Thủ tướng Frank Bainimarama của Fiji - Ảnh: REUTERS
Theo Hãng tin Reuters, ngày 26-5, Nhà Trắng cho biết đảo quốc Fiji sẽ tham gia Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF) của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Đây là đảo quốc đầu tiên ở Thái Bình Dương tham gia IPEF - sáng kiến được cho là một phần trong nỗ lực của chính quyền ông Biden nhằm đối phó ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực. Ông Biden đã chính thức công bố về sáng kiến này trong chuyến công du châu Á dài 5 ngày vừa qua.
Thông báo trên của Nhà Trắng được đưa ra trong bối cảnh ngoại trưởng Trung Quốc bắt đầu chuyến thăm 8 nước ở Thái Bình Dương từ ngày 26-5 tới 4-6. Các nước này gồm Quần đảo Solomon, Kiribati, Samoa, Fiji, Tonga, Vanuatu, Papua New Guinea, và Timor-Leste (Đông Timor).
Nhà Trắng hoan nghênh việc Fiji trở thành thành viên sáng lập của IPEF. Sáng kiến này hiện tại có sự tham gia của các nước đến từ khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á, Nam Á, châu Đại Dương, và Thái Bình Dương.
"Về mặt địa lý, chúng tôi đang thống nhất trong cam kết hướng tới một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở và thịnh vượng" - cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết.
Fiji là quốc gia thứ 14 tham gia các cuộc đàm phán về IPEF. Một quan chức trong chính quyền ông Biden chỉ ra với việc Fiji tham gia, IPEF hiện tại đại diện đầy đủ cho sự đa dạng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Sự ra đời của IPEF diễn ra trong bối cảnh Mỹ thiếu một trụ cột kinh tế trong chiến lược mở rộng ảnh hưởng tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương kể từ lúc cựu tổng thống Mỹ Donald Trump rút Washington khỏi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Nhà Trắng cho biết IPEF không miễn trừ thuế quan cho các quốc gia tham gia (trong đó có Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Malaysia, Philippines...) nhưng giúp giải quyết các vấn đề từ biến đổi khí hậu đến khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng và thương mại số.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận