Teaser The house that jack built - Cannes 2018
Bộ phim mới nhất của ông The house that Jack built đã được xác nhận sẽ tham gia ngoài các hạng mục tranh giải.
Năm 2011, trong buổi họp báo giới thiệu bộ phim Melancholia, đạo diễn đã nói rằng "tôi thông cảm với Hitler". Câu nói lỡ lời này đã dấy lên một làn sóng tẩy chay mạnh mẽ vị đạo diễn độc đáo và lập dị tại liên hoan phim Cannes.
Và ngay sau đó, ông đã được liệt vào danh sách "không được chào đón" tại Cannes suốt bao năm qua.
Lars von Trier là một trong những đạo diễn nổi tiếng nhất ở châu Âu. Tài năng của ông đi kèm với những bộ phim gây choáng váng cho giới phê bình và người hâm mộ.
Ông là một trong những người tiên phong khởi xướng phong trào Dogma 95 ở Đan Mạch nơi đạo diễn được yêu cầu phải hạn chế tối đa việc sử dụng kĩ thuật để can thiệp vào quá trình làm phim.
Một cảnh phim The house that Jack built
Mỗi phim của Lars von Trier đều đặt những dấu hỏi lớn đến khán giả, khó có thể lý giải phim của ông khi chỉ mới xem một lần, và cũng khó mà không mong đợi những sản phẩm tiếp theo sau khi đã xem phim của ông.
Vì quả thực Lars von Trier không chỉ là nhà làm phim đầy sáng tạo, ông còn người thích làm những bộ phim gây sốc đi sâu vào bản năng con người khiến chúng ta tò mò và ớn lạnh.
Những bộ phim tiêu biểu của ông là Breaking the waves (1996), The idiots (1998), Dancer in the dark (2000), Dogville (2003), Manderlay (2005), The boss of it all (2006), Antichrist (2009), Melancholia (2011), Nymphomaniac vol 1 và 2.
Nên dù ông tự tuyên bố "tôi là phát xít" một cách hoàn toàn ngớ ngẩn, thì khán giả cũng rất khó quay lưng lại với ông. Hai tác phẩm Nymphomaniac dù không đến Cannes nhưng vẫn tham gia vào liên hoan phim Berlin.
Thế giới vẫn mong chờ những dự án mới của ông, và Cannes thì dù tự tuyên bố "không chào đón" nhưng họ luôn thể hiện thiện chí muốn hàn gắn mối quan hệ với Lars von Trier.
Vì nếu nói có đạo diễn nào có phong cách hợp với Cannes nhất, thì Lars von Trier chắc chắn làm một trong số đó khi chủ đề trong phim của ông luôn gắn liền với tình dục và bạo lực - hai thứ mà Cannes luôn luôn yêu thích.
Đạo diễn Lars von Trier luôn gây sốc bằng hành động của mình
Chẳng thế mà ông đã 9 lần đến Cannes và dành Cành cọ vàng cho phim Dancer in the dark, đồng thời dành hai giải thưởng lớn của hội đồng ban giám khảo cho Europa (1991) và Breaking the waves (1996).
Do đó, trước khi danh sách các phim tham dự Cannes diễn ra, người ta đã mong đợi bộ phim mà Lars von Trier đang thực hiện sẽ đến Cannes. Điều này cuối cùng đã thành hiện thực.
The house that Jack built là một dự án tham vọng của Lars von Trier bắt đầu được ông thực hiện vào năm 2016. Bộ phim là câu chuyện về kẻ sát nhân hàng loạt vô cùng thông minh có thật trong lịch sử nước Mỹ. Diễn viên chính của bộ phim là Matt Dillon.
Ý tưởng của bộ phim là ông muốn miêu tả cuộc đời này rất độc ác và vô cảm thông qua nhân vật Jack. Điều đó được ông liên tục miêu tả trong nhiều buổi họp báo về độ tàn khốc và những hình ảnh kinh hoàng mà Lars von Trier sẽ thực hiện trong phim.
The house that Jack built xảy ra vào những năm 70 ở Mỹ. Câu chuyện phim kể về chân dung của Jack và quá trình phát triển Jack thành kẻ giết người hàng loạt thông qua 5 tình huống bất ngờ dẫn đến các vụ giết người của hắn ta. Bộ phim sẽ kể dưới góc nhìn của Jack. Hắn ta nhìn mỗi nạn nhân của mình như một tác phẩm nghệ thuật, bên cạnh đó là vấn đề trong tư duy của hắn khiến hắn tách biệt với thế giới bên ngoài.
Đó là nội dung mà Lars von Trier giới thiệu qua về bộ phim.
Đạo diễn mặc áo có dòng chữ - không được chào đón - tại liên hoan phim Berlin
Chắc chắn The house that Jack built sẽ tiếp tục là cú sốc khác cho điện ảnh thế giới. Lars von Trier chưa bao giờ làm phim mà người xem cảm thấy hời hợt. Nên đây vừa là tác phẩm đáng chờ đợi của 2018, nhưng đồng thời cũng là tác phẩm "ít người dám xem".
Bên cạnh bộ phim của Lars von trier được thêm vào danh sách phim đến Cannes, thì tác phẩm "bị nguyền rủa" của Terry Gilliam với tên The Man Who Killed Don Quixote cũng đã có thể tham dự Cannes ngoài các hạng mục tranh giải.
Trailer The man who killed Don Quixote
Tác phẩm này được cho rằng bị nguyền rủa vì nó mất đến 20 năm để sản xuất với rất nhiều trục trặc, rất nhiều lần phải huỷ bỏ hoặc trì hoãn, nhưng nhờ ý chí tuyệt vời của Terry Gilliam, bộ phim cuối cùng cũng hoàn thành.
Ngoài ra, mục Midnight Screenings (những buổi chiếu nửa đêm) sẽ có thêm sự tham dự của bộ phim tài liệu về nữ ca sĩ Whitney Houston và bộ phim khoa học viễn tưởng Fahrenheit 451 của đạo diễn Ramin Bahrani.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận