24/12/2018 09:26 GMT+7

Đào đường tan nát, tái lập sơ sài

THU DUNG
THU DUNG

TTO - Cuối năm, tình trạng đào đường lại rộ lên ở hàng loạt tuyến đường TP.HCM. Dọc các tuyến đường Phạm Thế Hiển, Cao Lỗ... (Q.8), Hai Bà Trưng, Tôn Đức Thắng (Q.1), Bến Vân Đồn (Q.4)... "lô cốt" rào chắn khắp nơi, công trường thi công ầm ĩ.

Đào đường tan nát, tái lập sơ sài - Ảnh 1.

Đường Phạm Thế Hiển, Q.8, TP.HCM sau khi thi công xong đã được tái lập sơ sài như thế này - Ảnh: TUYẾT KIỀU

23h ngày 21-12, chúng tôi ghi nhận trên tuyến đường Phạm Thế Hiển (Q.8) có đến 3 đoạn đang bị rào chắn để thi công công trình.

Trong đó, đoạn rào chắn ngay đối diện cổng sau UBND Q.8 xây dựng hệ thống cống bao thuộc gói thầu G (do liên danh Yashida - Kolon thi công) khá nhem nhuốc, xung quanh "" vương vãi đất đá, vật liệu xây dựng.

Diện tích "lô cốt" chiếm dụng gần 2/3 bề rộng mặt đường khiến xe cộ đi lại khó khăn. Khi có xe tải chạy qua, hàng loạt xe máy phải dạt vào lề vì sợ tai nạn giao thông.

Cách đó không xa, tại giao lộ Phạm Thế Hiển - Dạ Nam, một tốp công nhân đang khẩn trương di chuyển máy móc để đào đường lắp cáp điện. Ngay cạnh hố đào là một chiếc xe tải đậu chờ sẵn để chở đất đá đi đổ chiếm gần hết mặt đường.

Đất đá tràn ra góc đường Dạ Nam, người đi xe máy buộc phải di chuyển chậm qua đoạn đường vì sợ bị trượt té.

Tại tuyến đường Cao Lỗ, công trình xây dựng cống bao dựng "lô cốt" rất sơ sài, vật liệu xây dựng, cống thô... bừa bãi trên đường. Điều này dẫn tới tình trạng đường gập ghềnh, chi chít ổ voi, ổ gà.

Chỉ một cơn mưa nhỏ, toàn bộ con đường trở nên lầy lội, sình lầy khiến dân cư ngán ngẩm.

Ngay trước cửa Bệnh viện Q.8, một hố sâu hoắm đang tiếp tục được đào. Tuy nhiên, tấm bảng công trình bị che khuất, một số người chạy xe máy vẫn đi nhầm vào đoạn đường đang đào hở.

Lúc này, công nhân trực tiếp chui xuống để lắp khung sắt trước khi lắp cống. Hầu hết quy trình thủ công, máy móc lạc hậu rất dễ dẫn đến tai nạn lao động.

TP.HCM, bao giờ không còn chuyện đào đường nham nhở?

TTO - Bao nhiêu năm nay, việc đào đường hở để lắp đặt công trình ngầm điện, viễn thông, cấp nước, thoát nước khiến mặt đường lún sụt và như manh áo vá. Bao giờ TP.HCM ứng dụng công nghệ mới để đường sá không còn bị xới tung nham nhở?

Sáng 23-12, chúng tôi quay lại tuyến đường Cao Lỗ, khi trời nắng lên, con đường bị bao trùm bởi khói bụi, đất cát. Hàng trăm căn nhà trên đường này bám đầy bụi, vật liệu xây dựng vương vãi đầy trước cửa nhà. Vỉa hè xung quanh cũng hư hỏng nghiêm trọng không thể đi bộ lên được.

Chị Nguyễn Ngọc Phương Anh - một người dân sống trên đường Cao Lỗ - cho biết công trình đào đường trên đường này đã kéo dài nhiều năm gây nhiều bất tiện trong đời sống sinh hoạt, kinh doanh của người dân.

"Lô cốt" chiếm dụng mặt đường còn khiến nhiều đoạn đường bị hư hỏng, xe cộ khó đi lại. Bụi bặm mù mịt cũng dễ dẫn đến các chứng bệnh hô hấp, tim mạch cho trẻ em. Đặc biệt vào ban đêm, tiếng máy móc đào đường ồn ào không ai ngủ được.

Không chỉ vậy, chúng tôi ghi nhận nhiều đoạn đường thi công nham nhở, trồi sụt rất nghiêm trọng. Ngay trong trung tâm TP, tuyến đường Tôn Đức Thắng (Q.1) sau khi tái lập thì manh mún, đường bị chắp vá như manh áo rách.

Tương tự, đường Bến Vân Đồn (Q.4), đường Hoàng Hoa Thám (Q.Bình Thạnh), đường Bùi Thị Xuân (Q.1)... cũng rơi vào tình trạng đơn vị thi công tái lập sơ sài, mặt đường tan nát, chi chít mảnh vá, có đoạn thì lồi, đoạn lại lõm sâu.

Người dân đi lại trên những tuyến đường này cho biết cứ nơm nớp bị té khi đi qua. Người đi xe máy cố gắng chạy thật chậm tránh các vết cắt trên đường và những vết sẹo đường do tái lập mặt đường ẩu.

TS Võ Kim Cương (nguyên phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM):

Không để tình trạng đào lên lấp xuống liên tục

Hiện phần lớn các công trình tại TP đều áp dụng công nghệ đào đường thủ công, máy móc lạc hậu. Điều này khiến hàng loạt "lô cốt" mọc lên chiếm mặt đường.

Công nghệ lạc hậu cũng khiến tình trạng đường sá hư hỏng ngày càng nhiều, ô nhiễm quanh vị trí đào, đời sống người dân xung quanh bị phiền nhiễu.

Một số đoạn như Cao Lỗ (Q.8), Bến Vân Đồn (Q.4) và nhiều tuyến ngay trung tâm Q.1 bị đào lên lấp xuống quá nhiều, gây ảnh hưởng tới kết cấu mặt đường, công trình nhanh xuống cấp.

Các nước trên thế giới đều áp dụng công nghệ đào đường hiện đại, khoan ngầm xuyên mặt đường nên không để lại chút dấu vết nào. Đường sá vẫn đẹp, không manh mún như nước ta.

Nếu áp dụng công nghệ đào đường mới sẽ giảm được chi phí, nâng cao chất lượng thi công, đảm bảo kết cấu mặt đường và an toàn giao thông.

TP cũng nên xem xét quy hoạch các công trình, dự án đồng bộ, không chồng chéo, không để xảy ra tình trạng đào lên lấp xuống liên tục làm đường sá ngày càng hư hỏng nghiêm trọng.

THU DUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên