Phóng to |
Xem video kỳ phát sóng ngày 5-7Nhật Ký Vàng Anh: Bạn trẻ 8X nói gì? Để một Nhật ký Vàng Anh... gần gũi hơn Nhật ký Vàng Anh: Tuổi mới lớn hôm nay là như thế? Nhật ký Vàng Anh: một góc nhìn khác về giới trẻ? Nhật ký Vàng Anh: Khán giả tuổi teen nói gì?
Phổ biến nhất vẫn là những thắc mắc về cách hành xử, lối sống mà nhiều khán giả cho là xa lạ với giới trẻ học đường.
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải lên tiếng chia sẻ về vấn đề này.
* Nhiều khán giả theo dõi Nhật ký Vàng Anh nhận xét rằng, chương trình đã sử dụng khá nhiều từ ngữ "chợ búa" (xưng hô kiểu: ông bà, mày tao) không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Là đạo diễn, anh nghĩ sao về nhận xét này?
- Những tập phim phát sóng đầu tiên của Nhật ký Vàng Anh phần 1, các nhân vật đã gọi nhau là "ấy, tớ, cậu, bạn". Ngay lập tức trên các diễn đàn tuổi teen gọi những nhà làm phim là "củ chuối", phê phán cách xưng hô này không phù hợp trong đời sống và rất giả tạo. Vậy theo mọi người, nên sử dụng cách xưng hô thế nào cho các nhân vật tuổi teen trong phim?
Tôi không nghĩ bê nguyên hiện thực đời sống lên phim sẽ giúp bộ phim thành công, nhưng việc cố tình né tránh hiện thực đời sống sẽ khiến bộ phim giả tạo, thiếu sức hút. Với câu hỏi này, tôi cũng đã đọc ý kiến của một khán giả và xin sử dụng lại thay lời trả lời: Nếu nhìn nhận nó như cách trò chuyện bạn bè vui vẻ, thân mật, sẽ thấy nó phù hợp, vì trong cuộc sống, rất nhiều bạn trẻ và cả chúng ta đều đang sử dụng những cách xưng hô như vậy với nhau.
* "Nhật ký Vàng Anh" nói về giới trẻ học đường nhưng lại không mấy khi nhắc tới việc học tập, chỉ quẩn quanh chuyện ăn chơi, yêu đương… Điều này có vẻ đi ngược lại với mục tiêu ban đầu của những người làm phim. Anh giải thích thế nào trước thắc mắc này?
- Có thể vì nhiều khán giả quá bận, không theo dõi thường xuyên các tập phim phát sóng nên đưa ý kiến như vậy. Nhật ký Vàng Anh ngay từ tập đầu tiên đã thể hiện mốc thời gian năm học kết thúc. Các nhân vật được nghỉ hè và tuỳ mỗi gia đình có cách lựa chọn khác nhau, có cha mẹ muốn con nghỉ ngơi một thời gian sau kỳ học căng thẳng, có gia đình muốn con phải đi học thêm ngay... Vì vậy các nhân vật của phim đang ở giai đoạn nghỉ hè năm lớp 11.
Nếu muốn thấy nhiều hình ảnh nhân vật phải học hành trong thời gian này thì không thể có. Những người làm phim không cổ xúy cho việc nghỉ hè mà các bạn tuổi teen vẫn phải học thêm hết ở trường rồi ở nhà. Thay vào đó là những cuộc đi chơi vui vẻ với bạn bè, hoạt động tình nguyện... Và tất nhiên, với đời sống, tâm tư tình cảm của lứa tuổi teen, việc nảy nở tình cảm đầu đời, tụ tập ăn uống với bạn bè không có gì xa lạ. Vấn đề là cách ăn chơi, yêu đương của nhân vật trên phim có phù hợp và lành mạnh không?
* Trong phim, hầu hết nhân vật là học sinh con nhà giàu, phục trang lòe loẹt, đầu tóc dựng ngược, nhuộm màu… trong khi cuộc sống còn nhiều cảnh ngộ khó khăn, đã khiến cho nhiều người xem bị phản cảm, cảm thấy xa lạ. Vì sao anh chọn những trường hợp không điển hình để làm một tác phẩm về giới trẻ và trình chiếu rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng?
- Vậy những cảnh ngộ khó khăn mới thực sự là điển hình cho lứa tuổi teen hôm nay? Tôi không nghĩ hình ảnh lứa tuổi teen trong phim quá xa lạ, mà họ tiêu biểu cho những bạn trẻ mới lớn được nhận sự chăm sóc chu đáo của gia đình và được hưởng những điều kiện vật chất đầy đủ hơn một số bạn khác.
Tuy nhiên, chúng tôi không chọn họ để làm nhân vật điển hình cho tất cả tuổi teen mà chọn những nhân vật này để phục vụ cho mục đích mà bộ phim đề cập: những điều kiện vật chất ấy liệu đã đủ để giúp cha mẹ định hướng một lối sống lành mạnh, an toàn và phát triển tính cách cho con cái mình, hay ngoài ra cần phải có những điều khác nữa?
Xã hội chúng ta hôm nay đang phát triển với sự tăng trưởng không ngừng của nền kinh tế. Nhiều gia đình có điều kiện trang bị cho con cái những vật dụng sinh hoạt hiện đại. Vài năm trước đây, việc các gia đình gửi con đi du học bị đánh giá là xa xỉ nhưng bây giờ đã trở nên bình thường... Nhưng có ai dám khẳng định những đứa trẻ được hưởng điều kiện đáng mơ ước ấy không có vấn đề về tâm sinh lý của tuổi mới lớn?
Và nếu ai đó cho rằng Nhật ký Vàng Anh cần phải khai thác và đề cập về đối tượng lứa tuổi mới lớn con nhà nghèo, thì những bạn lứa tuổi mới lớn thuộc con nhà giàu cũng có quyền đòi hỏi bộ phim phải nói về họ chứ?
* Khi quyết định trình chiếu Nhật ký Vàng Anh 2, anh dự đoán thế nào về những phản hồi (cả tốt và chưa tốt) từ người tiếp nhận?
- Khi bắt đầu làm phim, chúng tôi luôn phải nghĩ đến khán giả xem họ có chấp nhận vấn đề mình đặt ra hay không, quan điểm của người làm phim có phù hợp với số đông khán giả hay không, đặc biệt là nhóm đối tượng khán giả chính của phim - tuổi teen.
Những phản hồi (tốt và chưa tốt) từ khán giả dành cho Nhật ký Vàng Anh trên nhiều diễn đàn, forum, website, báo chí khiến chúng tôi thấy mừng vì bộ phim đã và đang tạo được dư luận, chứng tỏ sức thu hút của nó với số đông khán giả là có thật. Một bộ phim nhiều ý kiến khen chê, nhiều diễn đàn trao đổi… chắc chắn có giá trị hơn một bộ phim công chiếu mà không được ai quan tâm, thậm chí không nhớ nổi tên phim là gì?
Việc còn lại sau đó là cùng phân tích các ý kiến phản hồi xem mức độ đúng sai thế nào và chỉnh sửa cho phù hợp. Đây là bộ phim truyền hình tương tác, nghĩa là mục đích của nó đặt ra rất rõ ràng: khán giả phải đồng hành với phim, quan tâm và nêu các ý kiến lựa chọn theo quan điểm riêng của mỗi người xoay quanh vấn đề, tình huống mà bộ phim đưa ra.
Phóng to |
Một cảnh quay trong "Nhật ký Vàng Anh". Ảnh: VFC |
- Hãy nhìn vào thực tế, Nhật ký Vàng Anh đã thu hút khán giả không phải bằng những cảnh kỹ xảo hay trinh thám đuổi bắt, ma quái rùng rợn..., chỉ có những cuộc trò chuyện giữa bạn bè, con cái với cha mẹ, học trò với thầy cô giáo và tình huống sinh hoạt hằng ngày. Dàn diễn viên trẻ nghiệp dư, tự nhiên diễn xuất như chính hình ảnh của họ trong cuộc sống.
Với cá nhân tôi, tôi cho rằng Nhật ký Vàng Anh tạo nên sức hút với khán giả tuổi teen và nhiều đối tượng khán giả khác vì đã lựa chọn cách khai thác vấn đề gần gũi đời sống mà lứa tuổi mới lớn đã và đang gặp phải. Đó là những tình cảm rung động đầu đời, sự hờn giận tình bạn và cả nỗi trách cứ người lớn khi áp đặt một số cách giáo dục cứng nhắc..
Nhật ký Vàng Anh thay vì xây dựng hình mẫu lý tưởng để giáo dục cho các bạn trẻ phải noi theo, đã khắc hoạ nhóm nhân vật có cả ưu khuyết điểm về tính cách, có suy nghĩ, cách hành xử đúng và cả chưa đúng... Điều này phù hợp với lứa tuổi mới lớn vì ở độ tuổi này, không phải lúc nào các em cũng đủ nhận thức và kinh nghiệm để lựa chọn cách giải quyết đúng đắn nhất. Vì vậy mà những khán giả cùng tuổi nhìn thấy hình ảnh của mình trong phim, thấy nó giống với mình, với một vài người bạn sống xung quanh mình.
* Nếu có thay đổi chương trình một chút cho phù hợp với yêu cầu khán giả, anh định sẽ thay đổi thế nào?
- Chúng tôi sẽ cố gắng để bộ phim phản ánh sinh động đời sống và tâm tư tình cảm của lứa tuổi mới lớn, với nhiều nhóm đối tượng khác nhau trong xã hội. Mặt khác cũng đề cập sâu hơn nhu cầu cần trò chuyện thân mật và sự chia sẻ cởi mở của lứa tuổi mới lớn với cha mẹ, thày cô thay vì chỉ nhận những lời căn dặn cứng nhắc.
Có thể thời gian sắp tới, tôi sẽ đề nghị đơn vị cung cấp bản quyền lựa chọn thêm một format kịch bản xây dựng hình ảnh nhân vật tuổi teen hoàn cảnh nghèo khó, nhưng bằng nghị lực đã vươn lên và thành đạt. Tôi cũng rất hy vọng bộ phim này sẽ thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận