23/10/2013 06:30 GMT+7

Đào hồ, khơi rạch để giảm ngập

D.N.HÀ ghi
D.N.HÀ ghi

TT - Vài năm gần đây, đỉnh triều ngày càng cao, gây ngập nặng nhiều nơi tại TP.HCM. Mới đây nhất, tối 20-10 triều cường đã đạt mức lịch sử: 1,68m. Làm gì để hạn chế ngập do triều cường?

Xin giới thiệu một số ý kiến của các chuyên gia dưới đây.

* TS.KTS NGÔ VIẾT NAM SƠN:

Trả lại những khu đất ngậm nước

zLWNFRnT.jpg
Ảnh: L.Vi
Về nguyên tắc, phát triển đô thị không nên xây dựng hết, phải khống chế tỉ lệ bêtông hóa mặt đất và phải có những khu vực bảo tồn sinh thái. Khi triều cường lên, những khu bảo tồn sinh thái này sẽ ngậm nước, tránh ngập cho đô thị. Các TP lớn trên thế giới đều có khu sinh thái như vậy.

Do vậy, trước hết TP phải trả lại diện tích ngậm nước bao gồm các công viên và những con kênh đã bị lấp. Trước đây, chính quyền xem những con kênh đơn giản như những dòng chảy lưu thông nước nên đặt cống thay kênh để lấy diện tích đất làm đường hoặc lấp kênh. Như đường Bến Bãi Sậy (Q.6) trước đây là một con kênh nhưng đã bị lấp (thay bằng cống). Thật ra, ngoài chức năng lưu thông nước, mặt kênh còn có chức năng thẩm thấu để giữ nước trong đất.

Đất công viên phải để trống hoàn toàn, không cho xây dựng bất kỳ công trình gì và hạn chế tối đa việc bêtông hóa để tăng độ thẩm thấu nước của mặt đất công viên. Công viên Kỳ Hòa trước đây có quy hoạch một hồ điều tiết nước cần phải giữ lại. Nếu không làm hồ điều tiết nữa thì cũng chỉ trồng cây xanh, để trống bề mặt đất để thẩm thấu nước nhằm chống ngập và tăng lượng nước ngầm. Ở công viên 23-9 cũng không nên xây dựng thêm một công trình nào và phải loại bỏ những bề mặt bêtông không cần thiết. Ở các khu vực đô thị hóa, cần phải tăng cường mảng xanh công viên, diện tích nào có thể để trống đất được thì phải để trống, không cho xây bêtông trên bề mặt, các kho bãi là đất công khi thu hồi thì nên dành phần lớn diện tích để làm công viên.

Có một thực tế là các ô đất ở các quận nội thành khi được cấp phép xây dựng đều có một tỉ lệ cây xanh nhất định, nhưng xây xong thì rất ít nơi chừa đất trống để trồng cây xanh, thảm cỏ. Cơ quan chức năng phải “hậu kiểm”, buộc các chủ đầu tư công trình tuân thủ những quy định về mảng xanh này... Tôi nghĩ chính quyền TP nên thuê đơn vị chuyên môn để quy hoạch nhằm khôi phục hệ thống kênh mương thoát nước đã bị lấp từ trước đến nay nhằm chống ngập do con người gây ra trong quá trình đô thị hóa. Việc này cần phải làm sớm.

* GS.TSKH LÊ HUY BÁ:

Đào những hồ nhỏ trong công viên

JmzVgC8a.jpg
Ảnh: Ngọc Hà
Theo tôi, TP nên làm nhiều hồ điều hòa theo nhiều hướng khác nhau. Những hồ này ngoài mục đích trữ nước, chống ngập trong mùa mưa, triều cường còn trả nước lại cho đất trong mùa khô. Như khu vực Gò Vấp thì đào hồ tại công viên Gia Định, khu vực Phú Nhuận thì đào những hồ nhỏ, cảnh quan trong công viên Phú Nhuận... Khu vực Tân Phú, Q.6 cũng phải tận dụng những khu đất công để đào hồ điều hòa. Ngoài ra, cần phải tận dụng, kết nối những hồ cảnh quan nhỏ, có sẵn như hồ Kỳ Hòa, hồ trong công viên Hoàng Văn Thụ... để chứa nước khi triều lên hoặc mưa lớn.

Hiện TP đang đối phó với mưa liên tục, mưa tập trung, mưa thượng nguồn, mưa tại chỗ gây ngập. Mà phần lớn là ngập cục bộ: đắp chỗ này thì ngập chỗ kia, đường cao thì nhà ngập, nhà cao thì đường ngập. Theo nghiên cứu của chúng tôi, ở khu vực Văn Thánh (Bình Thạnh) có khu vực cốt nền cao nhưng bị ngập, còn khu vực có cốt nền thấp lại không ngập. Đó là do trong quá trình phát triển đô thị, các nhà đầu tư đã làm ẩu, hệ thống thoát nước làm không đúng, không đấu nối được với hệ thống chung, không thuận theo quy luật dòng chảy nên khi mưa lớn hoặc triều cường, nước thoát không kịp nên vùng cao bị ngập. Những khu vực này cần phải quy hoạch lại đường cống thoát nước để tránh hình thành túi nước trên cao gây ngập.

Ngoài ra, TP cần phải khơi thông hệ thống mương rạch thoát nước để tăng lưu lượng dòng chảy, tăng dung tích chứa nước tại các kênh, rạch: Cầu Sơn, Xuyên Tâm, Bùi Hữu Nghĩa, Ruột Ngựa...

Thời gian qua, TP đã đô thị hóa khu vực Nhà Bè, Q.7 làm mất nhiều diện tích tích nước tự nhiên. Muốn khắc phục, phải xây dựng những hồ điều tiết với dung tích tương đương với khối lượng đất đã san lấp tại những khu vực này mới tạo được cân bằng. Thời gian tới, TP không nên phát triển dân cư, đô thị hóa khu vực tây nam (các xã Phong Phú, Bình Chánh... của H.Bình Chánh), mà nên phát triển dân cư theo hướng ở các quận đất cao: Thủ Đức, Q.12, H.Hóc Môn, Củ Chi... Đô thị hóa tới đâu phải xây dựng hồ điều tiết tới đó.

Cẩn thận với điện khi nước ngập

ujDj9ETA.jpgPhóng to
Ông Trần Văn Tươi chỉ mối nối dây điện gây ra cái chết cho con trai mình - Ảnh: Q.Khải

Ngày 22-10, chúng tôi đến nhà anh Lê Tuấn Thanh - nạn nhân bị điện giật chết khi tát nước ngập tại nhà ở đường Trường Lưu, P.Long Trường, Q.9, TP.HCM (Tuổi Trẻ đã phản ánh).

Ông Trần Văn Tươi, cha nạn nhân, đau đớn kể: “Nước ngập tràn vô nhà, tôi và nó (anh Thanh - PV) dùng ván chắn trước cửa, rồi tôi đứng ngay cửa trước tát, nó thì đứng tát nước ở cửa sau. Tát chưa được chục xô nước thì tôi nghe tiếng nó ú ớ kêu: ba... Linh cảm có chuyện xấu, tôi chạy tới cúp cầu dao rồi chạy vào thì thấy nó đã té gục xuống nước”. Sau đó, hàng xóm chở anh Thanh đến Bệnh viện Q.9 cấp cứu nhưng bác sĩ cho biết anh đã chết.

Ông Tươi dẫn chúng tôi ra phía sau bức tường trong nhà và chỉ lên chùm dây điện, trong đó có một mối nối lộ ra lõi đồng không được quấn băng keo. “Mối nối điện đó chạm vào tủ sắt đựng quần áo, Thanh không biết nên dựa vào tủ để tát nước mới bị điện giật...” - ông Tươi nói.

Ông Mai Hiếu Thảo - trưởng ban an toàn và bảo hộ lao động thuộc Tổng công ty Điện lực TP.HCM - cho biết qua kiểm tra hiện trường tại nhà nạn nhân Lê Tuấn Thanh cho thấy có sự rò rỉ điện qua mối nối chạm vào tủ sắt trong nhà. Để đảm bảo an toàn, ông Thảo khuyên người dân sống trong vùng hay ngập nước không nên đặt ổ điện, các thiết bị điện quá thấp. Các mối nối phải quấn keo an toàn. Đặc biệt nên lắp thêm cầu dao chống giật để khi xảy ra rò rỉ điện cầu dao tự động ngắt điện.

Ông Thảo lưu ý khi phát hiện những sự cố nguy hiểm liên quan đến điện mà không xử lý được, bà con có thể gọi vào tổng đài 1900545454 để được nhân viên điện lực địa phương trực tiếp hỗ trợ.

Triều cường làm hư nhiều tài sản của dân

EpSTb4af.jpgPhóng to
Trưa 22-10, triều cường đã rút nhưng nhà ông Lê Văn Vinh ở Bến Phú Định, P.16, Q.8 vẫn ngập - Ảnh: Đức Phú

Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, đỉnh triều vào sáng 22-10 đạt mức 1,48m lúc 5g30. Đến chiều cùng ngày, đỉnh triều ở mức 1,51m vào 19g.

Trưa 22-10, dù triều cường đã rút nhưng nhiều hẻm tại TP.HCM vẫn ngập đến đầu gối. Tại hẻm 39, 79, 251... Bến Phú Định (P.16, Q.8), nước vẫn còn ngập nửa bánh xe khiến nhiều xe máy chạy qua đây đều chết máy. Ông Lê Văn Vinh, ngụ nhà 79/15/30 Bến Phú Định, cho biết nước triều ồ ạt tràn vào nhà ông gây ngập tủ lạnh, tivi và hàng loạt đồ dùng khác. Ông Vinh cho biết thêm: “Nhà tôi có làm bánh mì để bán, mấy ngày nay cả nhà phải oằn lưng chống ngập nên cũng chẳng buôn bán được gì, bánh mì làm ra để đó ướt hết trơn”. Còn chị Thủy, nhà ở hẻm 39 Bến Phú Định, than nước ngập cả mấy ngày liền, phải dùng máy bơm để bơm nước, nên tiền điện tháng sau của gia đình chắc cũng tăng cao.

Cùng ngày, nhiều người dân ở P.5, Q.Gò Vấp vẫn đang oằn mình khắc phục thiệt hại sau trận triều cường tràn bờ bao gây ngập tối 20-10. Chị Tạ Ngọc Nga, nhà ở đường Dương Quảng Hàm, khu phố 12, P.5, cho biết nước tràn vào nhà quá bất ngờ nên người dân khu vực này phải dắt díu nhau bỏ chạy mà không kịp di tản đồ đạc ra ngoài. Nhiều nhà dân nước dâng lên tới cổ, đồ đạc, quần áo trôi lềnh bềnh trên dòng nước ngập. Theo chị Nga, qua thống kê sơ bộ nhà chị bị hư nhiều đồ đạc, tủ lạnh, tivi... ước tính thiệt hại gần 20 triệu đồng. Đến chiều 21-10, nước triều tiếp tục tràn vào khu vực này gây ngập khoảng 20 nhà dân...

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

D.N.HÀ ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên