Dịp này, đạo diễn Phương Điền đã dành cho Tuổi Trẻ Cười cuộc trò chuyện cởi mở và chân thành.
* Chào Phương Điền, thật bất ngờ khi anh trở lại với phim remake trong khi dòng phim remake không dễ "ăn" hay dễ thành công như nhiều người vẫn nghĩ?
- Tôi không làm phim chuyển thể theo kiểu diễn lại giống như phiên bản gốc, thực tế tôi mua lại câu chuyện và đặt nền tảng văn hoá Việt, diễn viên người Việt diễn. Tất cả yếu tố tâm linh hay yếu tố dân tộc tôi phải đan xen vào cho phù hợp với người Việt, phù hợp với nền tảng đạo đức của xã hội. Tôi cũng mời những diễn viên phù hợp, quay sao cho thấy được những cảnh đẹp của Việt Nam. Là bản Việt hoá nên tôi muốn nắm vững những vai trò đó,tôi không muốn chuyển thể y chang.
Tôi nghỉ phim Việt hóa không thành công, có thể do một phần đường dây ịch bản không khác gì bản gốc, tuy nhiên những yếu tố khác và diễn viên lại không diễn đạt bằng Hàn Quốc khiến bộ phim vừa xa lạ, vừa không đạt chuẩn như mong đợi.
* Tên bộ phim là “Vua bánh mì". Ở Việt Nam bánh mì cũng quá thân thuộc. Anh sẽ mang những chất liệu "bánh mì quê hương" nào vào phim khi ở phiên bản gốc học làm bánh Tây nhiều hơn?
- Phim tôi kể câu chuyện của một gia đình làm bánh mì. Tuy nhiên, những yếu tố về bánh mì sẽ được làm nhẹ đi vì tôi không làm phim về ẩm thực. Bánh mì chỉ là "cái cớ" để dẫn dụ đến những câu chuyện khác. Nhưng dĩ nhiên, bánh mì trong Vua bánh mì phiên bản Việt sẽ gần gũi với người Việt.
Dàn diễn viên phụ trong Vua bánh mì phiên bản Việt có vẻ "nổi" hơn diễn viên chính. Anh thấy sao?
- Tôi chỉ chọn diễn viên phù hợp, không quan tâm người đó nổi tiếng như thế nào. Như anh Hữu Châu, tôi thấy hợp nên mời. Sau 20 năm tôi mới làm việc lại với anh ấy. Với Cao Minh Đạt hay Nhật Kim Anh, Trương Minh Quốc Thái hay Thân Thúy Hà cũng vậy. Tất cả mọi người đều đóng vai phụ, cho lớp trẻ đóng vai chính. Các diễn viên đó đến độ tuổi hợp với nhân vật của tôi nên tôi mời, và bản thân họ cũng thấy hợp vai nên nhận lời.
* Bốn diễn viên đảm nhận vai chính còn quá non trẻ. Anh có lo lắng khi giao vai cho họ?
- Tôi không lo lắng, ngược lại, tôi tự hào. Tôi có thể chọn những bạn đang "hot" nhưng rốt cuộc tôi vẫn chọn những bạn này vì họ có thể toàn tâm toàn ý sống trong các nhân vật của tôi.
Để vào vai, các bạn đều đi học làm bánh và dành thời gian dài để phân tích, tìm hiểu nhân vật. Tôi không chọn diễn viên đẹp hay những ngôi sao bởi những nhân vật trong phim là những người làm bánh, những người lao động chân chất; nếu chọn diễn viên xuất sắc quá sẽ xa rời thực tế. Khi xem phim mọi người sẽ thấy tôi chọn không sai.
* Khó khăn lớn nhất khi anh thực hiện Vua bánh mì là gì?
- Khó khăn lớn nhất là những cảnh quay trong tiệm bánh. Chúng tôi chỉ có hai tiếng để quay. Sáng sớm phải hoá trang, đến 9 giờ họ cho quay, quay xong lại phải đi ra ăn uống, không được mang vào phòng làm bánh ăn.
Chúng tôi phải giao kết với hãng bánh là đảm bảo được vệ sinh khi quay, lỡ có một cọng tóc rơi vào một bịch bánh, cả thương hiệu bánh của người ta sẽ "chết".
Khó khăn thứ 2 là chúng tôi không đủ thời gian và điều kiện để quay những chiếc bánh đẹp lung linh, hấp dẫn. Ở phiên bản gốc, họ có đủ thời gian và đủ tiền bạc set up cả phim trường, có cả chuyên gia ẩm thực. Vì vậy, có thể phim còn nhiều hạn chế, nhưng tôi vẫn rất tự hào với các diễn viên và ê-kíp của mình.
* Vậy mà nhiều người nghĩ làm phim đau đầu nhất là chuyện tiền nong...
- Tôi không lo vì tôi không nhận khoán. Tôi nhận lương đạo diễn, và mọi việc còn lại như diễn viên, bối cảnh... thì nhà sản xuất phải thực hiện theo yêu cầu của tôi sao cho bộ phim theo đúng kế hoạch, đạt chất lượng tốt nhất trong khả năng.
* Có phải việc không nhận khoán giúp phim của anh chất lượng hơn không?
- Đúng vậy. Tôi không bao giờ nhận khoán, vì nhận khoán đạo diễn phải tự tính toán sao cho quá trình sản xuất có lời. Trong lúc quay phim mà đạo diễn làm thay luôn công việc của nhà sản xuất, cái đầu mãi lo chuyện lỗ lãi thế nào thì chắc chắn sẽ giảm chất lượng phim.
* Trước đây, anh từng thành công với một phim remake khác là Dù gió có thổi. Anh có sợ bị so sánh trong lần trở lại làm phim remake Vua bánh mì?
- Chắc chắn khán giả sẽ có sự so sánh giữa phim trước và phim này. Diễn viên cũng sẽ bị so sánh với các diễn viên Hàn Quốc.
Nhưng với tôi, một khi đã chấp nhận làm là chấp nhận bị so sánh. Phim Dù gió có thổi cũng được Việt hóa nhưng lại được nhận xét hay hơn bản gốc, bởi tôi đã đem những câu chuyện tâm linh, văn hoá của người Việt vào để xử lí câu chuyện. Ví dụ, cách người Việt tỏ tình một cách rụt rè vẫn đúng hơn và được khán giả việt ủng hộ nhiều hơn. Tôi không sợ bị so sánh, nếu sợ tôi đã không làm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận