Đây cũng là vai diễn cuối cùng của nghệ sĩ Thanh Nga, sau đó bà và chồng bị sát hại trong vụ án chấn động, khiến bao khán giả tiếc thương người nghệ sĩ tài sắc vẹn toàn.
Thái hậu Dương Vân Nga của Thanh Nga rất đằm và sâu
Bà Ca Lê Hồng là một trong những nghệ sĩ từ Đoàn cải lương Nam Bộ lừng lẫy trên đất Bắc trở về Sài Gòn sau ngày thống nhất đất nước.
Lúc đó bà được điều về Trường Nghệ thuật sân khấu II làm trưởng khoa cải lương (sau này bà lên làm hiệu trưởng của trường).
Bà Hồng cho biết công việc quản lý ở trường khá bận nhưng vốn từng học đạo diễn ở Liên Xô nên dàn dựng cũng là việc bà yêu thích và thuận tay.
Bà nói: "Thái hậu Dương Vân Nga là vở đầu tiên tôi làm đạo diễn khi vào Nam, cũng là bản dựng đầu tiên của thành phố sau năm 1975".
Bà nhớ lúc đó tập vở ở trụ sở của Đoàn Thanh Minh - Thanh Nga trên đường Trần Hưng Đạo. Khi lên sàn tập thì các nghệ sĩ vào rạp Quốc Thanh.
Ngoài Thanh Nga, vở còn quy tụ nhiều nghệ sĩ giỏi nghề của đoàn như Thanh Sang, Hùng Minh, Chí Hiếu, Văn Ngà, Bảo Quốc, Xuân Lan...
Bà cho biết sau khi ra mắt, vở đã diễn được khoảng 100 suất.
Suất cuối cùng ở rạp Cao Đồng Hưng tháng 11-1978 rồi xảy ra biến cố đau lòng là ngay đợt bà Hồng đi công tác tỉnh.
Bà có hẹn tuần sau về sẽ tiến hành ghi hình vở diễn.
Bà Ca Lê Hồng xúc động nói: "Tôi rất thích cách Thanh Nga thể hiện vai diễn này, ca diễn điềm đạm, đĩnh đạc và rất có chiều sâu. Đặc biệt, cảnh Nga dâng long bào hết sức thần thái và tinh tế.
Thanh Nga ra đi khiến bao nhiêu người thương tiếc cho một tài năng. Còn cá nhân tôi cứ tiếc mãi vì Nga chưa kịp thâu hình vở Thái hậu Dương Vân Nga. Bởi đó sẽ là tài liệu quý để các thế hệ sau có thể xem, nghiên cứu, học hỏi cách ca diễn của cô".
Người diễn viên giỏi phải chìm trong nhân vật
Bà Hồng tâm sự, điều bà thích ở nghệ sĩ Thanh Nga là thái độ làm việc nghiêm túc và lúc nào cũng hết lòng vì vai diễn.
"Thanh Nga là nghệ sĩ giỏi theo cách mà tôi thích. Nghĩa là khi lên sân khấu, người ta cảm nhận cô chìm vào nhân vật.
Khán giả chỉ thấy nhân vật, thấy sự hóa thân, sống trong nhân vật từ diện mạo đến tâm hồn chứ Nga không mắc lỗi như một số nghệ sĩ, lên sân khấu chỉ thấy cô A, B, C chứ không thấy nhân vật" - bà Hồng nói.
Sau Thái hậu Dương Vân Nga, đạo diễn Ca Lê Hồng còn dựng một số vở nữa cho Đoàn Thanh Minh - Thanh Nga như Nhiếp chính Ỷ Lan, Thiên Phúc hoàng đế…
Nghệ sĩ Hữu Châu cho biết thêm ngoài đạo diễn Ca Lê Hồng, có người thầy của anh cũng về dàn dựng cho Thanh Minh - Thanh Nga là bà Tường Trân.
"Cô Ca Lê Hồng, cô Tường Trân sau khi về dựng cho đoàn xong ai cũng thương, có cảm tình với má Ba tôi (nghệ sĩ Thanh Nga) và trở nên thân thiết với gia đình chúng tôi".
Anh nhớ thời dựng vở Thái hậu Dương Vân Nga, anh mới 13, 14 tuổi thường chạy ra chạy vô coi mọi người tập tuồng.
"Trước khi mất, má Ba còn mong muốn được học đạo diễn nên cô Tường Trân đã đem cho má nhiều sách hay để má nghiên cứu" - Hữu Châu nói.
Lúc đó ba của anh là nghệ sĩ Hữu Thình đóng vai quan võ, còn mẹ anh, nghệ sĩ Thanh Lệ, vào vai nhũ mẫu.
Anh kể: "Lúc đó, tôi còn nhỏ không cảm nhận được gì nhiều nhưng nghe người lớn khen tuồng, khen má Ba dữ lắm.
Ấn tượng trong tôi là cảnh ấu chúa bị bắt, má Ba trong vai Thái hậu Dương Vân Nga mặc áo dài đen, nhạc lên, má tiến về sân khấu rồi quay lại cầm Thượng phương bảo kiếm, hát lớp Văn thiên tường.
Tôi nhớ hoài đôi vai má rất cứng. Tôi tự hỏi người phụ nữ phải yểu điệu sao vai má cứng vậy. Giờ đi làm nghề mới ngấm, mới hiểu, đó là hình ảnh của người phụ nữ phải oằn gánh tình nhà, nợ nước.
Những nhấn nhá tinh tế của má luôn là bài học quý trong con đường làm nghề của tôi sau này".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận