26/07/2015 08:08 GMT+7

Đảo nhân tạo Trung Quốc là mối đe dọa nghiêm trọng

HIẾU TRUNG - HẢI YẾN
HIẾU TRUNG - HẢI YẾN

TT - Các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây trái phép trên Biển Đông là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh, thương mại, hàng hải và môi trường khu vực cũng như thế giới.

Phó đô đốc Anup Singh, nguyên tổng tư lệnh Lực lượng hải quân miền đông Ấn Độ, trao đổi bên lề hội thảo  Ảnh: THANH TÙNG
Phó đô đốc Anup Singh, nguyên tổng tư lệnh Lực lượng hải quân miền đông Ấn Độ, trao đổi bên lề hội thảo - Ảnh: Thanh Tùng

Đó là cảnh báo được các học giả trong nước và quốc tế nêu bật tại hội thảo Biển Đông ở TP.HCM ngày 25-7.

Hội thảo “Xây dựng công trình nhân tạo trên Biển Đông và tác động đối với hòa bình, an ninh, kinh tế và thương mại khu vực” do ĐH Luật TP.HCM và Hội Luật gia Việt Nam tổ chức đã thu hút hơn 200 nhà khoa học, chuyên gia luật quốc tế và đại biểu tham dự.

Trong hai phiên thảo luận, các học giả đã phân tích rõ tính chất phi pháp của các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng trên Biển Đông và những tác động nguy hiểm của chúng.

Tiến sĩ Ngô Hữu Phước, chuyên gia công pháp quốc tế thuộc ĐH Luật TP.HCM, cho biết Trung Quốc hoàn toàn không có quyền xây dựng các đảo nhân tạo trên Biển Đông. Trung Quốc dùng vũ lực tấn công và chiếm đóng các đá Xu Bi, Chữ Thập, Gaven, Gạc Ma, Châu Viên, Tư Nghĩa và Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

“Luật pháp quốc tế không thừa nhận chủ quyền của một quốc gia đối với lãnh thổ dùng vũ lực để xâm lược” - tiến sĩ Ngô Hữu Phước quả quyết.

Lập luận ngụy biện

Do đó, hành vi xây đảo nhân tạo của Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật biển Liên Hiệp Quốc (UNCLOS).

Mặt khác, luật pháp quốc tế, gồm UNCLOS, không công nhận hành vi bồi đắp, tôn tạo, xây dựng bất hợp pháp để làm cơ sở xác lập chủ quyền. Hơn nữa, việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo vi phạm nghiêm trọng Tuyên bố về ứng xử trên Biển Đông (DOC), cản trở nỗ lực xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC)...

Tiến sĩ Ngô Hữu Phước cảnh báo Trung Quốc xây đảo nhân tạo nhằm hai mục đích. Một là, củng cố và mở rộng yêu sách chủ quyền theo lộ trình.

Đó là tấn công xâm lược, bồi đắp đảo nhân tạo và xây cơ sở hạ tầng, yêu sách vùng biển 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo, đưa người đến ở và yêu sách các vùng tiếp giáp lãnh hải, đặc quyền kinh tế và thềm lục địa quanh các đảo nhân tạo.

Thứ hai, Trung Quốc muốn thôn tính toàn bộ quần đảo Trường Sa, kiểm soát ba điểm chiến lược là đảo Hải Nam, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, qua đó hiện thực hóa bản đồ “đường chín đoạn”, độc chiếm Biển Đông.

Tiến sĩ Trần Thanh Long, thuộc ĐH Luật TP.HCM, cùng nhận định Trung Quốc đang xây dựng các cơ sở quân sự để kiểm soát hàng không và hàng hải ở Biển Đông. Với các đảo nhân tạo, Bắc Kinh đủ sức cản trở tất cả hoạt động vận chuyển hàng hóa trên Biển Đông khi xung đột xảy ra. Để biện minh hành động của mình, Trung Quốc cáo buộc các nước khác cũng xây dựng, cải tạo đảo.

Tuy nhiên, tiến sĩ Trần Thanh Long khẳng định lập luận này là ngụy biện.

“Bởi Việt Nam, Malaysia và Philippines chỉ củng cố các đảo, đá để chống lại sự xói mòn tự nhiên, không mang mục tiêu quân sự, quy mô nhỏ hơn nhiều so với những gì Trung Quốc đã làm. Hơn nữa, các hoạt động cải tạo của Việt Nam, Malaysia và Philippines diễn ra trước khi ASEAN và Trung Quốc đạt DOC. Do đó, sự cải tạo này hoàn toàn không vi phạm luật pháp quốc tế” - tiến sĩ Trần Thanh Long giải thích.

Gây chạy đua vũ trang, hủy hoại môi trường

Về tác động tiêu cực của các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng trái phép, phó giáo sư Nguyễn Bá Diến, chủ tịch hội đồng Viện Nghiên cứu khoa học biển và hải đảo, nhận định chúng vi phạm chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam cũng như các nước khu vực, thách thức luật pháp quốc tế, đe dọa an ninh và hòa bình Biển Đông, hủy hoại môi trường Biển Đông.

Phó đô đốc Anup Singh, nguyên tổng tư lệnh Lực lượng hải quân miền đông Ấn Độ, chỉ trích hành vi đơn phương của Trung Quốc làm xấu đi quan hệ với các nước láng giềng, biến Biển Đông thành khu vực “đối đầu” và đặc biệt đã châm ngòi một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.

“Trạng thái này đang bị kích động mạnh” - phó đô đốc Singh nhấn mạnh. Ông cũng dự báo với các đảo nhân tạo, Trung Quốc sẽ lập một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông.

ADIZ này sẽ đe dọa thương mại toàn cầu, tự do hàng không khu vực và ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế hàng hải.

Học giả Aryio Bimbo thuộc ĐH Sahid, Indonesia, đánh giá các đảo nhân tạo của Trung Quốc là “thảm họa” đối với môi trường biển.

Hoạt động xây dựng của Trung Quốc phá hủy các rạn san hô quý giá, gây tiếng ồn làm rối loạn cuộc sống của các sinh vật biển, làm nhiệt độ nước biển gia tăng và thay đổi các dòng chảy, các đàn cá sẽ rời khỏi Biển Đông.

Nguồn cá cạn kiệt sẽ khiến cuộc sống và sinh kế của ngư dân nhiều nước khu vực rơi vào thảm cảnh. Tiến sĩ Phạm Văn Võ thuộc ĐH Luật TP.HCM dẫn lời một chuyên gia quốc tế mô tả hành vi xây dựng của Trung Quốc “là điều tồi tệ nhất xảy ra trong cuộc đời các rạn san hô trên Biển Đông”.

Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Văn Vân thuộc ĐH Luật TP.HCM cảnh báo các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây đang đe dọa và thu hẹp ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam.

Tiến sĩ Alena Ponkina thuộc ĐH Luật Kutafin (Nga) đặt vấn đề Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo nếu gây ô nhiễm biển thì đó có thể bị coi là một tội ác quốc tế, thậm chí là hành vi xâm lược.

* Giáo sư - tiến sĩ ERIK FRANKX (trọng tài viên Tòa án trọng tài thường trực The Hague - Hà Lan):

Trung Quốc không được phép đơn phương thay đổi hiện trạng các bãi đá và bãi cạn tự nhiên trên biển bởi đó là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế. Các đảo nhân tạo sẽ không tạo ra chủ quyền cho Trung Quốc.

Với tranh chấp, các bên liên quan phải ngồi vào bàn đàm phán để giải quyết vấn đề. Và tranh chấp trên Biển Đông là vấn đề quốc tế, cần phải được thảo luận và xử lý ở cấp độ quốc tế chứ không phải là khu vực.

Cộng đồng quốc tế rất nhỏ, bất kỳ nước nào, kể cả cường quốc như Trung Quốc, cũng sẽ không muốn đứng ngoài và bị coi là kẻ vi phạm pháp luật.

* Tiến sĩ TRẦN CÔNG TRỤC (nguyên trưởng Ban Biên giới Chính phủ):

Trung Quốc chắc chắn sẽ không dừng lại ở đây. Họ có thể sẽ đưa người tới các đảo nhân tạo, tổ chức đời sống, để rồi sau này nói rằng các đảo này có người ở nên họ có thể đòi chủ quyền. Dần dần bằng sức mạnh của mình và khả năng tuyên truyền, vận động, mua chuộc... Trung Quốc sẽ thực hiện được ý đồ chiếm Biển Đông.

Liệu chúng ta nên làm gì? Do đó ưu tiên hàng đầu hiện nay phải là tiếp tục công tác truyền thông, nâng cao hơn nữa về nhận thức của dư luận trong nước và quốc tế. Chúng ta cũng phải tính đến biện pháp đấu tranh bằng pháp lý để bảo vệ chủ quyền biển đảo.

HIẾU TRUNG - HẢI YẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên