TTCT - Gần 50 năm qua, ban tuyển dụng ở những đại học danh giá nhất ở Mỹ thường tạo điều kiện nhất định cho sinh viên da đen, gốc Mỹ Latin và thổ dân trong trường hợp mà điểm ở phổ thông của họ không vượt trội so với các nhóm sinh viên khác. Nhưng hôm 29-6 vừa rồi, Tòa tối cao Mỹ đã tuyên bố cách thức tuyển chọn này (affirmative action: chương trình chống phân biệt đối xử với người thiểu số) ở ĐH Harvard và North Carolina là vi hiến và yêu cầu các trường không được dùng sắc tộc làm căn cứ tuyển sinh. Phán quyết của tòa dự kiến tác động nhanh chóng tới các trường và nhiều chuyên gia đánh giá sinh viên từ các nhóm thiểu số trên sẽ giảm mạnh ở các đại học hàng đầu.Ảnh: FT.comSinh viên "cần được đối xử dựa trên trải nghiệm mỗi cá nhân - không phải là dựa trên sắc tộc - Chánh án John Roberts viết trong phán quyết - Nhiều đại học lại làm ngược lại một thời gian đã quá dài. Khi làm vậy, họ hiểu sai rằng dấu ấn của mỗi cá nhân không phải dựa vào những thách thức họ đã vượt qua, kỹ năng họ có, những bài học đã học được, mà dựa vào màu da. Lịch sử hiến pháp không chấp nhận lựa chọn này".Thẩm phán Sonia Sotomayer, trong ý kiến phản bác, thì viết phán quyết "cản trở và đảo ngược lại hàng thập niên những tiền lệ và tiến bộ". Tổng thống Joe Biden cũng chỉ trích "đây không phải tòa án bình thường". Ông Barack Obama, tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ, bình luận: "Chính sách ưu tiên không phải câu trả lời toàn vẹn cho nỗ lực về một xã hội công bằng hơn. Nhưng với nhiều thế hệ sinh viên bị loại ra một cách có hệ thống ở các tổ chức quan trọng của Mỹ, chính sách này cho chúng ta cơ hội để chứng minh mình có quyền có mặt ở đó".Kể từ khi được áp dụng cách đây 45 năm, chính sách tuyển sinh dựa vào sắc tộc đã vượt qua một loạt thách thức tại Tòa tối cao Mỹ. Phán quyết lần này xuất phát từ hai vụ kiện từ năm 2014 với nguyên đơn là Tổ chức Students for Fair Admission (Sinh viên vì tuyển sinh công bằng) của Eward Blum kiện các ĐH Harvard và North Carolina. Với phán quyết 6-3, tòa đồng ý rằng hệ thống tuyển sinh dựa trên sắc tộc đã vi phạm Tu chính án 14 về bảo vệ quyền bình đẳng của Hiến pháp Mỹ.Sinh viên gốc Á có lợi hơnPhán quyết dù vậy không áp dụng với các trường quân sự. Chánh án John Roberts để ngoại lệ này sau khi luật sư Nhà Trắng nói trong huấn luyện quân sự, đa dạng sắc tộc là vấn đề mang yếu tố an ninh quốc gia. Phán quyết cũng không loại trừ hoàn toàn yếu tố sắc tộc trong tuyển sinh khi cho phép trường có thể chấp nhận việc sinh viên trong bài luận và phỏng vấn giải thích yếu tố sắc tộc ảnh hưởng thế nào tới cuộc sống.Ở chiều hướng tích cực, một số chuyên gia đánh giá phán quyết mới có thể thúc đẩy tuyển sinh tiến bộ và phù hợp hơn cho các nhóm sinh viên - đặc biệt là sinh viên gốc Á, những người thường có kết quả điểm tốt nhưng bị loại vì yếu tố sắc tộc.Ảnh: The New York TimesTheo báo Anh The Economist, kinh nghiệm ở chín tiểu bang hiện đang cấm "affirmative action" trong ĐH công cho thấy từ khi lệnh cấm bắt đầu vào cuối những năm 1990 đến nay, tổng số sinh viên vào trường không thay đổi nhiều, nhưng nó có tác động tới việc các nhóm sinh viên lựa chọn học ở đâu. Số lượng sinh viên thiểu số dù vậy có thể giảm mạnh trong những năm đầu. Nghiên cứu ở sáu tiểu bang cho thấy số lượng sinh viên da đen và gốc Mỹ Latin giảm 20% những năm ngay khi lệnh cấm triển khai. Số lượng sinh viên da đen và gốc Latin tới hai trường công quan trọng nhất ở California là UC Los Angeles và UC Berkeley giảm khoảng 40%.Những sinh viên không vào các trường hạng nhất này thường đăng ký vào các trường hạng hai. Điều này tác động dây chuyền khi những sinh viên vốn ở trường hạng hai sẽ bị đẩy sang trường hạng ba. Ở California, sinh viên Latin tới các trường ít danh tiếng hơn sau những thay đổi này thường có tỉ lệ tốt nghiệp thấp. Nghiên cứu của Zachary Bleemer ở ĐH Yale ước tính sinh viên Latin vào các trường ở California có thu nhập giảm khoảng 5% trong giai đoạn đầu sau quyết định bỏ "affirmative action".Cách tuyển sinh sẽ thay đổi?Tuyển sinh sẽ thay đổi thế nào - đặc biệt ở các trường hạng cao ở Mỹ - phụ thuộc nhiều vào việc các trường sẽ nghĩ ra cách mới nào để vẫn tuyển được sinh viên thiểu số. Đa phần sinh viên vẫn nói họ thấy giá trị của việc duy trì môi trường học tập đa dạng."Phán quyết này ảnh hưởng tới chính sách, chứ không phải tới nguyên tắc mà chúng ta vận hành - Matthew Hyde, người phụ trách tuyển sinh ở ĐH Trinity, một trường hạng cao ở Connecticut, nói - Chúng tôi sẽ vẫn cố gắng để tạo ra môi trường đa dạng, năng động cho các bạn trẻ".Số lượng nộp hồ sơ thấp có thể là thách thức đầu tiên. Các trường hàng đầu có thể nỗ lực hơn để có thêm sinh viên da đen, Latin và thổ dân nộp hồ sơ. Những sinh viên này thường có điểm thấp hơn sinh viên da trắng và gốc Á: điều này dẫn tới suy nghĩ cơ hội trúng tuyển thấp và lo ngại về học phí cao ở các trường hàng đầu.Các trường công cũng có thể thử mô hình "tỉ lệ % hàng đầu" mà Texas từng làm sau khi cấm "affirmative action" từ những năm 1990. Các trường công ở đây cho học sinh tốt nghiệp trong top 10% các trường phổ thông được tuyển thẳng. Bằng cách đó, những học sinh học tốt, kể cả ở những trường phổ thông hạng thấp (nơi có nhiều sinh viên da đen và gốc Latin), vẫn có cơ hội được vào các đại học hàng đầu.Ý tưởng thứ ba là tăng số lượng sinh viên tuyển dựa trên thu nhập. Những sinh viên từ 20% những gia đình nghèo nhất chiếm khoảng 17% tổng số học sinh tốt nghiệp phổ thông, nhưng chỉ khoảng 8% nhập học các trường hàng đầu. Tạo điều kiện cho những sinh viên nghèo học giỏi này có thể thúc đẩy tính đa dạng ở các trường.Ảnh: New YorkerNhưng đồng thời để làm điều này, các trường hàng đầu sẽ phải từ bỏ các cách thức tuyển sinh ưu ái sinh viên nhà giàu và da trắng, như ưu tiên sinh viên là con cháu của cựu sinh viên trường (16% số sinh viên tốt nghiệp khóa 2025 của ĐH Harvard là con cháu của cựu sinh viên trường này).Richard Kahlenberg, nhà nghiên cứu về tuyển sinh, nói thật "điên rồ" khi các chính sách này vẫn tồn tại bất chấp cam kết của các trường về thúc đẩy sự linh động hơn của xã hội. Ông hy vọng rằng phán quyết của Tòa tối cao sẽ thúc đẩy các chương trình tuyển sinh tiến bộ hơn. "Đây là nghịch lý - ông Kahlenberg nói - Phán quyết của một Tòa tối cao bảo thủ sau một thời gian sẽ giúp một loạt chính sách tân tiến mới được triển khai".Theo tính toán mô hình của ĐH Georgetown và Stanford, việc kết hợp một số chiến lược này - chủ động xúc tiến tuyển sinh, chọn tỉ lệ % hàng đầu và ưu tiên sinh viên nghèo - có thể giúp các trường tuyển được các nhóm sinh viên đa dạng không khác gì hiện tại.Nhưng đạt được điều này ở tầm mức quốc gia đòi hỏi lãnh đạo các trường phải quyết tâm lớn. Việc tuyển thêm sinh viên nghèo (thay vì sinh viên giàu) đồng nghĩa các trường phải chấp nhận nguồn thu giảm đi do học phí giảm. Nghiên cứu 19 đại học ở các bang cấm "affirmative action" gần đây cho thấy các chính sách thay thế không thu hút được đủ nhiều sinh viên da đen và gốc Latin.Loại bỏ những phương thức tuyển sinh lạc hậuLee Bollinger, hiệu trưởng Đại học Columbia, nói ông phản đối quyết định của Tòa tối cao vì "affirmative action" đã có tác động tích cực cho xã hội Mỹ, đặc biệt thúc đẩy môi trường đa dạng của giáo dục đại học.Theo ông thì các trường nên bỏ các chính sách tuyển sinh lạc hậu và tìm các phương pháp mới để có thể tuyển dụng được người tài. Ông nhắc tới việc các trường đang đánh giá lại bài thi SAT - dạng bài thi tiêu chuẩn đã được tổ chức gần 100 năm nay. Gần 100 năm trước, các dạng bài thi này được coi là cách phân loại tốt với sinh viên - kể cả những người không có điều kiện. Nhưng giờ đây dạng thi cử này được cho là bất bình đẳng. Hơn hai thập niên qua, những gia đình có điều kiện đã chuẩn bị cho con em rất kỹ cho các bài thi đầu vào như SAT. Với sinh viên tham vọng và đủ điều kiện, thì chuyện luyện thi, tham gia hoạt động xã hội, ngoại khóa... để có hồ sơ tốt khi tuyển sinh rõ ràng là khác với các sinh viên xuất thân khó khăn. Rốt cuộc đã hình thành cả một ngành công nghiệp béo bở chuyên luyện thi đại học nhắm vào các trường Ivy.ĐH Columbia, giống như một số trường khác ở Mỹ, đã dần không coi bài thi SAT là bắt buộc với sinh viên đại học trong giai đoạn Covid-19. Số liệu ban đầu cho thấy việc sinh viên có nộp điểm SAT hay không không ảnh hưởng nhiều tới chất lượng học của họ trong lớp. Giờ ĐH Columbia đã bỏ hẳn việc nộp điểm SAT trong tuyển sinh. ■ Con ông cháu cha trong tuyển sinhViệc ưu ái con cháu cựu sinh viên từ lâu cũng bị coi là "affirmative action" cho người giàu: ĐH Harvard đặc biệt ưu ái sinh viên có cha mẹ từng là cựu sinh viên hoặc có người thân đóng góp tiền cho trường. Ngày 3-7, một nhóm nhà hoạt động đã đệ đơn kiện yêu cầu chính phủ liên bang chấm dứt chương trình này, họ cho rằng chính sách công bằng càng cần hơn sau phán quyết của Tòa tối cao."Tại sao chúng ta trao cơ hội cho những đứa trẻ vốn đã có đặc quyền và lợi thế tích lũy từ nhiều thế hệ - Ivan Espinoza-Madrigal, giám đốc điều hành Lawyers for Civil Rights, tổ chức đệ đơn kiện, nói - Dòng tộc và số tiền trong tài khoản không phải là thước đo năng lực và không nên tác động tới quá trình tuyển sinh". Theo The Economist, quyết định của tòa sẽ kích thích các hệ thống tuyển sinh công bằng hơn. Những lợi thế mà Harvard và Yale dành cho con cái cựu sinh viên và nhà tài trợ thực tế đi ngược quan điểm "có tài là dùng" mà các trường này vẫn rao giảng. Tags: Diện ưu tiênTuyển sinh đại họcTạo điều kiệnNhóm sinh viênNgười thiểu sốPhân biệt đối xửCơ hội trúng tuyểnGiáo dục đại họcCon ông cháu chaTòa tối caoQuyền bình đẳngSinh viên nghèoLuyện thi đại họcSinh viên đại học
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Thiếu phôi bằng lái, xe 'trùm mền' HÀ MI 22/11/2024 Tình trạng thiếu phôi bằng lái đang lan ra nhiều tỉnh thành cả nước. Hệ lụy của thực trạng này là hàng chục ngàn người dân bị "treo bằng" dù thi đậu, có địa phương phải loay hoay đi mượn phôi hoặc bất đắc dĩ tạm dừng kỳ sát hạch.
Độc lạ Đồng Nai: Treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm A LỘC 22/11/2024 Một gia đình ở Đồng Nai treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm khiến cộng đồng mạng xôn xao.
Đề xuất vàng mã, túi nilông, thuốc diệt cỏ vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt THÀNH CHUNG 22/11/2024 Bên cạnh đề xuất bổ sung một số mặt hàng vào diện chịu thuế thì một số đại biểu Quốc hội cũng đề nghị giãn áp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia.
Ông Kim Jong Un: Mỹ đẩy bán đảo Triều Tiên đến bờ vực chiến tranh hạt nhân MINH KHÔI 22/11/2024 Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un khẳng định bán đảo Triều Tiên chưa bao giờ đối mặt với nguy cơ chiến tranh hạt nhân nghiêm trọng như hiện nay.