02/02/2018 10:24 GMT+7

Đào tạo đại học, hãy đoạn tuyệt với xin - cho

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TTO - Đã đến lúc Bộ GD-ĐT phải thoát ly hẳn khỏi cơ chế xin - cho, giáo dục cần được để thị trường điều tiết và người học tự nhận diện chất lượng đào tạo của từng trường.

Đào tạo đại học, hãy đoạn tuyệt với xin - cho - Ảnh 1.

Những người làm công tác đào tạo ĐH, CĐ trước đây không thể quên cảm giác thấp thỏm, chờ đợi chỉ tiêu được Bộ GD-ĐT giao mỗi mùa tuyển sinh. Với các trường công, chỉ tiêu ấy có thể đi kèm với kinh phí. Kết quả, cơ chế xin - cho đã khiến cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục một thời gian dài khoác tấm áo quyền uy ban phát.

Cơ chế xin - cho tưởng đã chấm dứt khi năm 2011, trong thông tư về xác định chỉ tiêu tuyển sinh, bộ giao quyền tự chủ cho các trường xác định và thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm. 

Nhưng thực sự thế nào? "Sự thật là dù mang tiếng tự chủ, nhưng lúc thì trường phải báo cáo rồi chờ bộ đóng dấu đỏ xác nhận chỉ tiêu, lúc vẫn phụ thuộc vào thông báo của bộ. Tự chủ, vì thế, chỉ là hình thức" - lãnh đạo một trường ĐH chia sẻ.

Thực tế, câu chuyện chỉ tiêu luôn nóng bỏng vì nó gắn với "nồi cơm" của các trường. Vì vậy, mỗi lần bộ đổi mới là một lần các trường phải xoay xở chuyển đổi để thích nghi. 

Chỉ trong 7-8 năm qua, thông tư xác định chỉ tiêu tuyển sinh đã liên tục phải sửa đổi đến ba lần. Trong đó, có những quy định vừa buông ra đã nhanh chóng phải rút lại vì... không phù hợp thực tiễn.

Điều khiến các trường băn khoăn là ở dự thảo mới lần này, bộ vẫn duy trì tư duy cũ, lấy giảng viên, cơ sở vật chất làm tiêu chí sống còn để xác định chỉ tiêu. Trong khi đó, tỉ lệ việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp lại chưa được đưa vào công thức tính.

TS Lê Trường Tùng - chủ tịch hội đồng quản trị Trường ĐH FPT - cho rằng cách làm của bộ đang đẩy các trường vào cảnh "đếm cua trong lỗ", đi ngược lại xu thế phát triển chung, khiến các trường không cách nào tăng năng suất. 

Với xu thế tăng cường đào tạo online, tăng cường thời lượng sinh viên tự học, số giờ trên lớp giảm, công thức tính của bộ sẽ gây tình trạng dôi dư giảng viên bất đắc dĩ ở một số trường.

Có chuyên gia ví von bộ đang mặc kệ ai sốt ruột với cách mạng 4.0 cứ sốt ruột, còn các quy tắc bộ vẫn đủng đỉnh, loanh quanh với 1.0, 2.0. Có lẽ vấn đề nằm ở chính công cụ, trình độ và tư duy quản lý của Bộ GD-ĐT chưa theo kịp những đòi hỏi của thời đại. Bám vào những tiêu chí tưởng như an toàn, nhưng rốt cuộc, dù có mướt mồ hôi bộ cũng khó lòng quản lý nổi.

Ở mô hình hiện đại, cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục phải làm tốt công tác đánh giá, kiểm định chất lượng. Hãy sát cánh cùng phụ huynh, học sinh để định hướng việc chọn trường, chọn lớp phù hợp. Hãy sát cánh cùng các doanh nghiệp để các nhà tuyển dụng lựa chọn được người đúng nhu cầu...

Ai cũng hiểu ôm vào xin - cho có thể có lợi cho một số người của bộ, chứ hoàn toàn không có lợi cho các trường và càng không hay cho ngành giáo dục. Đã đến lúc Bộ GD-ĐT phải thoát ly hẳn khỏi cơ chế xin - cho, giáo dục cần được để thị trường điều tiết và người học tự nhận diện chất lượng đào tạo của từng trường.

Nhiều bộ ngành đang bỏ dần những thủ tục hành chính gây phiền hà cho cơ sở. Bộ GD-ĐT rất có thể phải dũng cảm "lấy đá ghè chân mình", nhưng để lấy lại uy tín thực sự cho ngành giáo dục thì cái giá phải trả - dù có đắt - cũng rất đáng.

Đại học sẽ tự xác định chỉ tiêu Đề án tuyển sinh đại học dự kiến năm 2018 của UEF Đề xuất bỏ bộ chủ quản với đại học
NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên