Bức ảnh (không rõ ngày chụp) được Lực lượng cảnh sát hoàng gia Quần đảo Solomon (RSIPF) công bố ngày 29-3-2022 cho thấy các sĩ quan cảnh sát Trung Quốc đang đào tạo các sĩ quan RSIPF diễn tập các kỹ năng chiến đấu phi vũ trang, cách sử dụng gậy dài, khiên tròn, dùi cui chiến thuật, còng tay, chiến thuật súng trường cơ bản và kiểm soát đám đông - Ảnh: AFP/RSIPF
Theo Hãng tin AFP, ngày 31-3, Quần đảo Solomon thông báo đảo quốc này đã ký hiệp ước an ninh với Trung Quốc, thỏa thuận mà Mỹ và các đồng minh lo ngại sẽ mở đường cho Trung Quốc có sự hiện diện quân sự đầu tiên ở khu vực nam Thái Bình Dương.
"Các quan chức Quần đảo Solomon và CHND Trung Hoa đã ký tắt các yếu tố của khuôn khổ hợp tác an ninh song phương giữa hai nước vào hôm nay (31-3)" - Văn phòng Thủ tướng Quần đảo Solomon cho biết.
Khuôn khổ hợp tác an ninh này hiện chỉ chờ ngoại trưởng hai nước ký.
Tuần trước, truyền thông quốc tế dẫn một tài liệu rò rỉ cho biết Quần đảo Solomon có kế hoạch ký thỏa thuận an ninh với Trung Quốc. Bản dự thảo của thỏa thuận nêu chi tiết các biện pháp cho phép triển khai lực lượng an ninh và hải quân của Trung Quốc tới Quần đảo Solomon.
Sau đó, hôm 25-3, chính quyền đảo quốc này xác nhận họ đang "đa dạng hóa các mối quan hệ an ninh, gồm cả Trung Quốc". Đến ngày 29-3, Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare xác nhận nước này đang đàm phán an ninh với Trung Quốc, nhưng khẳng định Quần đảo Solomon không "chọn phe".
Theo AFP, việc rò rỉ bản dự thảo thỏa thuận nói trên đã gây cú sốc chính trị trên khắp khu vực. Ngày 28-3, Thủ tướng Jacinda Ardern của New Zealand cho biết nước này hết sức lo ngại về khả năng khu vực Thái Bình Dương bị quân sự hóa.
Trong khi đó, Mỹ và Úc từ lâu đã lo ngại về khả năng Trung Quốc xây dựng căn cứ hải quân ở nam Thái Bình Dương, có thể cho phép hải quân của Trung Quốc phát huy sức mạnh vượt xa biên giới nước này.
Quần đảo Solomon có chưa tới 1 triệu dân, nằm cách Úc khoảng 2.000km về phía đông bắc.
Solomon đã cắt đứt quan hệ với vùng lãnh thổ Đài Loan và chuyển sang thiết lập quan hệ với Trung Quốc vào năm 2019. Điều này báo hiệu ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực Thái Bình Dương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận