Tại Lễ trao giải Cánh diều 2018 tối 15-4-2018, cả hai lần lên nhận giải, đạo diễn Lưu Trọng Ninh chỉ nói ngắn gọn là "Không biết nói gì". Ông chỉ chia sẻ sự xúc động vì được gặp những đồng nghiệp cũ.
Đạo diễn Lưu Trọng Ninh phát biểu khi lên nhận giải Đạo diễn phim truyền hình xuất sắc tại lễ trao giải Cánh diều 2018 - Ảnh: VIỆT DŨNG
* Nghe lời phát biểu của ông tại lễ trao giải Cánh diều có cảm giác ông bây giờ không còn màng tới giải thưởng?
Thương nhớ ở ai được Cánh diều trao cho bốn giải: Cánh diều vàng phim xuất sắc, Đạo diễn xuất sắc (Lưu Trọng Ninh và Thọ Thịnh), Quay phim xuất sắc (Hoàng Tích Thiện), Nam diễn viên phụ xuất sắc (Jimmy Khánh).
- Không hẳn là lãnh cảm, chỉ là tôi không còn hồ hởi như xưa. Giải thưởng chỉ là quan điểm của một ban giám khảo nào đó thôi, cũng đo được một xu thế nào đó, nhưng không quan trọng lắm. Đối với tôi, quan trọng nhất là dư luận của người xem.
Tất nhiên, nói mình không cần giải thưởng là không thật, nhưng thực sự với tôi bây giờ, giải thưởng không còn quan trọng nhiều.
* Trong cuộc ra mắt "Thương nhớ ở ai" ông luôn giữ vai trò chính, nhưng trong lễ trao giải hôm 15-4 có thêm đạo diễn Thọ Thịnh được xướng danh đồng đạo diễn với ông. Cụ thể vai trò của đạo diễn này trong phim là gì?
- Thời gian làm Thương nhớ ở ai, sức khỏe của tôi rất kém, rất nguy hiểm trong khi làm phim. Tôi đã đề nghị VFC (đơn vị sản xuất) cho tôi thêm một người, để nếu có gì xảy ra thì còn có người làm tiếp. Rất may, tôi đã chiến thắng được bệnh tật.
Anh Thịnh ngay từ đầu luôn túc trực ở bên và giúp đỡ tôi trong giai đoạn khó khăn nhất, và tham gia rất nhiều trong khâu hậu kỳ, công không nhỏ đâu.
Nhưng trong quá trình làm, tôi cũng nói với anh Thịnh tôi là người rất độc tài. Tôi quan niệm phim là phải mang dấu ấn cá nhân chứ không thể là tập thể, quyết định của tôi phải là cuối cùng. Anh Thịnh rất hiểu điều đó. Sau khi phim xong, tôi và Thịnh đứng tên đồng đạo diễn.
Đạo diễn Lưu Trọng Ninh và đạo diễn Thọ Thịnh (người nâng cúp Cánh diều) lên nhận giải Phim truyền hình xuất sắc cho "Thương nhớ ở ai" - Ảnh: VIỆT DŨNG
* VFC nói bộ phim mất ba năm để làm kỹ xảo. Xem ra thời gian tới sẽ khó có nhà đầu tư nào muốn tiếp tục những bộ phim lấy bối cảnh xưa như "Thương nhớ ở ai"?
- Vấn đề không phải là nhà đầu tư, mà vấn đề là người làm phim có chịu hi sinh thời gian và quyền lợi của mình hay không.
Khi làm Thương nhớ ở ai, ban đầu tôi có định làm kỹ xảo đâu, nhưng sau đó tôi quyết định phải dành một khoản tiền lớn cho mục này. Cũng không có gì ghê gớm đâu, vấn đề là có chịu đầu tư cho nó hay không.
* Giám đốc VFC, đạo diễn Đỗ Thanh Hải, có nói anh ấy rất biết ơn vì ông là người thầy đầu tiên. Liệu mối quan hệ thân tình này có phải là lợi thế thúc đẩy kịch bản "Thương nhớ ở ai" được đưa vào sản xuất?
- Thực ra Hải chỉ nói rất muốn tôi làm bộ phim về nông thôn cho VFC. Tôi nói tôi muốn làm đề tài về miền Tây Nam Bộ của Nguyễn Ngọc Tư, vì tôi rất hứng thú với văn chương của cô ấy.
Tôi bay vào đó thì biết Tư đã bán bản quyền rồi. Tôi cũng thử viết qua và nhận thấy tôi không thực sự hiểu về miền Tây. Tôi có nói với Hải một cách vô tình thôi, hay là làm lại Bến không chồng, thì Hải đồng ý.
Khi làm lại, điều khó nhất là phải thoát khỏi bóng của bộ phim nhựa. Cuối cùng tôi đã tìm ra lối thoát bằng cách tách nhân vật Vạn ra thành hai con người. Phần bản năng đam mê của Vạn đối chọi với con người của anh tạo ra xung khắc liên tục, tạo nên vấn đề thời thế. Rồi tôi đưa nhân vật mới, văn hóa Bắc Bộ vào, khiến bộ phim khác hẳn với bản phim nhựa.
* Ban giám khảo Cánh diều đánh giá "Thương nhớ ở ai" đề cập đến vấn đề rất nhạy cảm, nhưng đã biết cách "lách" rất khéo léo...
- Tôi phát hiện ra một điều mình giải quyết các mâu thuẫn bằng nhân văn thì người ta sẽ chấp nhận.
Tập nào cũng bị cắt 5-7 phút, phim cứ bị khậc khậc. Nhưng may là vẫn ra được không khí, sự ám ảnh. Người dũng cảm ở đây là người phát sóng bộ phim.
Đạo diễn Lưu Trọng Ninh trò chuyện với đạo diễn Đặng Nhật Minh (giữa) - Ảnh: VIỆT DŨNG
* Quay trở lại Cánh diều, đã lâu ông mới quay trở lại, ông có thấy sự thay đổi gì không? Phải chăng vì đi xa rồi trở về nên thấy tình cảm với đồng nghiệp cũ ấm áp hơn?
- Tôi kém trong chuyện theo dõi đời sống điện ảnh lắm. Thực lòng tôi không muốn đi dự Cánh diều lần này, nhưng mọi người kéo đi.
Đến nơi, tôi thực sự xúc động vì những bậc đàn anh của tôi như Trần Thế Dân, Đặng Nhật Minh, Trần Văn Thủy nay đã 80 tuổi rồi. Mình năm nay 60 tuổi, chắc cố được đến 10 năm nữa là bước vào hàng ngũ của họ. Tôi thấy xúc động nhiều.
* Nghe nói nhiều biên kịch đã rút khỏi dự án "Kiều" của ông vì kịch bản quá khó nhằn?
- Đúng, và cũng vì tôi đòi hỏi rất cao. Lâu nay trong điện ảnh cũng như truyền hình của ta, khâu kịch bản chưa bao giờ tạo được sự yên tâm thực sự. Tính tôi là cái gì chưa đủ tốt thì chưa làm, tôi không có ràng buộc nào về thời gian.
* Ông đang casting diễn viên cho "Kiều". Có vẻ ông thích tìm những gương mặt mới và ông không thích diễn viên "ngôi sao"?
- Không phải không thích, mà nếu người nổi tiếng không hợp vai thì mình cũng không mời được. Ngôi sao Hollywood có khả năng biến hóa từ trong ra ngoài cho mỗi dự án phim. Còn diễn viên của mình có rất ít biến chuyển, và hay lặp lại chính mình. Nếu định hình của diễn viên mà lớn hơn nhân vật của tôi, thà tôi đi tìm một người mới còn hơn.
Ngoài ra, phim của ta trả tiền thấp nên không giữ được ngôi sao đâu. Họ còn bận nhiều dự án khác. Vậy thì tìm người chưa nổi tiếng họ nhiệt tình, dám đốt mình cho vai diễn sẽ an toàn hơn.
* Thị trường đã luyện cho công chúng thói quen xem phim phải có ngôi sao. Không cân nhắc đến yếu tố này liệu có an toàn cho "Kiều" phiên bản điện ảnh không, thưa ông?
- Điều đó có thể đúng với một bộ phim bình thường, nhưng không đúng với bộ phim tốt. Phim tốt có thể giúp một diễn viên bình thường trở thành ngôi sao. Còn phim mà dở thì ngôi sao cũng không giúp ích gì. Cuối cùng là bộ phim đó có cuốn hút mọi người hay không thôi.
* Ông làm "Kiều" theo di nguyện của cha. Điều này có áp lực không?
- Người ta coi Kiều là quốc hồn quốc túy, tôi thì không thế, mà tôi coi trọng câu thơ của Nguyễn Du, người đã mượn những câu thơ để nói lên nỗi đau của mình.
Tại sao tác phẩm lớn nhất của Việt Nam mà không ai dám làm? Có lẽ vì sợ hãi thất bại. Tôi không sợ áp lực, tôi không thích những cái dễ dàng và tôi chỉ làm khi thấy mình xúc động về chuyện đó.
Ít ra cũng phải có người làm chứ. Tôi hi vọng mình là viên gạch đầu tiên. Đây là mục tiêu, sự thách đố lớn nhất trong sự nghiệp của tôi, nhưng đáng để làm. Có thể tôi gục ngã, nhưng điều đó không quan trọng, vì có thể sau đó sẽ có người nối tiếp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận