Đao Lang: Ca sĩ bí ẩn và bài hát 8 tỉ lượt nghe

CẢNH CHÁNH 21/09/2023 05:15 GMT+7

TTCT - Đằng sau ca khúc gây bão trong làng nhạc Trung Quốc với 8 tỉ lượt nghe trực tuyến (stream) là một ca - nhạc sĩ rất "quái".

Nhạc sĩ - ca sĩ Đao Lang. Ảnh: whatsonweibo.com

Nhạc sĩ - ca sĩ Đao Lang. Ảnh: whatsonweibo.com

Đằng sau ca khúc gây bão trong làng nhạc Trung Quốc với 8 tỉ lượt nghe trực tuyến (stream) là một ca - nhạc sĩ rất "quái": ở ẩn hơn 10 năm và quay lại với một bài hát được cho là "phục thù", nhằm vào những người coi thường anh trước đó.

Đao Lang (Dao Lang) phát hành album tái xuất Sơn Ca Liêu Tai ngày 19-7, sau 12 năm dài ẩn danh. Bài  (Luosha Haishi, 羅剎海市) trong album lập tức thành hit ở Trung Quốc, vượt mốc 8 tỉ lượt stream vào ngày 30-7.

Ca sĩ bí ẩn

Ca sĩ, nhạc sĩ Đao Lang tên thật La Lâm (Luo Lin), sinh năm 1971 tại tỉnh Tứ Xuyên, thành danh qua ca khúc Trận tuyết đầu tiên năm 2002. Anh bỏ học từ năm 17 tuổi để theo đuổi con đường âm nhạc, làm ca sĩ ở các phòng trà, thành lập nhóm nhạc biểu diễn.

Năm 1995 anh làm quen với Chu Mai, một cô gái vùng Tân Cương - vợ của anh bây giờ. Do ảnh hưởng của Chu Mai, anh đến Tân Cương tìm cảm hứng sáng tác. Chính tại đó, anh nghe được tiếng hát của người Đao Lang (Dolan - người Duy Ngô Dĩ ở Tân Cương), và nhận ra đó chính là thứ âm thanh mình tìm kiếm.

Sau đó anh thành lập công ty sản xuất âm nhạc, bắt đầu tiếp xúc với dân ca Tân Cương, phát hành nhiều tác phẩm ở Tân Cương. Album Trận tuyết đầu tiên năm 2002, với ca khúc đinh cùng tên, phủ sóng khắp toàn Trung Quốc ngay khi phát hành (2004) dù anh không hề truyền thông quảng bá.

Năm 2011, Đao Lang tổ chức chuyến lưu diễn quy mô lớn cuối cùng ở 4 thành phố Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến. Năm đó khi trả lời câu hỏi của phóng viên tờ Đệ Nhất Tài Kinh: "Hãy cho biết cảm nhận của anh sau khi ca khúc Trận tuyết đầu tiên năm 2002 nổi tiếng", anh nói: "Đấu không lại đành chọn cách chạy trốn thôi".

Đao Lang có hàm ý là văn hóa của dân tộc Duy Ngô Dĩ. Vì vậy ca sĩ Đao Lang từng bị kiện vì lấy nghệ danh này. Người Duy Ngô Dĩ cho rằng Đao Lang không liên quan đến văn hóa Đao Lang, nghệ danh của anh chỉ khiến người khác hiểu nhầm.

Anh kể về áp lực sau khi thành danh, phải bỏ lại cuộc sống nhàn hạ thoải mái ở Tân Cương để gặp gỡ công chúng, đi Hong Kong biểu diễn, trả lời phỏng vấn liên tục, cùng một vấn đề cứ lặp đi lặp lại với nhiều tờ báo khác nhau.

Anh phải tham gia hoạt động quảng bá từ 10h sáng đến 8h tối, mệt rã cả người, nhưng vẫn phải đối diện sự chỉ trích từ bên ngoài.

Từ 2005, Đao Lang về sống ở một thành phố nhỏ gần Urumqi, thủ phủ Tân Cương. Ngoài những chuyến biểu diễn, anh đa phần đi lại giữa vùng bắc và nam Tân Cương, anh thu thập âm nhạc dân ca Tân Cương, tìm kiếm nơi khởi nguồn văn hóa Đao Lang ven theo con sông Yarkand, chuyên tâm sáng tác.

Anh phổ nhạc thơ Duy Ngô Dĩ, sử dụng nhạc cụ của dân tộc này để hòa âm... Đao Lang mang nét đặc sắc của âm nhạc dân tộc Tân Cương lồng ghép vào âm nhạc hiện đại, theo nhà phê bình âm nhạc Đinh Thái Thăng.

Ông Đinh nhớ lại, năm xưa Đao Lang gây được tiếng vang trong làng nhạc Trung Quốc, nhưng lại không được công nhận trong nền âm nhạc chủ đạo. Đao Lang không giống với các ca sĩ của nền công nghiệp âm nhạc truyền thống, anh không được lăng xê, mà được dân chúng đón nhận một cách tự phát. Ưu thế của Đao Lang là chất giọng khàn, cao và khỏe, ca khúc dễ hát, lời ca mộc mạc dễ hiểu.

Đao Lang nổi tiếng nhưng không chạy theo thị hiếu, không lo kiếm tiền tươi, mà là ở ẩn để nghiên cứu sáng tác, chỉ điều này thôi đủ để kính trọng. Hơn nữa, việc có thể giữ vững niềm đam mê trong gần 20 năm, vẫn kiên trì sáng tác, tìm tòi lồng ghép các nhân tố âm nhạc cho thấy Đao Lang là người thực sự yêu âm nhạc.

Đao Lang hát La Sát Hải Thị. Ảnh: kinliu.hk

Đao Lang hát La Sát Hải Thị. Ảnh: kinliu.hk

Ca khúc phục thù?

Khi mọi người đều nghĩ rằng Đao Lang đã rút khỏi nền âm nhạc Trung Quốc, anh lại bất ngờ phát hành album mới, rồi làm mưa làm gió trong làng nhạc với La Sát Hải Thị - một ca khúc rất khác so với các ca khúc trước đây của anh, từ ca từ đến phong cách. Cư dân mạng đùa rằng, nếu không có chút văn hóa thì khó mà hiểu được lời nhạc.

La Sát Hải Thị là bài hát dựa trên cốt truyện chương 112 tác phẩm Liêu Trai Chí Dị của Bồ Tùng Linh đời nhà Thanh. Chuyện kể về quá trình nhân vật Mã Tuấn đi buôn lạc vào nước La Sát, nơi mọi thứ đảo lộn: không quý chuộng văn chương mà là tướng mạo; quan lại chức càng to thì dung mạo càng ghê rợn kỳ quái.

Hải Thị tức "hải thị thận lâu", là hiện tượng ảo giác, theo nghĩa đen là trông ra mặt bể mà thấy phố thị thành quách hiện ra. Người xưa chưa biết về nguyên lý khoa học nên cho đó là một kỳ quan của thiên nhiên, là tiên cảnh.

Nhớ năm xưa, Trận tuyết đầu tiên năm 2002 bán được 2,7 triệu đĩa, khắp các con đường đều vang lên ca khúc của Đao Lang. Việc một lần nữa lại có bài hit khiến anh trở thành đối tượng bị mổ xẻ, bàn tán.

Trên tờ Đệ Nhất Tài Kinh, nhà phê bình âm nhạc Đinh Thái Thăng phân tích Liêu Tai (廖哉) trong tên album đồng âm với Liêu trai (聊斋) trong Liêu Trai Chí Dị. Liêu Tai phản ánh sự cô độc, hoang vắng. Ca sĩ thông qua hình thức nhạc dân ca, gửi gắm rất nhiều tâm tư của mình. 

Các bài hát trong album lấy cốt truyện Liêu Trai Chí Dị nên thích hợp dùng để châm biếm, hàm chứa nhiều suy nghĩ sâu xa, nói lên những đạo lý mà không tiện nói ra.

Hình nền trong video (không chính thức) của bài hát La Sát Hải Thị trên YouTube.

Hình nền trong video (không chính thức) của bài hát La Sát Hải Thị trên YouTube.

Dựa vào lời bài hát, La Sát Hải Thị bị cư dân mạng đồn đoán là "ca khúc phục thù", cụ thể là ám chỉ các ca sĩ gạo cội như Na Anh, Dương Khôn, Vương Phong, những người nhiều năm trước từng có ý kiến về âm nhạc của Đao Lang.

Vài bình luận của cư dân mạng: Ca khúc được dân chúng đón nhận mới là cực phẩm, những ca sĩ hay nhạc sĩ hãy tự soi lại mình đi; La Sát Hải Thị là một chiếc gương chiếu yêu, soi rọi cái xấu cái đẹp của xã hội hiện thực...

Với tinh thần đó, dân mạng ùn ùn công kích tài khoản mạng xã hội của những ca sĩ kể trên. Trang cá nhân của Na Anh có đến hơn 5 triệu comment, khiến cô phải lên tiếng cầu cứu.

Ở chiều ngược lại, có người bình luận: Người mù chữ nhiều quá nên mới thô thiển ca ngợi Đao Lang, biến cái xấu làm cái đẹp, bại hoại thuần phong. Có người bình tĩnh hơn nói: "Cả một nhóm người biến thành người mà mình ghét nhất, đi công kích ca sĩ Na Anh, giẫm đạp ca sĩ Dương Khôn, Vương Phong. Hành động đến thế là đủ rồi, đã đến lúc hạ màn thôi. Ca khúc La Sát Hải Thị không chừng đang chửi chính các bạn".

Trước sau, với trận bão bình luận đủ chiều này, Đao Lang chọn thái độ im lặng, không bình phẩm.

Truyền bá văn hóa - thế là tốt

Nói về nguyên nhân nổi tiếng của ca khúc, tờ Hồ Nam Nhật Báo cho rằng ca khúc có 3 điểm đáng học hỏi: một là đề tài mới mẻ; hai là ca từ hàm súc nhưng gần gũi; ba là biết khai thác sức hút của văn hóa truyền thống.

Tờ báo cho rằng các nhạc sĩ sau này có thể thông qua các tác phẩm kinh điển như Hồng Lâu Mộng, Thủy Hử để tìm kiếm những câu chuyện thú vị, để nhiều người hiểu về văn hóa truyền thống, câu chuyện và ý nghĩa sâu xa của các tác phẩm kinh điển.

Trên CCTV, chuyên gia Liêu Trai học Mã Thụy Phương - giáo sư Đại học Sơn Đông - nói La Sát Hải Thị là tác phẩm dài nhất, nội dung phong phú nhất trong bộ Liêu Trai. Bà nói bài hát gây tiếng vang là điều đáng mừng. Trung Quốc rất cần các chuyên gia dịch tiểu thuyết văn ngôn cổ đại khó hiểu thành văn bạch thoại như Đao Lang.

Đao Lang. Ảnh: livingotherwise.com

Đao Lang. Ảnh: livingotherwise.com

Tờ Hà Nam Nhật Báo đúc kết: cơn sốt La Sát Hải Thị khiến người dân hứng thú với truyền thống văn hóa, tự tin về văn hóa truyền thống, qua đó thể hiện sức hút mãnh liệt của văn hóa truyền thống.

Tờ Tân Kinh Báo ngày 24-7 có bài viết tựa đề "La Sát Thị Hải tràn ngập không gian mạng, Đao Lang trở lại không phải để phục thù". Sức hút của ca khúc cho thấy khả năng sáng tác và tài năng âm nhạc của Đao Lang; phục thù luận vô căn cứ sẽ làm lu mờ sức hút đích thực của tác phẩm.

Việc Đao Lang ở ẩn có lẽ vì phong cách sống của anh. Thứ âm nhạc đặc biệt của anh không thích hợp hoạt động trong showbiz. Có lẽ anh nhất định phải cô độc mới có thể sáng tác ra tác phẩm đặc sắc. Có người gọi anh là "nông dân"nghe có vẻ như thiếu tôn trọng, nhưng thực tế nông dân còn có thể hiểu là một người giản dị, khác biệt, độc hành trong nền âm nhạc chủ đạo.

Phục thù luận là giả, nhưng sự tưởng tượng của người dân về phục thù lại phản ánh tâm trạng thật của họ: showbiz đang cần những âm thanh như Đao Lang, cần những bài La Sát Hải Thị để làm dịu tâm hồn. Người ta chào mừng Đao Lang đã trở lại, vì họ đã chịu đựng lối sống "xấu đẹp điên đảo" quá lâu rồi.

Theo tờ Hồ Nam Nhật Báo, lượt tìm kiếm La Sát Hải Thị trên mạng là 330.000 lượt vào cuối tháng 7. Ca khúc đứng đầu bảng xếp hạng của các nền tảng âm nhạc như QQ, 163.com. Không chỉ vậy, nhiều ca sĩ ăn theo, hát La Sát Hải Thị phiên bản tiếng Anh, phiên bản ca kịch Hồ Nam, phiên bản Nhị Nhân Chuyển, phiên bản AI, phiên bản Tương Thanh, phiên bản kinh kịch…, bài hát đã vượt qua khỏi biên giới được người dân các nước đón nhận.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận