Trong làng giải trí Việt, không thiếu những đạo diễn lấn sân điện ảnh. Nhưng chỉ số ít cái tên đạt thành công đáng kể. Họ đã phải tích lũy kinh nghiệm và nỗ lực rất nhiều để bù đắp việc không được đào tạo bài bản.
Thành công không phải là may mắn
Vốn xuất thân là nhân viên giao hàng, pha chế, làm quảng cáo sáng tạo rồi lấn sân điện ảnh, đạo diễn Trần Hữu Tấn cho biết anh nỗ lực vì tình yêu với phim ảnh thuở nhỏ.
Bộ phim đầu tay của Trần Hữu Tấn - Bắc Kim Thang - từng được chiếu ở Liên hoan phim quốc tế Busan (Hàn Quốc) năm 2019. Phim chiếu ở Việt Nam thu hơn 40 tỉ đồng. Năm 2022, phim Chuyện ma gần nhà của anh là phim nội địa có lượt vé đặt sớm cao nhất Việt Nam khi thu hơn 58 tỉ đồng.
Anh chia sẻ với Tuổi Trẻ: "Tôi nghĩ không việc gì là quá trễ, quan trọng là mình biết cách nắm bắt cơ hội đúng thời điểm. Việc không học chính quy bài bản có sự bất lợi nhất định cho xuất phát điểm của tôi, nhưng công việc đạo diễn đòi hỏi nhiều thứ rộng lớn hơn kiến thức ở trường lớp".
Trần Hữu Tấn tiết lộ anh mất ba năm để chuẩn bị cho dự án đầu tay Bắc Kim Thang. Trong thời gian đó, anh đăng ký những khóa học ngắn hạn, xem nhiều phim điện ảnh cùng thể loại để học hỏi, đồng thời thực hiện năm bộ phim ngắn nhằm có bước đà làm phim dài.
Anh chia sẻ: "Khi trình bày dự án Bắc Kim Thang với nhà đầu tư, tôi luôn nhận được những cái lắc đầu. Vì tôi là người mới, không nền tảng, không kinh nghiệm nên chẳng ai dại gì rót vốn vào dự án của mình cả".
Đến phút cuối, Trần Hữu Tấn xin tài trợ được máy quay, xin được hỗ trợ hậu kỳ, nhưng vẫn cần tiền mặt. Anh và nhà sản xuất Hoàng Quân quyết định mỗi người bán một căn nhà để làm kinh phí.
Đạo diễn Lê Anh Tuấn (thạc sĩ, giảng viên Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội) nhận định với Tuổi Trẻ: "Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, việc học hành bài bản không phải là yếu tố quyết định sự thành công của một đạo diễn. Khả năng tự học và tự rút kinh nghiệm sau mỗi dự án mới là thứ quyết định sự nghiệp đường dài".
Đạo diễn tay ngang thu trăm tỉ
Không chỉ riêng Trần Hữu Tấn, điện ảnh Việt đầu năm nay đón nhận thành công phòng vé của Nhà bà Nữ và Lật mặt: Tấm vé định mệnh từ hai đạo diễn "tự học" Trấn Thành và Lý Hải.
Trước khi nổi tiếng với điện ảnh, Trấn Thành phủ sóng khắp các chương trình truyền hình, game show, sân khấu... Tuy nhiên, ở cương vị đạo diễn điện ảnh, anh là "lính mới". Không được đào tạo bài bản, Trấn Thành tích lũy kinh nghiệm từ năm tháng lăn lộn với nghề diễn.
Năm 2005, anh thi vào khoa diễn viên Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM. Thời gian ở trường, Trấn Thành cũng hoang mang vì ít có cơ hội đóng phim. Từ năm 2006 đến đầu thập niên 2010, anh xuất hiện nhiều hơn trên màn ảnh nhỏ và đóng vai phụ trong một số phim điện ảnh.
Với điện ảnh, tên tuổi Trấn Thành bật hẳn lên khi đóng chính Cua lại vợ bầu (đạo diễn Nhất Trung) năm 2019 - phim thu hơn 191 tỉ đồng. Sau hơn 10 năm trong nghề, Trấn Thành chuyển hướng sản xuất phim và đạo diễn phim.
Phát triển web drama ăn khách Bố già thành phim điện ảnh, anh mời đạo diễn Vũ Ngọc Đãng đồng đạo diễn. Ra rạp trong thời gian vẫn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, phim thu hơn 400 tỉ đồng.
Đầu năm nay Trấn Thành tự đạo diễn Nhà bà Nữ - đang là phim Việt doanh thu cao nhất mọi thời (hơn 475 tỉ đồng), một lần nữa khẳng định khả năng và sự am hiểu thị hiếu khán giả.
Một trường hợp thành công vang dội khác khi lấn sân điện ảnh là Lý Hải với thương hiệu Lật mặt.
Không được đào tạo chuyên ngành đạo diễn, Lý Hải cho biết anh đã dành thời gian để tự mày mò nghiên cứu về điện ảnh, học từ những bộ phim quốc tế cũng như những đồng nghiệp trẻ hơn ở Việt Nam.
Khi làm Lật mặt phần đầu tiên, anh không nhận được sự tin tưởng của các nhà đầu tư vì vốn là ca sĩ lấn sân. Tuy nhiên, theo thời gian, Lý Hải đã xây dựng được chỗ đứng vững chắc của mình trong thị trường điện ảnh Việt. Mới nhất, Lật mặt: Tấm vé định mệnh hiện thu hơn 271 tỉ đồng.
Đạo diễn Lê Anh Tuấn cho rằng Trấn Thành và Lý Hải thành công nhờ tài năng đi kèm với tinh thần cầu tiến và nỗ lực tự trau dồi nhiều năm.
"Phim thắng một lần có thể do may mắn, nhưng nếu thắng nhiều lần và tạo được thương hiệu vững chắc trong lòng công chúng thì phải dựa trên nội lực của nhà làm phim đó. Có nhiều người dù học hành bài bản nhưng vẫn làm ra những bộ phim nhảm nhí, ngô nghê.
Theo tôi, bài bản hay tay ngang cũng chỉ là khái niệm để trong ngoặc kép. Dù được đào tạo trường lớp chính quy hay không, bạn vẫn phải tự nâng cấp bản thân mỗi ngày để không bị đào thải" - anh đánh giá.
Một số cái tên khác tạo được dấu ấn trong điện ảnh dù không được đào tạo trường lớp chính quy là: Lê Thiện Viễn (Vu quy đại náo, Em là của em) là nhiếp ảnh gia, Phạm Thiên Ân (Bên trong vỏ kén vàng, đoạt giải Camera vàng tại Liên hoan phim Cannes 2023) là cựu sinh viên công nghệ thông tin, có thời gian dài dựng video đám cưới...
Học hành bài bản không phải là yếu tố bắt buộc trong nghề đạo diễn điện ảnh. Tuy nhiên, nếu không được đào tạo chính quy, nhà làm phim phải tự thân nỗ lực bồi đắp kiến thức rất nhiều.
Đạo diễn Trần Hữu Tấn: "Với tôi, tất cả các ngành, công việc liên quan đến nghệ thuật thì năng khiếu gần như quyết định tất cả.
Tuy nhiên với một ngành nghề tổng hòa như đạo diễn thì vẫn cần phải học. Học từ trường, học từ xã hội, học từ cuộc sống và có những thứ tưởng chừng rất vô vị xảy ra hằng ngày, mình vẫn phải học từ nó".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận