Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Nai Nguyễn Phú Cường yêu cầu quan tâm đến đào tạo nghề cho người trung niên ở các xã bị giải toả xây dựng sân bay Long Thành - Ảnh: A LỘC
Ngày 21-12, Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Nai Nguyễn Phú Cường đã đối thoại với gần 200 đoàn viên thanh niên trên địa bàn nhằm lắng nghe, giải quyết những ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của thế hệ trẻ.
Tại buổi đối thoại, ông Cường cho biết Đồng Nai có trên 3 triệu người, trong đó có trên 830.000 thanh niên từ 16-30 tuổi, chiếm gần 40% dân số toàn tỉnh. Đây là nguồn nhân lực dồi dào góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh của tỉnh.
Trong những năm qua, Tỉnh ủy Đồng Nai đã ban hành nhiều nghị quyết, kế hoạch, kết luận chuyên đề về công tác lãnh đạo thanh niên. Qua đó, thanh niên Đồng Nai đã có nhiều chuyển biến tích cực về nhận thức chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, nghề nghiệp, thu nhập… Phần lớn thanh niên giàu khát vọng, ý chí vượt khó, vươn lên làm giàu cho bản thân và xã hội.
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy cả thanh niên nông thôn lẫn thanh niên trí thức hiện nay đều đang gặp nhiều khó khăn trong lao động, việc làm. Việc tập hợp, phát huy tiềm năng của thanh niên còn nhiều hạn chế. "Do đó, trong buổi nói chuyện hôm nay tôi mong muốn các anh chị hãy mạnh dạn, thẳng thắn đặt câu hỏi để buổi giao lưu đạt kết quả tốt nhất", ông Cường nhấn mạnh.
Một đoàn viên đặt câu hỏi tại buổi đối thoại - Ảnh: A LỘC
Ngay sau phát biểu của ông Cường, hàng loạt ý kiến của các đoàn viên thanh niên đã được nêu lên trải rộng ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Nổi bật là các vấn đề liên quan đến nguồn vốn hỗ trợ thanh niên nông thôn phát triển sản xuất – kinh doanh, hỗ trợ khởi nghiệp, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người dân khu vực dự án sân bay Long Thành, các thiết chế văn hoá - thể thao cho thanh niên công nhân trên địa bàn…
"Được biết tỉnh đã có quyết định phê duyệt đề án đào tạo nghề, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án sân bay Long Thành. Tuy nhiên, tôi rất băn khoăn về việc chuyển đổi mô hình kinh doanh, sản xuất từ vùng nông nghiệp ở địa bàn các xã quy hoạch sao cho phù hợp. Kính mong đồng chí bí thư tỉnh uỷ cho biết thêm về những chủ trương, định hướng của tỉnh trong phát triển nguồn nhân lực và giải quyết việc làm cho thanh niên, vừa đáp ứng nhu cầu lao động cho doanh nghiệp. Nhất là các ngành nghề có thể làm việc trong sân bay Long Thành sau khi xây dựng xong?" - anh Lê Phi Long, đoàn viên xã Bình Sơn, huyện Long Thành đạt câu hỏi.
Trong khi đó, chị Nguyễn Anh Thư, sinh viên Trường ĐH Đồng Nai lại quan tâm về sự phát triển mạnh mẽ của các trang mạng xã hội đang gây ảnh hưởng lớn tới giới trẻ. Trong đó có mặt tích cực và mặt tiêu cực. "Điều đáng lo ngại nhất là nhiều thông tin trên mạng xã hội hàm chứa nội dung không lành mạnh, gây kích động, bạo lực, hình thành lối sống truỵ lạc, chia rẽ đoàn kết dân tộc, tôn giáo… Tỉnh uỷ có những chủ trương nào để định hướng thông tin, dư luận cho thế hệ trẻ tỉnh nhà", chị Thư chia sẻ.
Sau khi lắng nghe đoàn viên thanh niên đặt nêu ý kiến, đại diện các sở ngành liên quan đã trả lời cặn kẽ từng câu hỏi của các bạn trẻ. Đối với trường hợp của anh Long, ông Phạm Văn Cộng – phó giám đốc Sở Lao động – thương binh và xã hội Đồng Nai cho biết đã triển khai xuống các xã, ban ngành và các trường nghề trên địa bàn.
Chị Nguyễn Anh Thư, sinh viên Trường ĐH Đồng Nai đặt câu hỏi cho bí thư tỉnh uỷ trong buổi đối thoại - Ảnh: A LỘC
Trong kế hoạch 2018-2020 của tỉnh sẽ đào tạo 1.000 lao động chất lượng cao bao gồm các ngành như cơ khí, điệ, điện tử, công nghệ CNC, điện tử động và lắp ráp viễn thông. Sau khi đào tạo học viên sẽ được cấp 2 bằng gồm 1 bằng quốc gia và 1 bằng quốc tế. Qua đó, đảm bảo tiêu chuẩn quốc gia, đảm bảo trình độ điều kiện có thể làm việc tại sân bay Long Thành.
"Ngoài ra, Sở Lao động – thương binh và xã hội Đồng Nai, Trường CĐ Lilama cũng đã phối hợp với cảng hàng không có biên bản ghi nhớ với Viện đào tạo ở Scotland đào tạo chuyên về ngành hàng không. Tới đây chúng tôi sẽ triển khai cho các trường để đào tạo lao động cho cụm cảng hàng không Long Thành…", ông Cộng cho biết.
Liên quan vấn đề trên, Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Nai Nguyễn Phú Cường cho biết tỉnh uỷ đặt ra phải làm cho đúng, không được tư túi gì hết, cứ kê khai khống lên để chia chác tiền là thế nào cũng ở tù. Cho nên cương quyết phải làm đúng. Về cơ chế thì đã có cơ chế về đào tạo nghề, giải quyết việc làm và hỗ trợ di dân. Còn giá là giải quyết đền bù theo quy định.
"Quan tâm nhất là người dân phải bỏ nơi mình sinh sống trong số 5.000ha bị giải toả, phải làm cho người lớn tuổi thế nào, thanh niên thế nào. Vì vậy, đề nghị Sở Lao động – thương binh và xã hội ngay từ bây giờ cần quan tâm đào tạo nghề, nhất là đào tạo nghề cho người trung niên vì cỡ bốn mấy năm chục tuổi làm công nhân là không nhận nữa nên phải có cách nào để xử lý", ông Cường nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận