triển lãm Giải thưởng Panasonic lần thứ 12 có chủ đề Creativity for a wholesome life (tạm dịch: Sáng tạo vì một cuộc sống tốt lành) và Toshiba lần thứ 22 có chủ đề “Brings good things to life” (Mang những điều tốt đẹp tới cuộc sống). Hai là, nghệ thuật như suy nghĩ/quan niệm (Art as thinking), tức dùng các quan niệm mới để soi chiếu, lý giải, đánh giá tác phẩm nghệ thuật. Và sinh viên cũng có “đất” để sáng tạo.

Từ nền tảng thay đổi căn bản đó, các trường có thể phân loại các dạng năng khiếu để tuyển thí sinh vào đào tạo như: năng khiếu mô phỏng/tái tạo/, chuyển đổi/hư cấu, tạo hình động. Xu hướng này nhiều nước trong khu vực và trên thế giới thường áp dụng để phát hiện các mô dạng tạo hình sáng tạo, độc đáo của thí sinh. Tức là họ tuyển cái khác, cái “dị biệt” chứ không phải cái “điển hình hóa” theo tiêu chí đã định sẵn như chúng ta.

Một mùa tuyển sinh lại trôi qua, bao nhiêu nước chảy đã qua cầu, vẫn thấy thí sinh “lọ mọ” mãi với hình họa và bố cục theo tiêu chí đã xưa cũ. Câu hỏi đặt ra là đến bao giờ tuyển sinh năng khiếu vào các trường mỹ thuật Việt Nam có những cách thức, tiêu chí thi tuyển đầu vào theo những chuẩn tắc khác trước, mới mẻ và phù hợp với thời cuộc?

 

Đề thi đã “lộ”!

Năm 2006, một công ty chuyên vẽ truyện tranh của Nhật Bản sang tuyển sinh tại Trường đại học Nghệ thuật Huế và họ đã ra bài thi như sau: “Hãy hình dung mình đang soi gương và vẽ lại chân dung đó trong gương soi”. Họ hoàn toàn không quan tâm đến bằng cấp của thí sinh nhưng cuối cùng họ đã tuyển được những người mà họ cho là có khả năng phát triển trong lĩnh vực họ đang muốn tuyển.

Liệu có thể đánh giá được năng khiếu của thí sinh bằng những dạng đề thi mới như cách làm của công ty Nhật Bản kia không? Hoàn toàn có thể. Ví dụ như không nhất thiết phải luôn là vẽ hình họa mẫu người toàn thân.

Có thể yêu cầu thí sinh vẽ trực họa một số đồ vật (như vẽ tĩnh vật), hay cũng có thể là vẽ theo một yêu cầu nào đó như chỉ vẽ dáng người trong các tư thế nào đó mà đề thi yêu cầu, hoặc vẽ lại một khuôn mặt ở trạng thái ngạc nhiên, vui mừng, sợ hãi, hay vẽ theo một đề tài nào đó mang tính tưởng tượng..., tức là có vô số cách ra đề để thí sinh có thể bộc lộ được khả năng thật sự của mình mà không cần phải ôn luyện quá nhiều trước đó.

Rõ ràng là tuyển sinh năng khiếu thì dứt khoát phải chú ý đến năng khiếu (tức là bản năng thật sự tự nhiên của thí sinh). Có nghĩa là vẫn có thể có những hình thức thi và nội dung thi như thế nào đó để có thể phát hiện một cách khách quan nhất năng khiếu thật sự của thí sinh thay vì cứ căn cứ vào một dạng đề thi đã bị “lộ” từ lâu như hiện nay.

ThS Trần Thanh Bình (nguyên phó hiệu trưởng Trường đại học Nghệ thuật Huế)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận