04/01/2014 08:33 GMT+7

Đạo đức xuống, án tăng, nhiều án dã man

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị trực tuyến toàn quốc (ngày 3-1) về công tác phòng chống tội phạm bằng câu hỏi: “Vì sao năm 2013 chúng ta chỉ đạo quyết liệt như vậy nhưng tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp và gia tăng?”.

KcCCPJHS.jpgPhóng to
TAND tỉnh Quảng Ninh đang xét xử vụ án mua bán heroin với số lượng kinh hoàng: 32.000 bánh. Do phiên tòa có 89 bị cáo nên phải xét xử ngay tại trại tạm giam tỉnh Quảng Ninh - Ảnh: H.Q.

Ông Phúc cũng phê bình ngay các tỉnh Yên Bái, Quảng Ngãi, Đắk Nông, Đồng Tháp không có lãnh đạo dự họp.

Nhiều hành vi gây án hết sức dã man, tàn bạo

"Mình có Đảng, có Nhà nước, có hệ thống chính trị, có lực lượng công an từ trên xuống dưới mà để tội phạm có tổ chức lộng hành thì nghĩ sao các đồng chí?"

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Thượng tướng Lê Quý Vương - thứ trưởng Bộ Công an - cho biết năm 2013 tội phạm xâm phạm trật tự xã hội xảy ra gần 60.000 vụ (tăng hơn 5% so với năm 2012), xu hướng tội phạm trẻ hóa. Tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội chiếm tỉ lệ cao, hơn 86% (1.342 vụ), nhiều hành vi gây án hết sức dã man, tàn bạo, gây bức xúc dư luận. Điển hình như các vụ giết nhiều người, cướp tài sản ở Thái Bình, Gia Lai, Kiên Giang; giết người, chặt xác phi tang ở Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu; dùng xăng đốt chết người ở Hải Phòng, Hưng Yên; vụ bắt cóc, giết hại dã man năm người đi tìm trầm ở Quảng Trị... Tệ nạn cờ bạc, mại dâm có xu hướng mở rộng về phạm vi, quy mô và diện đối tượng.

Ông Dương Văn An - bí thư Trung ương Đoàn - đem chia số liệu trên đây thì thấy trung bình một tỉnh, thành mỗi năm xảy ra 1.000 vụ và trung bình một ngày trên cả nước xảy ra 162 vụ xâm phạm trật tự xã hội. “Phải nói đó là con số quá lớn, quá nghiêm trọng, buộc chúng ta phải có giải pháp và hành động cấp bách” - ông An nói. Chưa hết, theo ông Vương: “Đáng chú ý là tội phạm có tổ chức, hoạt động đan xen giữa kinh tế, hình sự dưới dạng đâm thuê chém mướn, bảo kê, xiết nợ, đòi nợ thuê, cho vay nặng lãi... với nhiều đối tượng hoạt động manh động, liều lĩnh, gây lo lắng trong nhân dân. Cầm đầu các băng, nhóm tội phạm hầu hết có tiền án, tiền sự, sẵn sàng sử dụng vũ khí nóng, vật liệu gây nổ”.

Cạnh đó, tội phạm về ma túy, tội phạm về buôn bán người vẫn gia tăng gây nhức nhối xã hội. Riêng tội phạm ma túy, lực lượng chức năng đã bắt giữ hơn 18.000 vụ với hơn 28.500 đối tượng (tăng gần 600 vụ và gần 2.400 đối tượng so với năm 2012); thu giữ gần 650kg heroin, hơn 110kg và hơn 255.000 viên ma túy tổng hợp. Lãnh đạo tỉnh Sơn La cho biết năm qua tỉnh phải chi 100 tỉ đồng cho công tác phòng chống ma túy. Bọn tội phạm ngày càng liều lĩnh, hoạt động theo nhóm, mang theo nhiều loại vũ khí sẵn sàng chống trả, tấn công lực lượng chức năng. Với 982 nạn nhân được phát hiện, liên quan đến 507 vụ và 697 đối tượng, tình trạng tội phạm buôn bán người cũng đang ở mức báo động.

Có bình yên cho nhân dân không?

Tự trả lời câu hỏi do mình đặt ra về nguyên nhân phát sinh tội phạm và tình trạng tội phạm năm 2013, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Tất nhiên khách quan là do khủng hoảng kinh tế, nhiều doanh nghiệp phá sản, công nhân không có việc làm. Người ta nói là bần cùng sinh đạo tặc. Nhưng về chủ quan thì trước hết phải nói rằng sự suy thoái, xuống cấp về đạo đức xã hội, rồi vai trò của gia đình, nhà trường trong quản lý, giáo dục con em mình dẫn đến tình trạng tội phạm là thanh thiếu niên tăng. Hai ông đi uống rượu với nhau cũng rút dao đâm nhau vì lý do rất đơn giản, bạn bè vợ chồng thành kẻ thù, thậm chí đốt cả chồng do ham đánh bạc... Những việc rất đau lòng như vậy khiến chúng ta phải xem xét ở khía cạnh đạo đức xã hội”.

Đó chưa phải là toàn bộ nguyên nhân, Phó thủ tướng nói tiếp: “Vấn đề thứ hai là trong công tác quản lý nhà nước còn lỏng lẻo. Đặc biệt là các địa phương quản lý vũ khí, vật liệu nổ có nhiều sơ hở; quản lý các ngành tài chính, ngân hàng chưa chặt chẽ, rồi tín dụng đen dẫn đến vỡ nợ. Một TP nhỏ như Lạng Sơn mà một cái tín dụng đen vỡ nợ mấy trăm tỉ. Như vậy có bình yên trong nhân dân được không? Tinh thần trách nhiệm trong một số đơn vị, cá nhân chưa cao. Để tội phạm hoành hành như vậy mà cứ bình chân. Rồi năng lực cán bộ, sự am hiểu tình hình để đề xuất biện pháp giải quyết kịp thời, xử ký kịp thời còn hạn chế”.

Phó thủ tướng phân tích: “Có trường hợp để tội phạm lộng hành phải xử lý cả cấp ủy, chính quyền, trưởng công an. Không ít cấp ủy, chính quyền địa phương (nhất là cấp huyện) chưa quan tâm công tác phòng chống tội phạm. Có những nơi chỉ lo kinh tế, lo cháy nhà chết người thôi, còn tội phạm hoành hành, nhân dân không yên tâm thì chúng ta chưa làm tốt”. Ông đề nghị toàn thể hệ thống chính trị phải vào cuộc, đặc biệt là trách nhiệm của lực lượng công an phải đảm bảo bình yên cho nhân dân.

“Chỗ nào để tội phạm lộng hành thì người đứng đầu tổ chức Đảng, chính quyền, công an ở đó phải chịu trách nhiệm. Có 18 tỉnh thành địa bàn trọng điểm tội phạm còn rất lớn, 10 tỉnh thành tồn tại tội phạm có tổ chức, 8 tỉnh còn trì trệ trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Các đồng chí giám đốc công an phải có kế hoạch, phương án để giải quyết. Việc này chúng ta phải kiểm tra thường xuyên để khen thưởng kịp thời và kỷ luật cũng phải nhanh chóng. Lực lượng công an phải chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân về công tác đấu tranh phòng chống tội phạm” - Phó thủ tướng kết luận.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên