04/09/2022 18:18 GMT+7

Dạo sông Sài Gòn, cựu thủ tướng Ehud Barak kể chuyện phát triển ở Israel

PHÚC TIẾN
PHÚC TIẾN

TTO - Nghe tôi giới thiệu danh tướng Trần Hưng Đạo đã chỉ huy 3 lần cuộc kháng chiến đánh đuổi quân Mông Cổ, ông Barak gật gù, hỏi kỹ sự kiện diễn ra vào thế kỷ nào và trận Bạch Đằng diễn biến ra sao.

Dạo sông Sài Gòn, cựu thủ tướng Ehud Barak kể chuyện phát triển ở Israel - Ảnh 1.

Phu nhân cựu thủ tướng Israel, bà Nili Barak, chụp ảnh cho chồng trước tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ảnh: T.T.D.

Sẽ không có độc lập nếu còn nghèo đói, lệ thuộc kinh tế và nhiều mặt vào các cường quốc khác. Chúng ta phải giàu mạnh thì mới không bị ai đe dọa, xâm lấn!".

Cựu Thủ tướng Israel Ehud Barak

Ông cụ 80, tráng kiện, bộ râu dài trông có vẻ bí hiểm, thái độ thân thiện, nói năng sắc sảo. Đó là ấn tượng đầu tiên của tôi với ông Ehud Barak, cựu thủ tướng Israel, nguyên tướng quân - bộ trưởng quốc phòng. Và nữa, ông là doanh nhân, khởi nghiệp khi thôi chính trường.

Tôi được mời cùng ông bà Barak đi dạo một vòng để kể chuyện lịch sử Sài Gòn - TP.HCM. Sau đó, đoàn đến thắp nhang tưởng niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ở nhà chị Hiếu Dân - con gái ông, và dùng cơm cùng hai người Sài Gòn nổi tiếng khác: ông Phan Chánh Dưỡng và ông Phạm Chánh Trực. Suốt buổi chiều tối hôm ấy, câu chuyện trao đổi với hai vị khách VIP Do Thái không dừng ở xưa mà còn có nay, rôm rả, tương hợp.

Ông Ehud Barak lặp lại hai lần: "Tôi đã tìm hiểu và được biết Võ Văn Kiệt là một nhà cải cách hàng đầu của Việt Nam!".

Đừng làm quốc gia hạng hai

Giữa trưa, xe dừng ở bến Bạch Đằng, phía trước tượng đài Trần Hưng Đạo. Ông bà Barak không ngại nóng bức, trong ánh nắng chang chang, cả hai đi bộ chọn nhiều góc cạnh chụp hình tượng đài cũng như dòng sông Sài Gòn. 

Nghe tôi giới thiệu danh tướng Trần Hưng Đạo đã chỉ huy 3 lần cuộc kháng chiến đánh đuổi quân Mông Cổ, ông Barak gật gù, hỏi kỹ sự kiện diễn ra vào thế kỷ nào và trận Bạch Đằng diễn biến ra sao. 

Ông bà chăm chú nghe và háo hức ngắm dòng sông uốn quanh bán đảo Thủ Thiêm, rất ngạc nhiên khi biết TP.HCM chỉ cách biển khoảng 80km. 

Thế còn Tel Aviv - thủ đô Isarel - có sông lớn như Sài Gòn không? Ông Barak lắc đầu: Tel Aviv không có lợi thế sông biển như Sài Gòn.

Tôi hướng dẫn ông bà Barak vào thăm bến tàu cao tốc Greenlines, nơi có tàu đi Cần Giờ và Vũng Tàu chỉ trong khoảng hai giờ và nhấn mạnh: không có dòng sông Sài Gòn, không có biển rất gần thì thành phố của chúng tôi đã không hình thành và phát triển được như vậy. 

Khi trông thấy mô hình tàu cao tốc mang tên Thăng Long trong tủ kính, ông Barak hỏi ngay: "Thế Việt Nam có đóng tàu này không? Ngành đóng tàu ở nước anh có lâu chưa?". 

Tôi hãnh diện: "Đây là tàu made in Vietnam, bạn tôi là chủ hãng tàu này, một doanh nhân trẻ". 

Tôi chỉ về phía Nhà máy Ba Son (cũ) để kể rằng công nghiệp đóng tàu hiện đại đã ra đời từ Sài Gòn khoảng năm 1790. Nhà máy ấy nổi tiếng từ đó đến nay, đã và đang đóng và sửa chữa cả chiến thuyền và thương thuyền! Thêm một lần nữa, ông Barak gật gù.

Dạo sông Sài Gòn, cựu thủ tướng Ehud Barak kể chuyện phát triển ở Israel - Ảnh 3.

Tại nhà bà Hiếu Dân, cuộc trò chuyện thú vị diễn ra giữa ông bà Barak, ông bà Phạm Chánh Trực, ông Phan Chánh Dưỡng, bà Hiếu Dân và ông Phúc Tiến - Ảnh: N.A.T.

Ông bà càng tỏ ra rất vui khi nghe tôi giới thiệu mô hình tàu đô đốc Latouche Tréville, con tàu đã đưa chàng trai Nguyễn Tất Thành - sau này trở thành Chủ tịch Hồ Chí Minh - khởi hành từ Sài Gòn ra đi tìm đường cứu nước năm 1911. Lập tức cả hai rút điện thoại chụp mô hình con tàu, bảng ghi chú và hỏi kỹ lại xem Nguyễn Tất Thành đã làm việc gì trên tàu, đi đến đâu trong cuộc hải hành xa xôi ấy.

Tối đó, tại nhà chị Hiếu Dân cũng bên sông Sài Gòn, ông Barak thân mật cho biết bản thân đã nghe nói và tìm hiểu Việt Nam từ những năm bước vào quân ngũ, ngay trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam. 

Ông kể tại Paris năm 1946, Hồ Chí Minh từng gặp David Ben - Gurion, vị anh hùng khôi phục nước Do Thái sau Thế chiến thứ hai. Cả hai đều đồng thuận phải tìm mọi cách giành lại độc lập cho dân tộc. 

Trong khi Việt Nam đối phó với việc thực dân Pháp quay trở lại thì Do Thái, có lẽ may mắn hơn, trở thành một quốc gia có chủ quyền năm 1948. Ông Barak đôi mắt nheo nheo lóe sáng: "Trong tiểu sử của Ben-Gurion có ghi về cuộc gặp gỡ này. Nhiều người nước tôi biết điều ấy!".

Cùng gặp tại nhà chị Hiếu Dân có ông Phạm Chánh Trực, nguyên phó bí thư Thành ủy và phó chủ tịch UBND TP.HCM, người từng tham gia đấu tranh ở đô thị và bị tù đày trong chiến tranh. 

Đây là lần đầu tiên, hai ông bà Barak trò chuyện với một nhân chứng của cuộc chiến ác liệt. Ông Trực, năm nay 82 tuổi, ôn tồn lắng nghe khi trao đổi với một nhân vật Do Thái - cùng thế hệ trưởng thành trong chiến tranh. 

Sau khi nghe ông Barak nói về lịch sử đấu tranh và phát triển của Do Thái, một cách thân mật, ông Trực hỏi: "Nước ông từ một dân tộc mất nước, ly tán bốn phương trời suốt 2.000 năm mà vẫn khôi phục được quốc gia và thăng tiến mạnh mẽ. Vậy bí quyết của người Do Thái là gì?".

Vị cựu thủ tướng Israel rung rung hàm râu xám bạc, nói chậm rãi: "Dân tộc chúng tôi từ lúc lưu vong, tổ tiên đều dạy con cháu phải chiến đấu, phải cố gắng sinh tồn, vượt thoát cái đói và cái chết". 

Và ông bỗng đưa ra nhận xét: "Việt Nam cũng vậy. Đất nước các ông nếu không đánh bại được quân Pháp, không đuổi được quân Mỹ thì không thể giành lại độc lập, nhưng độc lập rồi thì vẫn phải tiếp tục đấu tranh để đừng trở thành một "second state - quốc gia hạng hai"!".

Dạo sông Sài Gòn, cựu thủ tướng Ehud Barak kể chuyện phát triển ở Israel - Ảnh 4.

Ông bà Barak thắp nhang tưởng niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt tại nhà bà Hiếu Dân - Ảnh: P.T.

Cố kết dân tộc và tự do

Người Do Thái đã làm gì để hưng phục và đất nước mạnh lên? Ông Barak nhắc lại lịch sử: năm 1948, Israel ra đời, được hợp thành bởi những người Do Thái đến từ 88 nước khác nhau, nói nhiều thứ tiếng khác nhau. Bản thân gia đình ông đến từ Ba Lan, còn vợ ông thì từ Hungary. 

Dân cư phức tạp như vậy nhưng Israel vẫn thành công khi huy động và phối hợp được sức lực và trí tuệ của dân chúng là nhờ sự cố kết, gắn bó dân tộc xuyên suốt nhiều thế kỷ. 

Cộng đồng Do Thái dù lưu lạc ở đâu vẫn giữ liên lạc, giúp nhau sinh sống và làm ăn, tạo thành mạng lưới thông tin và buôn bán toàn cầu. Sự cố kết ấy giữ vững bằng lời thề nguyện sinh tồn, phải có ngày hưng phục quốc gia. 

Hơn nữa, không chỉ là tinh thần dân tộc keo sơn mà còn sức mạnh tâm linh và tôn giáo bền vững. Hiện tại, dân số người Do Thái trong nước chỉ 6 triệu, và số người gốc Do Thái nước ngoài cũng tương đương. Hai nguồn lực trong và ngoài nước đều lớn lao, cùng làm nên một quốc gia cường thịnh.

Theo ông Barak, các lãnh đạo Israel không chỉ kêu gọi mà còn biết cách nuôi dưỡng ý chí và sức mạnh dân tộc một cách thông minh và hiệu quả. Họ hiểu muốn đất nước hùng mạnh thì phải phát triển giáo dục và khoa học. 

Giáo dục từ phổ thông đến đại học đều được nhà nước đầu tư lớn và thường xuyên thu hút nhân tài. Đặc biệt, khi Liên Xô sụp đổ, chính phủ đã có kế hoạch đón ngay 1 triệu người gốc Do Thái (trong đó có 1/3 đến từ Ukraine) về sống và làm việc trên quê cha đất tổ. 

Cộng đồng đặc biệt này đã giúp Israel có được những bước tiến và thành tựu vượt bậc trong công nghệ cao như IT và sinh học.

Dạo sông Sài Gòn, cựu thủ tướng Ehud Barak kể chuyện phát triển ở Israel - Ảnh 5.

Ông Ehud Barak rất thích thú khi được xem mô hình tàu đô đốc Latouche Tréville - đã đưa chàng trai Nguyễn Tất Thành ra đi năm 1911 - tại ga tàu thủy cao tốc Greenlines - Ảnh: N.N.

Israel còn có kế hoạch và ngân sách để thu hút trí thức các nước Âu Mỹ về giảng dạy và nghiên cứu. Những trí thức tinh hoa được trả lương rất cao để bù đắp lại việc họ phải rời nơi chốn cũ. Chính phủ và các doanh nghiệp còn "canh" khi nào có khủng hoảng ở các nước Âu Mỹ thì càng tăng cường vận động trí thức gốc Do Thái trở về quê nhà.

Một bí quyết nữa là tinh thần tự do và ý chí sáng tạo. Người Do Thái luôn được dạy độc lập suy nghĩ, biết đặt câu hỏi và đề xuất giải pháp. Họ không phân biệt tuổi tác hay địa vị, làm việc ở đâu cũng đừng sợ hỏi và đừng ngại có ý kiến. Điều đó, theo ông Barak, có thể khác biệt với các nước Á Đông chịu ảnh hưởng của Khổng giáo, tuân thủ những tôn ti trật tự nhất định. 

Ông Barak cho rằng mọi người còn phải biết học hỏi lẫn nhau, học cách làm việc phối hợp. Ở Israel, công dân nào từ 18 tuổi cũng phải tham gia nghĩa vụ quân sự và nhập ngũ khi cần. Trong quân đội, có khi người lính là giáo sư còn chỉ huy lại là sinh viên, song tất cả đều làm việc nhịp nhàng với nhau, không xảy ra xung khắc.

Tinh thần tự do và ý chí sáng tạo còn được hun đúc bởi cạnh tranh, rất điển hình ở các trường đại học. Các đại học đều cố gắng tham gia các cuộc đấu thầu khoa học quốc tế, giành giật những nguồn tài trợ nước ngoài. 

Kinh phí của trường không thể chỉ dựa vào ngân sách nhà nước hay tiền học phí, hoặc đóng góp của các cựu sinh viên và nhà hảo tâm. Một phần lớn kinh phí đại học là do bán các phát minh hoặc tham gia các dự án nghiên cứu trong và ngoài nước. 

Tiền bản quyền phát minh của đại học ngoài một phần chia cho các tác giả, phần còn lại đều được dùng để tái đầu tư cho nhà trường. Cả hệ thống y tế cũng vậy, nhờ có cạnh tranh mà người dân có thể sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn.

Khi chia tay mọi người, ông Barak nói như một lời gửi gắm: "Phải có người giỏi thì đất nước hay doanh nghiệp mới thay đổi được!".

Hai tuần ở Việt Nam

Xem ban do unnamed (1)

298389710_805061043864641_4066269951748281059_n

Ông Võ Hồng Nam (trái) hướng dẫn ông Barak xem bản đồ Điện Biên Phủ và thủ bút của ông Barak bày tỏ ngưỡng mộ với Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Ảnh: P.T.

Ông Ehud Barak là một quân nhân và chính khách chuyên nghiệp, từng là bộ trưởng nội vụ, bộ trưởng ngoại giao (1995) và trở thành thủ tướng thứ 10 của Israel (1999-2001). Ông còn là bộ trưởng quốc phòng vào năm 2007. Sau khi từ giã chính trường, ông Barak chuyển sang làm tư vấn kinh doanh cho một số công ty.

Trong hai tuần lễ từ ngày 3 đến 19-8-2022, ông Barak đến thăm Việt Nam theo lời mời của Boston Global Forum (BGF) - một tổ chức phi chính phủ ở Mỹ.

Ngoài nhiều buổi nói chuyện với giới doanh nhân và sinh viên, ông bà còn dành thời gian đi thăm gia đình cố Chủ tịch nước Lê Đức Anh, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và dạo qua một số di tích lịch sử của thành phố. Ông bà đến thăm Bến Tre, Tây Ninh, Nha Trang, Đà Lạt và Hà Nội.

Lãnh đạo TP.HCM khảo sát sông Sài Gòn: Khai thác ngay, không chờ quy hoạch Lãnh đạo TP.HCM khảo sát sông Sài Gòn: Khai thác ngay, không chờ quy hoạch

TTO - Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên: Hành trình hơn 2 giờ xuôi thuyền khảo sát dòng sông Sài Gòn do báo Tuổi Trẻ tổ chức chiều 15-5 đã giúp lãnh đạo TP, chuyên gia góp nhặt thêm nhiều điều có ý nghĩa cho việc phát triển dòng sông và TP.

PHÚC TIẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên