Trong sự nghiệp cá nhân, Đặng Nhật Minh đã làm nhiều phim về Hà Nội, về người Hà Nội như: Hà Nội mùa đông năm 1946, Mùa ổi, Trở về, Đừng đốt và cuối cùng, gần nhất là phim Hoa nhài.
Đạo diễn gạo cội dành cho Tuổi Trẻ cuộc trò chuyện về tình cảm của ông với Hà Nội, những bộ phim của ông và những nghĩ suy khác.
Chất "hoa nhài" vẫn còn
* Hà Nội với ông có ý nghĩa thế nào?
- Dù sinh ra ở Huế nhưng tôi gắn bó với Hà Nội suốt 60 năm, chứng kiến rất nhiều đổi thay ở Hà Nội, người Hà Nội. Năm 12 tuổi tôi theo mẹ ra Bắc, khi cha tôi - bác sĩ Đặng Văn Ngữ, từ Nhật trở về Việt Bắc theo Cụ Hồ năm 1950.
Chúng tôi đi bộ từ Huế ra Việt Bắc để đoàn tụ với cha tôi. Rồi tôi đi học Trường thiếu nhi Việt Nam ở Trung Quốc, sang Liên Xô học tiếng Nga.
Mãi tới năm 1957 mới về Hà Nội và sống từ đó tới nay. Hà Nội trong tôi từ lâu, bây giờ cũng không phân biệt được đâu là chất Huế, đâu là chất Hà Nội.
* Các phim của ông không đánh mất niềm tin vào con người, vào phẩm chất người Hà Nội, dù từ lâu nhiều người đã than thở về văn hóa người Hà Nội?
- Phim của tôi chỉ có những con người bình thường quan tâm, yêu thương, đùm bọc nhau. Đó là chất Hà Nội.
Dù ngày nay văn hóa người Hà Nội có bị pha loãng đi nhiều, tôi tin cái chất "hoa nhài" vẫn còn lưu giữ trong từng gia đình Hà Nội nề nếp gốc, ví như gia đình ông Dương Trung Quốc, giáo sư Phan Huy Lê...
Xã hội Việt Nam trong mấy chục năm qua trải nhiều biến động, tôi không phải là nhà xã hội học, nhà sử học để phân tích, đánh giá sự kiện. Điều tôi quan tâm là trong những vòng xoáy của thời cuộc đó, con người như thế nào.
Phim Mùa ổi nói về giai đoạn cải tạo nhà cửa ở Hà Nội sau năm 1954 với nhiều xáo trộn trong lối sống. Nhưng tôi không đặt quan tâm vào đó, không lý giải, không lên án, mà chỉ chú tâm thể hiện con người trong hoàn cảnh đó thì bên trong họ thế nào.
Tôi vẫn khẳng định cốt cách người Hà Nội của họ. Ông Hòa là người có tính thiện lương rất cao, rất lịch sự, ai nhờ gì cũng giúp, và những người tốt khác.
Hay trong phim Hoa nhài, giữa thời buổi tiến lên hiện đại với nhiều đứt gãy giá trị, nhiều xáo trộn, giữa cơn lốc xoáy, họ vẫn cưu mang nhau.
Tôi làm phim từ trái tim mình
* Trong những bộ phim của ông người ta có thể thấy cái nhìn rất bình tĩnh trước những biến động của thời cuộc, con người?
- Các phim tôi làm từ trước tới nay đều có chung cái nhìn bình tĩnh đó. Từ phim tài liệu về TP.HCM sau 30-4-1975 có tên Tháng 5 - Những gương mặt. Phim của tôi không lên gân, không tuyên truyền khô khan, bao giờ cũng đặt lòng nhân ái, chủ nghĩa nhân bản lên đầu.
Tôi làm phim từ trái tim mình nên các phim đều nhất quán tinh thần ấy. Làm phim với tôi là sự giãi bày tâm tư, tình cảm của mình với mọi người, để mình hiểu về xã hội, về những người sống quanh mình.
* Ông có lo lắng Hà Nội hiện nay đã mất đi nhiều chất thanh lịch?
- Đó không phải việc của tôi. Nay tôi đã 85 tuổi, có lo cũng chẳng làm được gì. Đó là trách nhiệm của những trí thức, những người hiểu biết, các nhà văn. Tôi đã xong việc của tôi rồi.
* Ông từng có ý định bỏ làm phim để viết văn nhưng rồi vẫn cứ trung thành với phim ảnh?
- Nói vinh quang thì cao quá. Những gì tôi làm được ở điện ảnh cũng như những gì điện ảnh mang lại cho tôi bình thường thôi. Tôi chỉ là một hạt cát. Điện ảnh Việt Nam có nhiều phim hay, nhiều người giỏi.
Đóng góp của tôi với điện ảnh Việt Nam rất nhỏ bé, phim làm cũng không nhiều, hơn chục phim. Tôi làm phim từ xúc cảm, quan sát của mình. Tôi cũng không có tham vọng làm phim để được giải nọ giải kia. Quan trọng là được làm phim như mình muốn, đó là hạnh phúc.
Tôi có nhiều giải thưởng quốc tế nhưng không có giải thưởng lớn, chỉ là giải thưởng ở liên hoan phim quốc tế trung bình. Ở Nhật thì họ thích phim của tôi vì nó gần gũi với người Nhật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận