Phóng to |
Đạo diễn Ozu |
Có điều lạ là trước đây khi Ozu còn sống ít ai biết đến ông, đến những bộ phim của ông. Lý do rất đơn giản: Hãng phim Shochiku nơi ông làm việc thấy phim ông không thu hút đông đảo khán giả trong nước nên cũng không buồn giới thiệu phim ông ra bên ngoài. Mãi đến năm 1986, nghĩa là 23 năm sau khi ông qua đời, phương Tây mới phát hiện ra Ozu, thoạt đầu là Pháp, các nước châu Âu rồi đến Mỹ.
Đạo diễn người Đức làm việc ở Hollywood là Wim Wenders kể lại về cuộc tiếp xúc lần đầu của mình với Ozu như sau: vào một buổi chiều năm 1987, ông đang đi trên một phố nhỏ ở ngoại ô NewYork thì trời đổ mưa. Ông ghé vào một hàng hiên để trú. Tình cờ quay lại nhìn sau lưng ông nhận ra mình đang đứng dưới mái hiên của một rạp chiếu bóng nhỏ. Trong lúc chờ mưa tạnh ông mua vé vào xem phim. Bộ phim ông xem hôm đó là Chuyến đi Tokyo.
Yasujiro Ozu là đạo diễn Nhật Bản, sinh ngày 2-12-1903 và mất ngày 2-12-1963, sau khi sống trọn vẹn một chu kỳ 60 năm của đời người không thừa không thiếu một ngày. |
Xem xong phim, ông trở ra đứng dưới hàng hiên và... khóc. Ông khóc vì nhận ra rằng những gì ông vừa nhìn thấy trên màn ảnh hôm đó mới thật sự là điện ảnh... (Nên nhớ rằng Wim Wenders lúc đó đã là một đạo diễn thành danh với những phim như The state of things - giải Sư tử vàng Liên hoan phim Venise 1982; Paris, Texas - giải Cành cọ vàng Liên hoan phim Cannes 1984).
Vậy điện ảnh của Ozu là như thế nào? Nó khác với điện ảnh quen thuộc từ trước đến nay ở chỗ nào?
Năm 1986, sau khi làm xong bộ phim Bao giờ cho đến tháng mười, tôi được Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội cấp một học bổng sang thực tập điện ảnh tại Pháp. Không lâu sau khi tôi đến Paris, Bộ Ngoại giao và Bộ Văn hóa Pháp đã tổ chức chiếu chiêu đãi bộ phim trên cho một số quan khách ngoại giao và giới điện ảnh. Xem phim xong, một vài đồng nghiệp Pháp khuyên tôi nên đi xem phim của đạo diễn Nhật Bản Ozu đang chiếu ở một số rạp trong thành phố.
Họ nói với tôi: “Anh xem đi rồi sẽ thấy mình ở trong đó”. Và thế là, vào một buổi tối mùa đông, trong một phòng chiếu phim nho nhỏ chỉ có chừng một trăm chỗ ngồi ở ngoại ô Paris, tôi đã đến với Ozu. Bộ phim tôi được xem hôm ấy là Chuyến đi Tokyo.
Tôi đến với điện ảnh bằng những sự tình cờ, không có sự chuẩn bị từ trước. Do đó tôi phải vừa làm vừa tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết của nghề đạo diễn điện ảnh. Tôi cố tìm hiểu để trả lời cho mình câu hỏi: điện ảnh là gì? Tôi đọc ở đâu đó những lời nói của các bậc thầy điện ảnh thế giới như: điện ảnh là montage, điện ảnh là ánh sáng, điện ảnh là chuyển động, điện ảnh là sự đan kết giữa không gian và thời gian...
Phóng to |
Một cảnh trong phim "Câu chuyện Tokyo" |
Nhưng điện ảnh như trong phim của Ozu mà tôi được xem trong buổi tối mùa đông năm ấy thì tôi chưa hề biết đến bao giờ, hay nói đúng hơn là tôi chưa bao giờ ngờ tới.
Sau buổi xem phim hôm đó tôi tìm xem một số phim khác nữa của Ozu như: Hè sớm, Xuân muộn, Xuân sớm, Thu muộn, Một buổi chiều thu... (những cái tên nghe như những câu thơ haiku) để rồi đi từ sự ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.
Thì ra trong các phim của Ozu bao giờ cũng chỉ có từng ấy nhân vật: ông bố, bà mẹ, anh con trai với cô con dâu, cô con gái cùng anh con rể, cô con gái út hoặc anh con trai út trong gia đình, một vài người bạn, người hàng xóm...
Điều đáng ngạc nhiên hơn đối với tôi là những diễn viên đóng các nhân vật trên không thay đổi qua các phim. Máy quay trong các phim của Ozu bao giờ cũng đặt cách mặt đất 70cm (đúng tầm nhìn của người Nhật khi ngồi trên chiếu), và cố định, không di chuyển.
Tôi càng thú vị hơn khi được biết Ozu quan niệm mỗi bộ phim như một bình hoa với những bông hoa, nhưng do cách sắp đặt những bông hoa trong bình mà người ta có thể có những bình hoa khác nhau. Quả là những quan niệm về điện ảnh độc đáo có một không hai.
Phim Câu chuyện Tokyo. Trong ảnh có ba nhân vật: ông bố (diễn viên Chishu Ryu), bà mẹ (Chiyeko Higashiyama) và cô con dâu (Hara Setsuko). Cả ba diễn viên này xuất hiện trong hầu hết các phim của Ozu và đều trong những vai cố định: ông bố, bà mẹ, cô con gái hoặc con dâu. Hai diễn viên trên không còn. Riêng cô Hara Setsuko thì còn sống ở Tokyo, nhưng sau khi Ozu mất, cô đóng cửa, không tiếp xúc với bất kỳ ai, kể cả giới báo chí, truyền thông và cũng không đóng bất cứ phim nào nữa. |
Phim của Ozu thường khai thác mối quan hệ giữa những người trong một gia đình với những gặp gỡ, chia ly... sự sống và cái chết. Tất cả đều bình dị như hơi thở hằng ngày. Bối cảnh trong phim của ông thường là trong nhà (phòng ăn, phòng ngủ), nơi công sở, quán rượu, quán cơm bình dân.
Ngoại cảnh rất ít: một đường phố hẹp, những ống khói nhà máy đang nhả khói, một khúc sông và thường thấy hơn cả là những con tàu chạy qua màn ảnh từ phía xa xa...
Nếu ví điện ảnh như một võ đài thì hơn một thế kỷ tồn tại của điện ảnh, đã có biết bao nhiêu võ sĩ thượng đài để trổ hết tài nghệ của mình. Duy chỉ có Ozu là không thượng đài bao giờ. Ông chỉ bình thản ngồi đó như người đang tham thiền. Trong võ thuật khi đạt tới một trình độ siêu việt nào đó người võ sĩ chỉ im lặng và bất động. Nhưng sự im lặng bất động ấy lại có một sức mạnh vô song.
Võ nghệ của Ozu là võ nghệ của sự thấu hiểu mọi lẽ đời để đạt tới cái đích cuối cùng của nghệ thuật: đó là chân, thiện, mỹ. Ông đã trải qua chiến tranh, đã từng chứng kiến những biến thiên của xã hội Nhật sau chiến tranh, nhưng đối với ông tất cả đều qua đi, chỉ còn lại cái tình giữa những con người trong cái cơ cấu bền vững nhất đó là gia đình.
Nếu còn sống, năm nay Ozu vừa tròn 100 tuổi. Vì ý nghĩa đặc biệt đó nên năm nay Liên hoan phim Ozu lần 6 có mời một số đạo diễn nước ngoài mà phong cách làm phim được cho là gần với Ozu, đến Tateshina để trao đổi với khán giả những cảm nghĩ của mình đối với con người đã trở thành huyền thoại này trong điện ảnh Nhật Bản.
Thật vinh dự và may mắn cho tôi khi được ban tổ chức Liên hoan phim Ozu mời đến Tateshina vào những ngày đầu tháng 11-2003. Lúc sinh thời, mỗi khi chuẩn bị làm một bộ phim, Ozu thường đến đây cùng với nhà biên kịch của mình, đóng cửa làm việc trên kịch bản cho đến khi thật chín muồi mới hạ sơn. Người ta kể lại rằng mỗi lần như vậy hai người uống hết 100 chai rượu sake.
Không biết bao nhiêu rượu đã được rót ra trong ngôi nhà gỗ ven núi này, nơi vừa được chính quyền thị xã Chino trùng tu để trở thành một địa điểm tham quan cho du khách bốn phương. Ozu bình sinh không lập gia đình. Sau hai năm đi lính trong quân đội Nhật hoàng trở về, ông sống với mẹ cho đến khi bà qua đời. Một năm sau ông cũng ra đi theo mẹ vì chứng bệnh ung thư.
Tôi đến thắp hương lên ngôi mộ chung của hai mẹ con ông tại một nghĩa trang trong chùa ở thành phố cổ Kamakura. Trên tấm bia mộ bằng đá đen người ta khắc một chữ “vô” rất to theo như lời dặn của ông.
Tôi chợt hiểu rằng cái đạo được thể hiện qua những bộ phim của ông tựu trung là một chữ “vô” (vô thường, vô ngã...) trong kinh Phật mà Ozu là một thiền sư thượng thừa. Ozu còn nói: ở đời cái gì không quan trọng thì làm theo trào lưu, cái gì quan trọng thì làm theo đạo đức, còn trong nghệ thuật thì làm theo mình. Đấy cũng là cái đạo của Ozu.
Năm nay, các liên hoan phim lớn trên thế giới đều có những chương trình phim để tưởng niệm Ozu. Tháng mười vừa qua tại Liên hoan phim New York có một chương trình gồm 36 phim của ông, kể cả những phim câm, cùng một cuộc hội thảo lớn về Ozu.
100 năm sau ngày sinh, 40 năm sau ngày mất của Ozu, thế giới nhắc đến ông như một con người khổng lồ của điện ảnh, tôn thờ ông như một tôn giáo. Nhưng Ozu không biết điều đó, mà ông cũng chẳng cần biết...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận