Ngay ngày cá tháng tư (1-4), phim Ròm của đạo diễn Trần Thanh Huy được Cục Điện ảnh cấp phép phổ biến. Đây là câu chuyện khó tin, bởi trước đó phim từng bị Thanh tra Bộ VH-TT&DL quyết định xử phạt và buộc tiêu hủy tang vật là bản phim đã được giải New Currents - giải cao nhất ở Liên hoan phim Busan (Hàn Quốc) 2019.
Nhận thông tin phim Ròm được cấp phép phổ biến vào đúng ngày Cá tháng tư, đạo diễn Trần Thanh Huy rất vui mừng, dẫu từ ngày bấm máy bộ phim anh chưa bao giờ nghĩ phim mình sẽ không được ra rạp. Tuổi Trẻ Cười đã trò chuyện cùng anh trong những ngày phim có quyết định ra rạp nhưng rạp đang đóng cửa vì COVID-19.
Chỉ người làm phim day dứt, còn khán giả sẽ không biết
* Ròm nhận được quyết định cấp phép phát hành ngay giai đoạn rạp phim đóng cửa vì COVID-19, điều này có làm anh thấy mình quá gian nan với Ròm không?
- Thật ra với tôi việc phim chừng nào ra rạp không quan trọng bởi tôi chắc chắn rằng Ròm sẽ được ra rạp. Tuy nhiên ra rạp trong thời điểm này đúng là bất ngờ thật. Còn gian nan? Có lẽ tôi quen rồi.
Đối với tôi, khi sửa phim tôi cảm giác hơi buồn. Bởi mình ray rứt với những gì sáng tạo suy nghĩ, nhà làm phim nào cũng muốn chiếu bản cuối cùng. Tuy nhiên, luật pháp, quy định của Việt Nam chưa thể thay đổi, muốn thay đổi phải lâu dài và có một quá trình thay đổi tư duy mọi người trong cách nhìn nhận về điện ảnh. Dĩ nhiên đó là day dứt của tôi, mình có thể thấy mình mất nhiều, nhưng còn với khán giả có thể như mới bởi bản phim đã được cục cấp phép hay bản ở Liên hoan phim (LHP) Busan đều một chín một mười.
Nói được cấp phép cho đến giờ tôi vẫn chỉ mới được nhà sản xuất thông báo, dù đó là điều thật, chắc chắn rồi, nhưng tờ giấy cấp phép tôi vẫn chưa nhận được. Suốt đợt dịch COVID-19 này, mọi thứ đều ngưng trệ.
* Điều gì giúp anh tự tin Ròm sẽ được ra rạp?
- Từ khi bắt đầu dự án tôi nghĩ phim mình không có vấn đề gì, bởi tôi không cố ý nhấn mạnh một yếu tố nào hay mưu đồ gì trong phim của mình. Bộ phim đầu tay của tôi nên nó mang tính cá nhân rất cao, đó là những gì đang xảy ra xung quanh tôi. Để làm được bộ phim tôi cũng đã phải gửi kịch bản đi rất nhiều LHP, kêu gọi đóng góp của các nhà sản xuất để đủ kinh phí thực hiện. Sau khi phim dự LHP Busan, chúng tôi nộp bản phim đến Cục Điện ảnh thì các cô chú trong hội đồng duyệt phim chỉ ra vài cảnh nhạy cảm và hỏi chúng tôi sửa bản phim được không. Tôi thấy mình vẫn còn may mắn vì phim sửa nhưng vẫn giữ được mạch chuyện chính lẫn phong cách kể chuyện của tôi.
Ròm sẽ tiếp tục đến các LHP khác
* Các cảnh đã bị cắt của Ròm chiếm bao nhiêu phần trăm trong phim? Với các cảnh mới, anh phải quay lại hay có sẵn nguồn để chỉnh sửa?
- Khi làm Ròm chúng tôi đi quay rất dài ngày nên footage (tạm hiểu: nội dung thô - PV) còn rất nhiều. Quan trọng nhất khi sửa là mình muốn thay đổi như thế nào, suy nghĩ sao để mạch chuyện vẫn hợp lý và còn chất của mình. Hiện bản phim đã được cục cấp phép phát hành dài 79 phút, tôi sẽ làm thêm phần credits hoặc after credits (một đoạn ngắn sau khi hết phim) tầm hai ba phút để bản phim ra rạp khoảng 81 phút.
* Nếu Ròm tiếp tục chiếu ở các nước, các LHP quốc tế khác, anh sẽ chiếu bản đã được duyệt hay bản tham dự LHP Busan?
- Tôi sẽ chiếu bản đã được Cục Điện ảnh duyệt. Đó là lý do tôi làm lại bản sửa đảm bảo trên 80 phút, đủ để công chiếu tại các LHP lẫn các rạp.
Dự định Ròm khi nào phát hành và đơn vị nào phát hành, thưa anh?
- Hiện tại tình hình dịch đang quá phức tạp, khi nhận được thông tin được duyệt đến giờ tôi vẫn chưa gặp nhà sản xuất để tính kế hoạch phát hành. Bởi trong êkip sản xuất Ròm có nhiều người đi nước ngoài về và phải vào khu cách ly hoặc cách ly tại nhà. Có lẽ phải vài tuần nữa êkip mới họp để tính toán thời gian, đơn vị phát hành.
Làm việc khác đến… ròm người để nuôi dưỡng điều mình thích
* Anh từng nói rằng Ròm không có sex cũng không có câu chuyện như xã hội đen đánh đập giết chóc… Hay khi có người nói phim của anh đoạt giải ở LHP Busan nhờ vấn đề chính trị anh cũng đã nói không đúng. Vậy theo anh, việc hội đồng duyệt phim yêu cầu chỉnh sửa nội dung phim có hợp lý không?
- Với tôi, dù bản phim vừa được Cục Điện ảnh cấp phép hay bản tham dự LHP Busan vẫn không ảnh hưởng gì chính trị Việt Nam. Ngay với bản chiếu ở LHP Busan, có buổi chiếu nhiều nhà báo, giới chuyên môn làm phim Việt Nam tham dự ở LHP Busan có xem và không ai thấy có vấn đề gì. Nếu có vấn đề chính trị thì dù có sửa lại phim cũng không được duyệt. Ròm là sự cố gắng hoàn thành bộ phim của tôi và êkip làm phim, là những cố gắng của những nhà làm phim trẻ. Chúng tôi cũng nhiều lần giải trình với cục rằng mình không chính trị, và họ công nhận.
Cái lỗi để chúng tôi bị phạt chính là mang bản phim dự LHP Busan khi chưa được duyệt. Chúng tôi cũng đã giải thích với cục điều này. Bởi thời gian gửi một bộ phim đi liên hoan quốc tế không phải gửi ngay và được nhận ngay. Ví dụ tháng 10 sẽ là LHP Busan thì thời điểm này các nhà sản xuất đã phải gửi phim. Có LHP còn yêu cầu gửi trước cả năm. Năm 2019, LHP Busan nhận hơn 3.200 phim. Từ những phim gửi họ mới xem và chọn lựa phim công chiếu để đưa ra danh sách đề cử. Vì thế, bản Ròm dự LHP Busan là bản hoàn thành nhưng không phải bản cuối cùng như Cục Điện ảnh yêu cầu. Có những điều khó khăn cho nhà sản xuất lẫn êkip như chúng tôi tại các LHP quốc tế chứ không phải chúng tôi muốn bị phạt vậy.
Ngay khi biết cục yêu cầu rút phim khỏi LHP Busan, nhà sản xuất cũng đã làm những yêu cầu để rút phim nhưng LHP Busan trả lời việc mình muốn rút phim quá trễ nên mình không thể thực hiện.
* Sau Ròm, anh có đang thực hiện dự án điện ảnh nào mới?
- Tôi vẫn đang ấp ủ thực hiện một dự án khác nhưng có lẽ nhiều năm mới làm được. Một nhà làm phim trẻ như tôi cần nhiều thời gian, phải làm thêm việc khác kiếm tiền như làm MV, TVC để chuẩn bị tài chính cho các dự án khác. Các nhà sản xuất Việt Nam không nuôi đội ngũ sáng tạo, mình phải làm nghề khác để nuôi sống ước mơ của mình mà thôi.
Xin cảm ơn anh và chúc Ròm sớm đến với khán giả.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận