Trailer Kẻ ăn hồn
Chiều 1-12, tại Trường đại học Hoa Sen diễn ra buổi giao lưu với đoàn phim Tết ở làng Địa Ngục và Kẻ ăn hồn với chủ đề "Những yếu tố dân gian trong phim kinh dị".
Đạo diễn Trần Hữu Tấn, nhà sản xuất Hoàng Quân và nhà văn Thảo Trang chia sẻ về quá trình chuyển thể tác phẩm văn học lên màn ảnh và nhấn mạnh về tầm quan trọng của những yếu tố dân gian, đậm đặc tính bản địa đã góp phần làm nên sự thu hút cho bộ phim kinh dị.
Việt Nam không thua kém ai về yếu tố văn hóa
Nhà văn Thảo Trang chia sẻ những chi tiết văn hóa cô đưa vào Tết ở làng Địa Ngục, Kẻ ăn hồn hay tất cả các tác phẩm của mình đều là những yếu tố hoàn toàn của Việt Nam.
"Tôi cảm thấy những điều chúng ta biết về văn hóa Việt Nam còn quá ít. Tôi có thể khẳng định rằng Việt Nam mình không hề thua kém bất cứ quốc gia nào trên thế giới nếu xét về văn hóa và trình độ để thực hiện văn hóa đó".
Nhà sản xuất Hoàng Quân cho rằng để đưa những yếu tố văn hóa dân gian lên màn ảnh, nhà làm phim cần có sự thẩm thấu nhất định.
Khi tìm hiểu một chủ đề nào đó, đừng chỉ tìm hiểu bên ngoài mà phải hiểu nguyên nhân, nguồn gốc tại sao người Việt lại làm như vậy để mang đến cảm giác quen thuộc cho khán giả.
"Một trong những điều khó khăn khi làm phim cổ trang ở Việt Nam là chúng ta có rất ít cơ sở vật chất như quần áo, phụ kiện… hoàn toàn phải tạo nên chứ không có sẵn.
Quá trình làm việc cũng giúp chúng tôi học thêm rất nhiều thứ. Khi có đủ dữ liệu, chúng tôi sẽ quyết định làm thế nào hợp lý nhất trong khả năng cho phép", Hoàng Quân nói.
Đạo diễn Trần Hữu Tấn tâm sự để những yếu tố dân gian được hiện diện trên màn ảnh, anh cảm thấy rất áp lực vì "trước khi hay thì phải đúng trước đã". Mọi thứ đều phải được tính toán, hình dung rõ ràng trước khi ghi hình.
Anh kể lại: "Quá trình sản xuất Tết ở làng Địa Ngục rất nhiều thử thách. Phim quay được 4 tuần thì hơn nửa thành viên trong đoàn đều bị ghẻ do cơ địa không hợp nguồn nước.
Khi tôi nói chuyện với các anh trong tổ quay phim, mọi người nói rằng thấy khán giả chê và có thành kiến lớn với phim kinh dị Việt quá.
Hy vọng Tết ở làng Địa Ngục và Kẻ ăn hồn có thể làm được một điều gì đó giúp cho thể loại phim kinh dị của Việt Nam sáng sủa hơn một chút xíu".
Đợi gì ở Kẻ ăn hồn?
Nhà sản xuất Hoàng Quân cho biết dù là một người làm sáng tạo lâu năm nhưng khi sản xuất phim điện ảnh, anh buộc phải có những suy nghĩ thực tế.
"Chúng tôi nghĩ mình nên tận dụng những chất liệu mình đã sáng tạo và làm nó có giá trị hơn. Khi nói chuyện với đạo diễn Trần Hữu Tấn và nhà văn Thảo Trang, chúng tôi quyết định triển khai câu chuyện Kẻ ăn hồn, được phát triển từ ngoại truyện của Tết ở làng Địa Ngục".
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, nhà sản xuất Hoàng Quân chia sẻ việc đặt bối cảnh bộ phim ở làng Sảo Há (Hà Giang) mang đến những chất liệu văn hóa dân gian Bắc Bộ rất đặc trưng, từ nhà cửa, sân vườn, động vật, thực vật…
Đạo diễn Trần Hữu Tấn bổ sung thêm, việc chọn Hà Giang là bối cảnh chính như một suy nghĩ "ăn sâu trong đầu" dù ê kíp phải tốn kém nhiều chi phí di chuyển, bởi lẽ nơi đây đáp ứng những yêu cầu phù hợp về phong tục, khí hậu, thời tiết…
Những tập tục ở đó được tạo nên từ những thói quen của con người từ miền xuôi lên trên miền núi. Theo thời gian, họ dần thay đổi để thích nghi với điều kiện thời tiết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận