Một đoạn đá xanh Sài Gòn xưa lộ ra dưới lớp ximăng bó vỉa cách đây không lâu trên đường Hai Bà Trưng (Q.1, TP.HCM) - gần giao lộ với đường Lê Duẩn. Ảnh chụp sáng 6-1-2016 |
Dải đá này được đục đẽo bằng tay cách đây hàng trăm năm khi làm đường Hai Bà Trưng, một trong những con đường xưa nhất Sài Gòn.
Có lẽ nó cũng cùng thế hệ với dải đá bó vỉa xung quanh nhà thờ Đức Bà vốn khánh thành từ 1880 đến giờ vẫn cứ "trơ gan cùng tuế nguyệt" qua tỉ tỉ bước chân.
Và không chỉ nơi đây, có thể nói hầu hết những con đường ở quận 1 hiện nay, khu vực mà cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, chính quyền Pháp xây dựng Sài Gòn xưa hoặc nhiều tuyến đường khu vực Chợ Lớn xưa được bó vỉa bằng loại đá xanh Biên Hòa này.
Kích cỡ mỗi thanh đá dài khoảng 1m, rộng khoảng 18-20cm, cao khoảng 30-40cm; được đục đẽo hoàn toàn bằng tay nên có độ bám chân rất lý tưởng khi đi lại.
(Đó là sự khác biệt của dải đá bó vỉa này với một số dải đá bó vỉa vừa được lắp đặt ở một vài đoạn đường ở TP.HCM: cắt bằng máy nên trơn láng, thậm chí có đoạn người ta còn mài láng đến bóng mặt, sắc cạnh - như ở đường Nguyễn Văn Trỗi, Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Lê Duẩn... chẳng hạn. Nhiều người, xe cộ khi lên vỉa hè đã té ngã dúi dụi vì độ trơn láng này, nhất là khi trời mưa).
Có thể nói: những thanh đá bó vỉa này hoàn toàn có ưu thế không thể bàn cãi so với việc bó vỉa bằng bêtông, thậm chí chỉ bằng ximăng tô trên bề mặt hiện nay trên các đường phố.
Bởi ngoài độ bền vững vài trăm năm thì độ co giãn trong thi công, làm mới cũng rất dễ dàng: do không dùng chất bám dính như vôi vữa, ximăng nên khi làm đường, nâng hoặc hạ nền đường, vỉa hè, những thanh đá này chỉ cần nhấc lên và hạ xuống sau khi nâng, giảm đất bên dưới.
Người xưa làm bằng tay cũng đã làm được như thế nói chi hiện nay máy móc làm chuyện này rất dễ dàng.
Thế nhưng không hiểu vì "lười" hay vì lý do gì đó, những năm gần đây, khi làm đường, làm lại vỉa hè, thay vì nhấc lên và hạ những thanh bó vỉa "trơ trơ như đá, vững như đồng" sau khi nâng, giảm đất bên dưới thì người ta "bêtông hóa", "ximăng hóa" bó vỉa bằng cách đổ bê tông, lát xi măng lên trên những thanh đá đẹp mê hồn và vững chắc đến vài trăm năm nữa này.
Để rồi những lớp bêtông, ximăng bó vỉa kia chỉ ít lâu sau đã lở loét, bung bét hết. Có nhiều nơi, như khu vực công viên 30-4 hiện nay, sau khi lớp bêtông, ximăng bên trên bung bét, những thanh đá xanh Biên Hòa hầu như còn nguyên vẹn bên dưới lại "phát lộ" sờ sờ trong mắt người qua lại như thách thức với thời gian; thách thức với bêtông, ximăng...
Nhiều đoạn ximăng bó vỉa khu vực Công viên 30-4 đã bung ra, lộ thanh đá xanh Biên Hòa bó vỉa vẫn đẹp và bền chắc vài trăm năm nữa |
Nhiều đoạn, bêtông, ximăng trôi hết, chỉ còn lại đá xanh Biên Hòa của Sài Gòn xưa |
Những thanh đá Biên Hòa bó vỉa xung quanh nhà thờ Đức Bà từ 1880 đến nay (2016) đã 136 năm vẫn mới, đẹp và khó ai nghĩ chuyện thay thế. Đây là đá bó vỉa cùng loại, cùng lứa (thậm chí cùng tốp thợ làm) với những thanh đá ở Công viên 30-4 hiện nay. Và cũng tương tự những thanh đá đá bó vỉa ở đường Hai Bà Trưng vừa "phát lộ" khi làm đường |
Trong khi nhiều thanh đá bị "chôn dấu" dưới bêtông, ximăng thì có đoạn bị mất, người ta tạo mới thay thế bằng thanh đá láng và sắc cạnh rất nguy hiểm |
... Và người Sài Gòn đi qua lại ngậm ngùi không chỉ cho hồn cốt Sài Gòn xưa bị phủ lấp bởi bêtông, ximăng mà còn ở sự bất hợp lý khi sử dụng vật liệu xây dựng nơi công cộng; lãng phí tiền bạc, công sức khi cứ phải làm đi làm lại mãi những bó vỉa bêtông, ximăng vô hồn...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận