05/07/2013 09:18 GMT+7

Đảo chính, tổng thống Ai Cập bị phế truất

THANH TUẤN
THANH TUẤN

TT - Quân đội Ai Cập đã chính thức lật đổ Tổng thống Mohamed Morsi, bãi bỏ hiến pháp và thiết lập một chính quyền lâm thời mới.

Hhl7HPY9.jpgPhóng to
Quân đội có mặt ở thủ đô Cairo ngày 4-7 - Ảnh: AFP
UbOZz4aa.jpgPhóng to
Ông Adli Mansour tuyên thệ ngày 4-7 - Ảnh: Reuters

Cuộc đảo chính quân sự lật đổ tổng thống dân cử đầu tiên của Ai Cập diễn ra sau khi hàng triệu người dân xuống đường để phản đối các chính sách của ông Morsi, người mới lên nắm quyền được hơn một năm. Các cuộc tuần hành, biểu tình ở Ai Cập thậm chí có quy mô lớn hơn các cuộc biểu tình từng lật đổ cựu tổng thống Hosni Mubarak hồi năm 2011.

Lúc 16g15 ngày 4-7 (giờ Việt Nam), chánh án Tòa án Hiến pháp tối cao Ai Cập Adli Mansour đã tuyên thệ nhậm chức tổng thống lâm thời của quốc gia Bắc Phi này. Trong một buổi lễ đơn giản và ngắn gọn tổ chức tại trụ sở của Hội đồng Hiến pháp, ông tuyên bố: “Tôi nguyện gìn giữ hệ thống nước cộng hòa, tôn trọng hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền lợi của nhân dân”.

Khung cảnh trái ngược

Trước đó, hàng chục xe bọc thép của quân đội tràn vào thủ đô Cairo bao vây các điểm quan trọng. Tổng thống Morsi bị bắt chỉ vài giờ sau hạn chót của tối hậu thư. Lực lượng an ninh nói họ đã bắt giữ ít nhất 38 lãnh đạo cao cấp của tổ chức Anh em Hồi giáo, cơ sở chính trị của ông Morsi, và nhiều thành viên lãnh đạo khác của phe này cũng đang bị quản chế.

Lực lượng quân đội sau đó lên truyền hình vạch ra lối đi cho đất nước thời hậu Morsi. Theo “lộ trình” của quân đội, ông Mansour sẽ là lãnh đạo lâm thời của Ai Cập cho tới khi một tổng thống mới được bầu. Như vậy, phía quân đội đã ra tay hành động chỉ sau bốn ngày biểu tình rầm rộ của người dân - so với 18 ngày dưới thời Hosni Mubarak.

Theo báo New York Times, khung cảnh ở Cairo không thể trái ngược hơn. Ở quảng trường Tahrir, hàng chục ngàn người biểu tình đã hò reo ăn mừng và bắn pháo hoa khi nghe tin ông Morsi bị lật đổ. Ngay cả lực lượng cảnh vệ dinh tổng thống, lực lượng bảo vệ ông Morsi, cũng đã đổ ra ăn mừng và vẫy cờ trên nóc dinh.

Ở quảng trường gần dinh tổng thống, nơi lực lượng Hồi giáo ủng hộ ông Morsi tụ tập, những người đàn ông òa khóc và nói sẽ ở lại đây cho đến khi ông Morsi trở lại nắm quyền. Theo Reuters, chỉ trong vài giờ, ít nhất đã có 14 người chết và hơn 340 người bị thương trong các cuộc đụng độ ở 17 tỉnh thành giữa những người ủng hộ ông Morsi với lực lượng an ninh và các lực lượng đối lập.

Theo Reuters, lực lượng an ninh hôm qua cũng bắt giữ ông Mohamed Badie, nhà lãnh đạo tối cao của tổ chức Anh em Hồi giáo. Cả ông Morsi và 15 nhân vật Hồi giáo khác đang bị điều tra vì tội xúc phạm hệ thống tư pháp.

Kết thúc buồn

Tướng Fattah el-Sisi, tư lệnh quân đội Ai Cập, nói lực lượng quân đội không quan tâm tới chuyện tham chính nhưng buộc phải lật đổ Morsi vì ông thất bại trong chuyện xây dựng “hòa hợp dân tộc”.

Phe quân đội đã nhận được sự ủng hộ của phần lớn lực lượng đối lập, gồm cả phe Hồi giáo và phe Thiên Chúa giáo cũng như một loạt nhân vật chính trị cao cấp như Mohamed ElBaradei, cựu lãnh đạo IAEA... “Lực lượng quân đội tuyên bố trước là họ không tham gia chính trị - tướng el-Sisi tuyên bố ngay từ đầu - Giờ cũng vậy và sau này quân đội cũng không tham gia vào chính trường”.

Theo bản “lộ trình” được lực lượng dân sự, chính trị gia và các nhà lãnh đạo tôn giáo thống nhất, ông Sisi nói hiến pháp sẽ bị bãi bỏ, chánh án Tòa án Hiến pháp tối cao Adli Mansour sẽ là tổng thống lâm thời. Việc bầu cử để bầu quốc hội và tổng thống mới sẽ nhanh chóng được chính quyền lâm thời thực hiện.

Dù quyền kiểm soát của lực lượng quân đội với chính trường Ai Cập là không thể chối cãi, một điểm có thể thấy ở cuộc lật đổ này là so với hai năm trước, tướng Sisi đưa ra một lộ trình rõ ràng và nhanh hơn rất nhiều cho việc trao trả quyền lại cho chính quyền dân sự. Ông Sisi không hề đề cập tới việc quân đội nắm quyền mà giao cho tổng thống lâm thời Mansour quyền đưa ra hiến pháp trong giai đoạn chuyển tiếp.

Với ông Morsi, đó là kết thúc đáng buồn cho một năm cầm quyền sóng gió với vô số cuộc đấu chính trị. Các cuộc đấu đã đẩy ông xa rời hơn với hàng triệu người dân Ai Cập. Dù giành chiến thắng trong bầu cử, giới phân tích nói ông đã không giữ lời hứa về một chính phủ cho mọi tầng lớp và thường xuyên chỉ trích phe đối lập là những kẻ phản bội. Với nền kinh tế suy sụp, thiếu điện và nhiên liệu, sự tức giận của người dân với chính phủ bị đẩy tới đỉnh điểm.

Thất bại lớn nhất của ông Morsi chính là bỏ quên vấn đề quan trọng nhất với người dân: kinh tế. Kinh tế Ai Cập đã xuống dốc cách đây hơn ba năm khi ông Mubarak bị lật đổ. Điều đáng tiếc là ông Morsi không thấy điều này. Việc đầu tiên ông làm là tìm cách trói chân trói tay phe đối lập.

Cả Liên Hiệp Quốc, Mỹ và các cường quốc lớn dù bày tỏ quan ngại đều không lên án vụ thay đổi nhà lãnh đạo ở Ai Cập - dấu hiệu cho thấy các cường quốc không phản đối cuộc lật đổ này. Từ Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Obama kêu gọi quân đội Ai Cập nhanh chóng trả chính quyền cho một chính thể được bầu dân chủ. “Chúng tôi đặc biệt quan ngại về quyết định của quân đội Ai Cập hạ bệ tổng thống Morsi và hủy bỏ hiến pháp”. Điều đáng chú ý là tổng thống Mỹ không lên án sự việc và không gọi đó là cuộc đảo chính.

Amr El Maghraby, một thanh niên trẻ ở Cairo, viết trên Facebook rằng “người Ai Cập cuối cùng cũng thống nhất một quan điểm (chuyện rất hiếm) rằng phe Anh em Hồi giáo đã làm hỏng mọi thứ”. Anh cho rằng người dân đã đồng lòng chống lại “một chính phủ điên khùng” khi tăng giá cả, thiếu thốn nhiên liệu và tình trạng mất an ninh hoàn toàn.

Anh cũng thừa nhận điều tốt là lực lượng quân đội cam kết không tham gia nắm quyền và cho biết đám đông sẽ tiếp tục xuống đường nếu quân đội tham chính.

___________

Tin bài liên quan:

THANH TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên