Phóng to |
- Bùi Thạc Chuyên: Tôi tập cho mình thói quen không nghĩ đến những gì đã đạt được, vì nó chẳng có ích gì cho những dự định trong tương lai. Tôi thường nghĩ nhiều về những thứ chưa được. Ví dụ như tôi nhận ra rất nhiều điểm chưa hoàn thiện của Sống trong sợ hãi dẫn đến việc phải sang Thái Lan lần ba để làm lại bản phim. Rồi sự từ chối của một số LHP lớn trên thế giới với bộ phim, và điều đáng suy nghĩ nhất: chỉ có một lượng ít ỏi khán giả đến xem phim khi Sống trong sợ hãi ra mắt. Đó thật sự là những điều cần phải suy nghĩ rất lâu.
* Còn các chuyến đi năm qua có ích gì với anh? Phải chăng anh muốn phim của mình được khán giả trong nước xem nhiều hơn nữa qua một đợt phát hành lại qui mô hơn?
- Với hầu hết các nhà làm điện ảnh chuyên nghiệp trên thế giới, đi dự LHP không hẳn chỉ có mục tiêu giải thưởng. Tất nhiên có giải thưởng thì tốt vì bộ phim sẽ được chú ý hơn. Đến với các LHP có thể tìm kiếm được một nhà phát hành quốc tế cho bộ phim. Chẳng có con đường nào khác...
Vì vậy giới thiệu phim đến khán giả mới là mục đích lớn nhất của việc tổ chức những LHP trên thế giới. Có thể tôi không thích một số LHP tổ chức thiếu chuyên nghiệp, nhưng sau LHP châu Á - Thái Bình Dương, phim của tôi đã tìm được một nhà phát hành phim Đài Loan. Như thế cũng tốt đấy chứ.
Người làm phim nào cũng luôn mong muốn phim của mình có thật nhiều người xem. Nhưng công việc của tôi bây giờ là làm ra những bộ phim mới. Tôi không có nhiều thời gian để mơ mộng nhưng tôi tin là phim của mình sẽ còn nguyên giá trị theo thời gian. Nó không phải là một sản phẩm chạy theo mốt. Biết đâu năm, bảy năm sau nó sẽ được khán giả trong nước quan tâm nhiều hơn.
* Sống trong sợ hãi được đánh giá cao về mặt nghệ thuật nhưng lại quá ít người xem. Anh có muốn đổ lỗi cho một lý do nào đó không, ví dụ khâu phát hành chưa tốt hay khán giả hiện nay thật khó định hình, định dạng?
- Vấn đề ở đây không phải là của một vài bộ phim đơn lẻ mà là cả ngành điện ảnh VN đang trong giai đoạn khủng hoảng trầm trọng về khán giả. Ngoại trừ một hiện tượng lạ là Gái nhảy cách đây mấy năm, hãy chỉ cho tôi một bộ phim sẽ làm cho khán giả ùn ùn kéo đến rạp? Chắc là không thể. Ngay cả những siêu phẩm của Mỹ được quảng cáo rầm rộ cũng chỉ có một lượng khán giả vừa phải.
Vì sao các nhà sản xuất phim trong nước phải đánh nhau vỡ đầu để giành giật rạp chiếu mấy ngày tết? Vì trong những ngày đó chiếu phim gì khán giả cũng xem. Vậy thì nhiều hay ít khán giả đâu phải vì chất lượng bộ phim hay khâu phát hành phim. Bao nhiêu năm qua hệ thống rạp chiếu phim cứ teo tóp dần, còn khán giả thì hầu như đánh mất thói quen xem phim. Đó mới là điều nên buồn phiền.
* Anh vẫn giữ liên lạc với những diễn viên đã góp phần làm nên Sống trong sợ hãi?
- Tôi vẫn liên lạc thường xuyên với Trần Hữu Phúc, Hạnh Thúy hay anh Mai Trần, và tôi rất vui vì công việc của mọi người vẫn tốt. Phúc đang làm trợ lý cho đạo diễn Trần Mỹ Hà trong một phim mới. Hạnh Thúy, Ngọc Phượng, Mỹ Uyên, anh Mai Trần vẫn xuất hiện đều trên sân khấu kịch...
Thế là mừng rồi. Không có nhiều cơ hội tốt cho diễn viên, nhất là trong thời buổi điện ảnh VN khủng hoảng như bây giờ. Tôi cầu mong trong năm mới điện ảnh VN sẽ có thay đổi để những diễn viên được đãi ngộ xứng đáng với khả năng và giá trị của họ. Với một tác phẩm điện ảnh, quan trọng nhất chính là diễn viên. Họ phải thật sự được trân trọng.
* Dự án phim nhựa mới Đi mãi rồi cũng quay về của anh đến đâu rồi? Nó có đem lại cho anh sự hứng khởi như khi bắt tay làm Sống trong sợ hãi?
- Chúng tôi đang tiến hành tìm kiếm thêm những nguồn tài chính cho bộ phim. Hi vọng sẽ có đủ tiền để làm được một bộ phim thật sự chuyên nghiệp. Đề tài hoàn toàn mới, bối cảnh hiện đại khác hẳn bộ phim trước nên làm cho tôi rất hứng thú. Nhân vật hiện đại, trẻ, đầy cá tính và giàu cảm xúc. Hệ thống các mối quan hệ sâu sắc và phức tạp sẽ là thách thức rất lớn cho những người làm phim, đặc biệt là diễn viên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận