Đạo diễn Trần Thanh Huy - Ảnh: NGUYỄN VINH PHÚC
Tuổi Trẻ trò chuyện với đạo diễn Trần Thanh Huy của Ròm - phim Việt đầu tiên đoạt giải New Currents (tương đương Phim hay nhất) tại LHP Busan (2019).
Ròm kể về những đứa trẻ cò đề và người dân chơi đề ở một khu chung cư cũ, lấy cảm hứng từ xóm lao động nghèo ở Thị Nghè, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Phim dự kiến ra rạp ngày 31-7.
Trailer RÒM
Sài Gòn là nhân vật của tôi
* Nhiều bộ phim quanh cảnh Sài Gòn chuộng hình ảnh nhà cao tầng, sang trọng. Vì sao anh không chọn góc nhìn đó?
- Lên Sài Gòn kiếm sống, nhiều người mơ về phồn hoa, giàu sang phú quý. Nhưng tất cả đều phải làm hồng hộc, đầy những công việc không tên. Nhiều khi kiến trúc sư, tiến sĩ, thạc sĩ vẫn phải chạy xe ôm, vẫn nghèo đói.
Việt Nam mình người nghèo còn rất nhiều. Ra đường là thấy. Sài Gòn cũng vậy. Nơi đây là trung tâm kinh tế của cả nước nên sự phân hóa giàu nghèo cũng thể hiện rõ ràng lắm. Một ngày 24 tiếng, tôi ở ngoài đường 20 tiếng tìm chất liệu làm phim Ròm. Tôi đã đến những nơi không thể tin được, môi trường rất dơ, cuộc sống rất cơ cực.
Tôi biết một phụ nữ làm phục vụ, ngày kiếm mấy chục ngàn đồng. Đi làm về, cô lập tức mang số tiền đó đi đánh đề trước 2 giờ rưỡi chiều. Cô nuôi hai đứa con, chồng đã qua đời. Cô tin rằng chỉ cần trúng đề là sẽ lo được cho hai đứa. Tôi có mời cô tham gia một vai nhỏ trong phim.
Đạo diễn Trần Thanh Huy trên set quay Ròm
* Chất Sài Gòn trong phim anh thể hiện ra sao?
- Sài Gòn là nhân vật của tôi. Những lời thoại trong phim đều đậm chất Sài Gòn. Những hành động, cử chỉ của diễn viên đều mang hơi thở Sài Gòn.
Sài Gòn được thể hiện qua giọng nói, qua cách ăn mặc, qua cách đối nhân xử thế giữa các nhân vật. Tất cả đều có sự phóng khoáng của người Sài Gòn, nhất là những người trong khu chung cư cũ đó.
Khi một người đàn ông trúng đề, ngay lập tức ông mở tiệc chia sẻ niềm vui chiến thắng với mọi người. Trong cuộc sống, người Sài Gòn đều chia sẻ với nhau để mỗi người có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Trần Anh Khoa (vai Ròm) trên trường quay - Ảnh: CJ
Người nghèo nghị lực
* Suy nghĩ đó xuất phát từ trải nghiệm thật của anh về cái nghèo?
- Để viết kịch bản Ròm, tôi đi ở thuê trong các khu chung cư cũ ở Sài Gòn trong nhiều tháng trời, đi lòng vòng tìm hiểu cuộc sống của người dân. Chủ đề này đã trở thành máu thịt của tôi. Từ máu biến thành năng lượng.
Nguồn năng lượng đó tôi truyền lại cho nhiều người để cùng nhau làm bộ phim này. Từ nhỏ đến lớn, gia đình tôi bị bủa vây bởi cái nghèo và tệ nạn xã hội. Xóm lao động chơi đề, đá gà, cờ bạc... vì họ cần kiếm tiền. Nhiều gia đình cho rằng chơi đề là cách kiếm sống khi không có công ăn việc làm.
Mẹ tôi vất vả mưu sinh. Từ ngày đến đêm, bà bán đủ thứ tại nhà. Bán cơm, bò bít tết, xúp cua, ốc, rửa xe... Ba tôi làm nghề sửa xe. Cuộc đời tôi gắn liền với công việc chân tay. Em trai tôi, Khoa (Trần Anh Khoa đóng vai Ròm - PV), nhỏ xíu đã ra bán xúp cua cùng mẹ.
Tôi không mồ côi, không phải trẻ đường phố nhưng rất hiểu hoàn cảnh của trẻ đường phố. Vì tôi lớn lên ở chợ Thị Nghè, chơi cùng những đứa buôn bán ở chợ. Hồi đó là năm 1997.
Mỗi ngày bọn trẻ phải tính toán bán được bao nhiêu món đồ ăn, bao nhiêu trái cây để sống qua ngày. Có đứa mồ côi, có đứa có cha mẹ nhưng cũng phải lao động, có đứa đi ở đợ. Người ta nói tôi là "đạo diễn bụi đời" cũng đúng, vì đó là xuất thân của tôi.
Trần Thanh Huy ở Busan
* Người nghèo, trẻ đường phố là chủ đề dễ sa vào ủy mị, câu nước mắt khán giả. Anh xử lý sao?
- Tôi quay cảnh nhân vật Ròm khóc rất nhiều nhưng đã bỏ cảnh đó khỏi phim. Chi tiết đó khiến người ta thương cảm nhưng đánh mất năng lượng của nhân vật.
Trong phim của tôi, tất cả nhân vật, đặc biệt là Ròm và Phúc, đều có nguồn năng lượng của sự quyết tâm thoát khỏi cái nghèo. Người nghèo trong phim tôi sẽ không bao giờ bi lụy, ướt át, van xin người khác.
Tôi từng chứng kiến một bà bán vé số đi bán quanh khu nhà tôi. Bà hơn 60 tuổi, có đứa con bị thiểu năng trí tuệ. Một hôm, tôi đang ăn cơm ở lề đường Nguyễn Văn Lạc thì trời mưa.
Tôi nhìn thấy bà đứng dưới mái hiên bên đường, bà nhìn mưa xong chớp chớp mắt. Tôi tin rằng lúc đó bà đã rơi nước mắt. Nhưng ngay lập tức, bà dụi mắt rồi bình thản đi tiếp.
Những người bán vé số, lao động chân tay, đi lượm rác... họ nghị lực, mạnh mẽ, phong trần. Họ rất kiên cường. Không gì có thể khiến họ đau khổ, gục ngã dễ dàng. Khi đau khổ quá, họ cũng rơi nước mắt nhưng sẽ lau đi rất nhanh và tiếp tục sống.
Bộ phim Ròm của đạo diễn Trần Thanh Huy đã đoạt giải thưởng New Currents - giải cao nhất tại Liên hoan phim Quốc tế Busan 2019. Nhưng khi đó, Ròm vẫn chưa có giấy phép phát hành tại Việt Nam nên chưa thể đến với khán giả trong nước.
Ròm là phim truyện được Trần Thanh Huy phát triển từ 16h30, phim ngắn từng đoạt giải Cánh Diều Vàng 2012 và được chiếu trong hạng mục Góc phim ngắn của LHP Cannes 2013. Trần Thanh Huy mất 8 năm ròng rã theo đuổi dự án đến ngày ra rạp.
Trần Anh Khoa trong vai Ròm - Ảnh: CJ
Ròm khai thác chủ đề người lao động nghèo, đặc biệt các thiếu niên đường phố. Phim lấy bối cảnh một khu chung cư cũ đang chờ giải tỏa tại Sài Gòn, kể về cuộc sống của những người dân nơi đây. Họ đều chơi số đề với hi vọng kiếm được một khoản tiền lớn để đổi đời.
Ròm là tên nhân vật chính (Trần Anh Khoa đóng), cậu bé làm "cò đề" để kiếm sống qua ngày. Ròm chuyên tư vấn cho người dân những con số may mắn để họ có cơ may trúng đề. Tuy nhiên, Ròm phải cạnh tranh sống còn với Phúc, một tay cò đề giang hồ cùng khu.
Có cuộc sống vất vả nhưng Ròm vẫn rất lạc quan. Cậu mong kiếm được nhiều tiền để đi tìm cha mẹ đã thất lạc.
Ròm và Phúc (Anh Tú Wilson đóng) - Ảnh: CJ
Qua Ròm, đạo diễn Trần Thanh Huy truyền tải đến người xem một thế giới vừa xa lạ và vừa quen thuộc về tầng lớp lao động nghèo.
"Tôi muốn tạo nên hơi thở cuộc sống khi để các diễn viên dường như hòa nhập hẳn vào câu chuyện của phim, những lời thoại hay tình huống trong phim đều được xây dựng tự nhiên và gần gũi nhất như đời thường" - Trần Thanh Huy chia sẻ.
Phim cũng hứa hẹn sẽ gây ấn tượng với khán giả bởi những cảnh hành động, xô xát giữa hai đứa trẻ, những màn rượt đuổi từ ngõ hẻm chật chột ra đến phố xá đông đúc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận