Đạo diễn Trần Đức Long đang chỉ đạo diễn xuất cho các diễn viên trong phim - Ảnh: TFS
Trần Đức Long là một quay phim giỏi ở TFS hơn 20 năm, ghi dấu ấn với nhiều tác phẩm truyền hình nổi tiếng đã đoạt nhiều giải thưởng như: Mekong ký sự, Ký sự hỏa xa, Huyền bí sông Hằng, Đi tìm trang phục Việt…, cùng nhiều phim truyện của TFS: Người đàn bà yếu đuối, Đất mặn, Cải ơi, Tình ca cao…
Khi đang trong phong độ cao của nghề, anh tập trung cho việc học đạo diễn tại Trường đại học Sân khấu và điện ảnh TPHCM trong thời gian 4 năm, với bài tốt nghiệp loại xuất sắc về đề tài bảo vệ môi trường.
40 tuổi bắt đầu làm đạo diễn phim, đạo diễn Trần Đức Long đã mất một thời gian dài cho việc lựa chọn cho mình hướng đi trong nghề nghiệp.
Cảnh trong phim Kẻ sát nhân cô độc - Ảnh: TFS
Kịch bản được anh lựa chọn kỹ càng, cùng biên kịch sáng tạo và song hành cùng với các ê-kíp đoàn phim để tạo ra một tác phẩm của mình.
Dù ít, nhưng những tác phẩm anh làm đạo diễn (phim 5 tập Về quê ăn tết) hay đồng đạo diễn với đạo diễn Phạm Lộc thực hiện trong phim Rừng thiêng (30 tập) luôn suy tư về những giá trị của con người trong đời sống hiện đại.
Trích đoạn trong phim Kẻ sát nhân cô độc
* Là đạo diễn mới, anh có cảm thấy mình liều khi chọn phim tâm lý hình sự - thể loại phim khó làm và cũng kén khán giả cho sự ra mắt này?
- Tôi là người mạnh mẽ nên thích thú những đề tài thiên về hành động, với nhiều tình huống gây cấn. Vì vậy khi đọc được ý tưởng kịch bản của nhà báo Nguyễn Chương - tôi thích ngay và chọn đề tài này để thực hiện.
Từ ý tưởng chỉ vài trang giấy, tôi đã cùng đồng hành với biên kịch Any Nguyễn trong suốt quá trình xây dựng kịch bản, cùng tác giả thống nhất cách kể chuyện, mạch phim.
Để tìm ra Kẻ sát nhân cô độc tôi mất 6 tháng tìm ý tưởng, 9 tháng ròng rã trao đổi và viết cùng biên kịch. Phim quay gần 4 tháng, hậu kỳ mất khoảng 4 tháng nữa.
Như vậy tôi dành hơn 2 năm cho bộ phim dài tập đầu tiên của mình. Vì thế có thể nói tôi nắm rõ nhất, mường tượng chính xác nhất từng phân đoạn. Khi ra hiện trường quay tôi không còn băn khoăn hay khó khăn gì.
Đạo diễn Trần Đức Long - Ảnh: TFS
* Được biết anh là một quay phim kỳ cựu của hãng phim TFS, tham gia nhiều dự án lớn. Liệu Kẻ sát nhân cô độc mang dấu ấn của những hành trình ấy?
- Xuất phát điểm của tôi là quay phim, vì thế tôi rất quan tâm chú trọng đến hình ảnh. Tôi muốn thử sức bằng một phong cách kể chuyện mới, tiết tấu nhanh. Người xem sẽ thấy chất điện ảnh trong từng khung hình.
Một điểm thú vị của kịch bản này mà tôi khá tâm đắc là bên cạnh những cách đội điều tra phá án với phương pháp truyền thống, khán giả sẽ thấy chuyên gia tâm lý tội phạm phá án theo cách phân tích tâm lý và phác thảo ra chân dung tội phạm khi những chứng cứ để lại khá mơ hồ, dấu vết hầu như bị xóa sạch.
Điều này phim các nước đã thực hiện khá nhiều, nhưng ở Việt Nam có lẽ chưa đụng chạm nhiều về đề tài này và đó là mặt mạnh của phim
Các nhân vật trong phim hầu như đều có số phận đặc biệt, tâm sinh lý phức tạp, dị thường. Để phim có nhiều nút thắt mở bất ngờ nên tôi chọn cách kể chuyện hầu như là phi tuyến tính, các câu chuyện chồng chéo đan xen với nhau, giữa ảo giác và hiện thực, giữa quá khứ và hiện tại, có khi sự kiện diễn ra ở tập này mãi đến vài tập sau mới giải quyết.
Tôi và Any luôn song hành cùng nhau trong quá trình xây dựng kịch bản nhưng tôi tôn trọng - tin tưởng bạn ấy cùng những kiến thức mà bạn ấy đã học, đã nghiên cứu. Đương nhiên cũng còn nhiều hạn chế khi ngành tâm lý tội phạm không có quá nhiều tài liệu trong nước.
Một cảnh hành động trong phim Kẻ sát nhân cô độc - Ảnh: TFS
* Bên cạnh nội dung, phim hình sự rất dễ bị "soi" về những chi tiết khác. Anh giải quyết vấn đề này như thế nào?
- Tôi dành thời gian lớn để nghiên cứu về ngành công an. Quan điểm tôi là làm phim không được cẩu thả, phải nghiên cứu sâu. Thật sự ban đầu chúng tôi gặp nhiều khó khăn lắm.
Cái khó khăn lớn nhất và lo lắng nhất của tôi trong bộ phim này chính là việc dành nhiều thời gian và công sức để khai thác tâm lý của những nhân vật có tâm lý bất thường.
Những hành động, hành vi của các nhân vật phải được thể hiện một cách hợp lý nhất phù hợp với sự phát triển của tâm lý, nếu không dễ bị rơi vào giả tạo.
Tiếp đó, những phân đoạn đội điều tra phân tích, phá án, tôi luôn cùng với các diễn viên cố gắng làm sao để thể hiện hiệu quả nhất, chính xác nhất. Dĩ nhiên vì là phim truyện nên từ những điều tra ấy mình đẩy lên thêm một chút cho màu sắc nghệ thuật hơn.
Những tập có cảnh bố ráp đoàn phim mời lính cơ động thật vào phim để sao cho hình ảnh sinh động nhất, thật nhất. Các diễn viên cũng nhiệt tình đi học võ cho những pha võ thuật...
Poster phim Kẻ sát nhân cô độc - Ảnh: TFS
* Một bộ phim về tâm lý tội phạm như Kẻ sát nhân cô độc hẳn không chỉ là câu chuyện của những tội phạm và công an? Thông điệp mà anh muốn gửi đến khán giả là gì?
- Tôi quan tâm đến sự thấu đáo của những vấn đề trong cuộc sống, trong đó con người là trên hết - sức khỏe con người là quan trọng. Bộ phim muốn nhắc nhở mọi người hãy quan tâm đến sức khỏe tinh thần của mình và những người xung quanh.
Trong Kẻ sát nhân cô độc, khán giả sẽ "gặp" những rối loạn sức khỏe tâm thần phổ biến hiện nay như: chứng hoang tưởng, trầm cảm, trầm cảm sau sinh, hội chứng sợ đám đông...
Và khi thiếu vắng quan tâm, chữa trị kịp thời thì những căn bệnh này sẽ gây ra hậu quả khôn lường.
Bên cạnh đó, thông điệp về tình yêu chân chính cũng được chuyển tải xuyên suốt bộ phim. Cái ác không thể nhân danh tình yêu mà tồn tại. Tình yêu không thể đem ra bào chữa cho những tội lỗi.
Cảnh trong phim Kẻ sát nhân cô độc - Ảnh: TFS
Kẻ sát nhân cô độc dài 30 tập, do TFS sản xuất, có sự tham gia của các diễn viên Mã Hiểu Đông, Huỳnh Trường Thịnh, Huyền Thạch, Thạch Kim Long, Ngô Công Lý, Công Ninh, Mai Huỳnh, Lâm Hải Sơn, Gia Linh, Việt Hưng...
Phim phát sóng lúc 22h từ thứ hai đến thứ năm hằng tuần trên HTV9, bắt đầu từ 28-10.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận