13/01/2018 09:17 GMT+7

Đạo luật nghe lén qua ải Hạ viện Mỹ

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Bất chấp những tranh cãi, Hạ viện Mỹ đã đồng ý gia hạn thêm sáu năm chương trình giám sát của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) cho phép nghe lén các trao đổi riêng tư của người dân Mỹ mà không cần thông báo.

Đạo luật nghe lén qua ải Hạ viện Mỹ - Ảnh 1.

"Người thổi còi" Edward Snowden từng phơi bày việc NSA lợi dụng đạo luật nghe lén để thu thập thông tin cá nhân của công dân Mỹ - Ảnh: Reuters

Đạo luật, có tên gọi khoản 702 thuộc Đạo luật sửa đổi giám sát tình báo nước ngoài (FISA), được thông qua với tỉ lệ 256 phiếu thuận, 164 phiếu chống.

Cần thiết

Giới an ninh Mỹ khẳng định việc gia hạn đạo luật là cần thiết, thậm chí cảnh báo sẽ không thể phá các âm mưu khủng bố nếu không được phép nghe lén. Tuy nhiên, những người phản đối lại viện dẫn tiết lộ của "người thổi còi" Edward Snowden năm 2013 cho thấy NSA lợi dụng đạo luật để thu thập một lượng lớn thông tin cá nhân của công dân Mỹ.

Đạo luật cho phép Chính phủ Mỹ thu thập thông tin, thư điện tử và băng ghi âm các cuộc nói chuyện điện thoại của người nước ngoài ở các nước khác, thậm chí ngay cả khi họ đang nói chuyện với người Mỹ, mà không cần sự cho phép của các công ty cung cấp dịch vụ mạng như Google và AT&T.

Trước đó, Hạ viện Mỹ cũng bác bỏ những đề xuất sửa đổi FISA, trong đó yêu cầu các nhân viên tình báo trong hầu hết các trường hợp phải có lệnh của tòa trước khi tìm kiếm, đọc thư và tin nhắn của người Mỹ.

Khoản 702 FISA được thông qua năm 2008 dưới thời tổng thống George Bush nhằm tăng cường khả năng phát hiện khủng bố nhưng với thời gian hiệu lực có giới hạn và cần phải gia hạn mỗi 5 năm. 

Nó cho phép NSA và Cục Điều tra liên bang (FBI) theo dõi các mục tiêu nước ngoài bên ngoài nước Mỹ với mục đích an ninh quốc gia, thu thập các liên lạc của công dân. Đồng thời cho phép Cục Tình báo trung ương (CIA) và FBI lục soát các thông tin, bao gồm cả những gì đăng trên mạng xã hội, trong các cuộc điều tra hình sự.

Đạo luật dự kiến sẽ còn đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ hơn ở ải thượng viện, nhưng giới phân tích cho rằng nó sẽ tiếp tục được thông qua. Thượng nghị sĩ Rand Paul tuyên bố ông cùng các nghị sĩ khác sẵn sàng chiến đấu với đạo luật. 

"Không có công dân Mỹ nào phải bị tước đi quyền riêng tư cá nhân" - CNN dẫn lời ông.

Vi hiến?

Đạo luật được thông qua chỉ với thay đổi nhỏ so với dự thảo, theo đó yêu cầu FBI phải được phép của tòa để sử dụng các tư liệu thu thập được nhưng không ngăn được NSA tự do xem xét những thông tin này. 

Song song với đạo luật, giám đốc tình báo quốc gia Mỹ Daniel Coats ngày 11-1 công bố quy tắc siết chặt giới hạn cấp bậc được phép tiếp cận những thông tin tình báo nhằm ngăn việc công khai thông tin vì mục đích chính trị.

Tuy nhiên, nó vẫn vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ. Liên đoàn Tự do dân sự Mỹ (ACLU) chỉ trích đạo luật trao cho ông Trump và chính quyền khả năng tiếp tục can thiệp vào thư từ, tin nhắn và liên lạc cá nhân của người Mỹ. 

"Không tổng thống nào được có khả năng đó" - cố vấn chính sách của ACLU Neema Singh Guliani nhấn mạnh.

Tranh cãi về vấn đề theo dõi đã nổ ra nhiều năm qua. Theo những ý kiến phản đối, đạo luật không đặt ra những rào cản bảo vệ người dân. 

"Và điều đó có nghĩa trong thời của Jeff Sessions và Donald Trump, hoàn toàn không có gì ngăn được Bộ Tư pháp rà soát dữ liệu để tìm chứng cứ việc anh sử dụng cần sa, không đóng thuế hay cư trú bất hợp pháp hay sở hữu vũ khí anh không được phép" - nghị sĩ Jerrold Nadler nói.

Ông William Binney, người từng làm việc với NSA hơn 30 năm, cho rằng chính quyền Mỹ chỉ giả vờ tuân thủ luật pháp nhưng thực ra lại thu thập thông tin của tất cả mọi người. 

"Nếu họ chỉ theo dõi người nước ngoài trên đường dây, tất cả điều họ cần làm là nối vào 11 điểm của tất cả đường dây cáp xuyên biển đi vào nước Mỹ dọc bờ biển... họ sẽ có thông tin từ nước ngoài đi vào hoặc ra khỏi Mỹ. 

Thay vào đó, họ có tất cả các điểm phân phối đến toàn bộ người dân khắp nước Mỹ. Điều đó có nghĩa mục tiêu là người dân Mỹ, không phải người nước ngoài" - ông Binney giải thích trên Sputnik, cho rằng điều này vi phạm hiến pháp Mỹ.

Bất nhất

Điều gây bối rối không kém là việc Tổng thống Donald Trump thay đổi quan điểm xoành xoạch về FISA. Chưa bao giờ đề cập đạo luật này trước đó trên Twitter, ông Trump ngày 11-1 bất ngờ chỉ trích đạo luật ủy quyền cho cơ quan tình báo Mỹ đã bị lạm dụng để "theo dõi với dụng ý xấu" các hoạt động của chiến dịch tranh cử của ông.

Nhưng ngay trước khi bỏ phiếu, ông lại cho rằng đạo luật chỉ nhắm vào "những gã xấu nước ngoài ở nước ngoài. Chúng ta cần điều đó! Hãy thông minh lên".

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên