TTCT - “Bác sĩ phải là sinh viên suốt đời” - GS.TS.BS Nguyễn Sào Trung (nhà giáo nhân dân, nguyên trưởng khoa y ĐH Y dược TP.HCM) trao đổi cùng TTCT về việc đào tạo bác sĩ hiện nay. Sinh viên ngành y thực tập - Ảnh do GS Nguyễn Sào Trung cung cấp Bác sĩ là sinh viên suốt đời Theo GS Trung, tất cả các nước đều chọn lọc người học và rất khắt khe trong việc xây dựng cơ sở đào tạo ngành y, dược nói chung và ngành y nói riêng, không chỉ có bác sĩ (BS) mà cả điều dưỡng. Về chuẩn đầu vào, người học ngành y không chỉ cần có tâm mà phải có đủ trí thông minh, trình độ để tiếp thu tốt kiến thức, kỹ năng của ngành y, từ đó có thái độ xử trí tốt nhất cho từng bệnh nhân. Do đó, để đào tạo được một người BS tốt, cần đến những tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Nếu lấy sinh viên với 20 điểm cho ba môn toán - hóa - sinh, chia bình quân mỗi môn chỉ khoảng 6,5 điểm là khá thấp. Tôi nghĩ đa số sinh viên này không đủ trình độ và đủ thông minh để học cho tốt, để trở thành BS giỏi trong tương lai. BS là sinh viên suốt đời, phải có đủ trình độ để có thể tự học, tự đào tạo sau khi ra trường, để luôn cập nhật kiến thức. Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế nên quy định điểm sàn ngành BS đa khoa cho toàn quốc. Điểm sàn này nên cao hơn nhiều ngành khác. Tổng điểm ba môn cơ bản của ngành y là toán - hóa - sinh phải 24 điểm và không môn nào dưới 6 điểm. Về cơ sở vật chất, cần phải trang bị phòng thí nghiệm và các bệnh viện thực hành. Nhất là phải có phòng thí nghiệm cho hai môn quan trọng nhất trong ngành y là giải phẫu học và sinh lý học. Hai môn học này cùng với các môn khác sẽ tạo nền móng vững chắc để học những môn lâm sàng, nhằm khi sinh viên tốt nghiệp, trở thành BS sẽ dễ tiếp thu kinh nghiệm của đàn anh, dễ tiếp thu kiến thức từ các nguồn thông tin khác nhau, đặc biệt là đủ tỉnh táo để nhận định rằng thông tin nào đúng, thông tin nào sai. Về môn giải phẫu học, nên có xác cho sinh viên thực tập. Học trên mô hình là để hỗ trợ, mô hình không thể thay thế cho xác được. Đầu vào ở nhiều nước còn phải qua phỏng vấn. Phỏng vấn cũng có thể không đánh giá được hết trình độ người được phỏng vấn và có thể không khách quan, nhưng người phỏng vấn - thường là thầy cô của trường y - có thể đoán được phần nào trình độ, cách ứng xử của sinh viên trước những tình huống bất ngờ... Thực tế hiện nay nhiều trường không có xác để dạy thì làm sao? - Cái đó thì chịu. Nếu làm đúng trách nhiệm của một trường đào tạo y khoa phải có xác để dạy. Tối thiểu phải có xác ngâm formol cho sinh viên học. Để có một phòng thực tập giải phẫu học đúng nghĩa, cần phải có những phương tiện, thiết bị để xử lý, bảo quản xác đúng quy cách vừa giúp cho việc giảng dạy, học tập tốt, vừa tránh được ô nhiễm môi trường. Và còn phải có giảng viên có trình độ chuyên môn để hướng dẫn? - Đúng. Các giảng viên đó phải kinh qua giảng dạy giải phẫu học, biết phẫu tích cái xác như thế nào cho các cấu trúc của xác còn nguyên vẹn. Ví dụ khi giảng về đường đi của một dây thần kinh hay một mạch máu, trên xác dây thần kinh và mạch máu đó phải còn nguyên ở vị trí tự nhiên, không bị sai lệch. Có thống kê nào cho thấy hậu quả từ BS thiếu kiến thức do đào tạo? - Ngành y nước nào cũng có những sai sót không mong muốn. Ngay cả ở những nước có nền y học tiên tiến cũng không tránh khỏi những sai sót trong suốt quá trình từ chẩn đoán, điều trị và tiên lượng bệnh. Nếu đào tạo BS đàng hoàng, ít sai sót xảy ra. Nếu đào tạo không tốt, đào tạo chỉ chú ý đến số lượng, sai sót sẽ tệ hại hơn nhiều. Có những sai lầm người bệnh biết, người khác biết, có những sai lầm chỉ BS điều trị biết, có khi BS đó cũng không biết là mình làm sai. GS.TS.BS Nguyễn Sào Trung Hậu kiểm là vô ích Sức khỏe con người ta không giống sản phẩm của các nhà máy, xài không được thì bỏ. Với con người, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh mạng rồi hậu kiểm cái gì? Có thu lại bằng bác sĩ thì đã có người bị hại rồi! Hậu kiểm cũng vô ích GS.TS.BS Nguyễn Sào Trung Cơ sở không đủ điều kiện để dạy các môn cơ bản, vậy chương trình giảng dạy, thời lượng mỗi môn làm sao biết đủ hay thiếu? - Về chương trình đào tạo, có chương trình khung của Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế, trong đó quy định số tiết giảng lý thuyết và thực hành cho mỗi môn. Dạy đúng khung chương trình hay không, chất lượng bài giảng lý thuyết và thực hành như thế nào chỉ có... trời biết. Về bệnh viện thực hành, nên lưu ý rằng không phải bất kỳ bệnh viện nào cũng có thể làm nơi thực hành cho BS y khoa, mà phải đủ điều kiện: giường bệnh, người bệnh, đủ các chuyên khoa. Đó là nơi thị phạm, tức là phải dạy những gì chuẩn mực nhất, chỉ cho sinh viên thực hành đúng nhất, kể cả những điều nhỏ nhặt nhất. Ví dụ phải rửa tay như thế nào, tiêm tĩnh mạch, rút máu thế nào... Tất cả những thao tác đó phải rất chuẩn. Phải dạy cho đúng chuẩn để kiến thức sinh viên đúng chuẩn, như vậy mới là bệnh viện thực hành được. Bộ Y tế đã đưa ra những tiêu chuẩn cho bệnh viện thực hành, các trường ĐH y khoa phải xem bệnh viện đó đủ chuẩn về cơ sở vật chất, đủ chuẩn về giảng viên không. Với đội ngũ giảng viên, không phải cứ tiến sĩ là sẽ giảng được. Trên thực tế có những BS chưa có bằng tiến sĩ, chỉ là chuyên khoa 1, chuyên khoa 2 nhưng lại giảng thực hành lâm sàng tốt hơn nhiều so với tiến sĩ. Cho nên, chuẩn mà Bộ GD-ĐT đưa ra để mở mã ngành phải có bao nhiêu PGS, bao nhiêu tiến sĩ... là chuẩn tương đối. Thông thường, các trường y lâu đời như ĐH Y Hà Nội, ĐH Y TP.HCM, các thầy thường là trưởng khoa lâm sàng hoặc BS điều trị tại chỗ, gắn với lâm sàng, lăn lộn tại bệnh viện, có thể lãnh lương ở trường ĐH y nhưng họ làm việc tại bệnh viện và gắn với bệnh viện, vẫn trực gác với BS, có giường bệnh, khám bệnh mỗi ngày như các BS ở bệnh viện và họ mổ xẻ như các BS trong bệnh viện. Có như thế họ mới có kinh nghiệm, cộng với kiến thức của một người thầy, họ sẽ giảng dạy tốt. Những thầy không làm lâm sàng, chỉ có giảng lý thuyết thì không thể giảng tốt cho sinh viên học trên giường bệnh được. Từ các điểm nêu trên, có thể xem lại các trường y đã mở, sắp mở có đạt chuẩn chưa. Với trường đã mở rồi, phải kiểm tra thường xuyên về chương trình đào tạo, về chất lượng giảng viên, về cơ sở vật chất để có khuyến cáo, đưa ra thời hạn buộc phải nâng cấp các labo, các phòng thực tập và cơ sở thực tập lâm sàng. Có người cho rằng cứ cấp phép, cho tuyển sinh rồi sẽ hậu kiểm? - Phải nghiêm ngặt ngay từ khâu tuyển sinh, từ cơ sở đào tạo... Bắt buộc phải đủ chuẩn mới cho tuyển sinh. Ngành nào có thể hậu kiểm chứ ngành y thì không nên. Vì khi sinh viên tốt nghiệp, trở thành BS, được khám chữa bệnh, đã có thể gây hại cho bệnh nhân rồi. Sức khỏe con người ta không giống sản phẩm của các nhà máy, xài không được thì bỏ. Với con người, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh mạng rồi hậu kiểm cái gì? Có thu lại bằng BS thì đã có người bị hại rồi! Hậu kiểm cũng vô ích. Hiện nay chưa có chuẩn làm sao để đánh giá trong hậu kiểm và làm căn cứ để buộc phải nâng cấp? - Cách để có chuẩn tốt nhất là Bộ Y tế nên tham khảo ý kiến từ các trường đã có kinh nghiệm như ĐH Y Hà Nội, ĐH Y TP.HCM, ĐH Y Phạm Ngọc Thạch, ĐH Y dược Cần Thơ... Những nơi này sẽ giúp đưa ra chuẩn cho từng môn, chuẩn tối thiểu cho các phòng thực tập y học cơ sở, chuẩn bệnh viện thực hành, chuẩn đầu vào giảng viên, chuẩn đầu vào của sinh viên và chuẩn đầu ra cho BS. Xin cảm ơn GS.■ Bất đồng của hai bộ Năm 2013, Bộ Y tế đã có công văn gửi Bộ GD-ĐT về một loạt vấn đề tồn tại của việc đào tạo ngành y, dược khiến chất lượng đào tạo ngành đặc thù này nảy sinh nhiều bất cập. Bộ Y tế đã nhận định chất lượng đào tạo ngành y, dược không đồng đều giữa các trường, một số ngành như trung cấp dược, điều dưỡng có xu hướng dư thừa, khó tuyển dụng. Hội đồng hiệu trưởng các trường ĐH y dược Việt Nam cũng đã họp và phản ảnh việc nhiều trường ngoài công lập có chỉ tiêu tuyển sinh lớn trong khi năng lực đào tạo và cơ sở thực hành hạn chế. Chỉ tiêu nhiều nên điểm tuyển sinh vào các trường ngoài công lập rất thấp so với trường công lập, không phù hợp với quy hoạch của ngành và ảnh hưởng lớn đến chất lượng... Tuy nhiên, trước mong muốn được tham gia thẩm định mở ngành cùng với Bộ GD-ĐT với nhóm ngành y, dược của Bộ Y tế, Bộ GD-ĐT khi đó lại cho rằng không cần phải có sự tham gia về chuyên môn của Bộ Y tế để thẩm định mở ngành, để tránh sự chồng chéo. Thay vào đó, Bộ GD-ĐT đồng ý mời đại diện sở y tế các tỉnh, thành tham gia đoàn kiểm tra và xác nhận những điều kiện thực tế. Chưa kể, trong khi Bộ Y tế đề nghị Bộ GD-ĐT phải là cơ quan đứng ra khuyến cáo tình trạng dư thừa nhân lực trung cấp dược, trung cấp điều dưỡng, y sĩ thì trao đổi với TTCT, lãnh đạo Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD-ĐT khi đó lại cho rằng dựa trên quy hoạch phát triển nhân lực, Bộ GD-ĐT có thể đưa ra khuyến cáo một cách tổng thể như đã làm đối với các ngành kinh tế, quản lý, luật trong thời gian qua.■Ngọc hà Tags: Đào tạo ngành yĐào tạo bác sỹBác sỹ là sinh viên
Trung ương đồng ý cho ông Nguyễn Văn Thể, Bùi Văn Cường thôi chức, khai trừ Đảng 3 cựu bí thư THÀNH CHUNG 25/11/2024 Trung ương Đảng đã đồng ý cho ông Nguyễn Văn Thể, Bùi Văn Cường thôi chức, khai trừ Đảng 3 cựu bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, Phú Thọ.
4 người trong gia đình tử nạn ở Hà Nội: Các nạn nhân ôm chặt nhau dưới mương HỒNG QUANG 25/11/2024 Các nhân chứng cho biết khi họ tiếp cận nơi này, 4 người còn ngồi trên yên xe máy, ôm chặt nhau.
Sở Văn hóa và Thể thao: Xây mới Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng là 'rất cần thiết' NGUYÊN KHÔI 25/11/2024 Trước những ý kiến khác về việc triển khai dự án Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng, quan điểm của Sở Văn hóa và Thể thao ra sao khi trình báo cáo?
Phản ứng của Tổng thống Philippines sau khi bị cấp phó dọa ám sát TRẦN PHƯƠNG 25/11/2024 Sau khi bị cấp phó Sara Duterte dọa ám sát, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos nói ông sẽ không cho phép điều đó xảy ra.