Những người ủng hộ Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi của Myanmar cầm ảnh bà trong cuộc biểu tình phía trước Đại sứ quán Myanmar ở Bangkok, Thái Lan ngày 1-2 - Ảnh: Reuters
Những cải cách chính trị ở Myanmar trong một thập niên qua mặc dù chậm chạp nhưng vẫn chứa đựng nhiều hi vọng cho một quốc gia vốn đầy rẫy xung đột dân sự - quân sự và xung đột sắc tộc.
Các cột mốc đánh dấu quá trình chuyển đổi dân chủ của Myanmar bắt đầu với việc thông qua hiến pháp mới vào năm 2008 và cuộc bầu cử Quốc hội vào năm 2010, dẫn đến sự thay đổi chính phủ vào năm 2011.
Tuy nhiên, cột mốc đáng chú ý là cuộc bầu cử Quốc hội năm 2015 khi Đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi chiếm đa số trong cơ quan lập pháp.
Mặc dù chính trị Myanmar hiện nay không thật sự là chính quyền dân cử theo định nghĩa của phương Tây, khi các bộ quan trọng liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia như Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ và Bộ Biên phòng vẫn được lựa chọn bởi người đứng đầu phe quân đội chứ không phải tổng thống.
Một phần tư số ghế đại biểu Quốc hội (166 trong tổng số 664 ghế của cả hai viện) được dành cho quân đội mà không cần thông qua bầu cử. Ngoài ra, mọi sự thay đổi liên quan đến hiến pháp phải được sự chấp thuận của phe quân đội.
Vấn đề căng thẳng trong mối quan hệ quân đội - dân sự được đẩy lên khi Đảng NLD đã chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử vào ngày 8-11-2020.
Đảng này giành được 396 ghế (83% số ghế), nhưng phe quân đội cho rằng bầu cử này có gian lận khi số phiếu ủng hộ Đảng Liên minh đoàn kết và phát triển (USDP) được hậu thuẫn bởi quân đội chỉ chiếm 33 ghế, ít hơn số ghế họ đạt được trong cuộc bầu cử 5 năm về trước.
Việc Đảng NLD chiến thắng vang dội trong Quốc hội sau cuộc bầu cử tháng 11-2020 có nhiều ý nghĩa đối với đời sống chính trị Myanmar. Thứ nhất, điều này thể hiện sự tín nhiệm của dân chúng đối với bà Suu Kyi và uy tín đảng chính trị của bà ngày càng tăng.
Nó cũng đồng nghĩa với sự xung đột chính trị gia tăng, khi phe quân sự lo sợ họ sẽ mất sự kiểm soát đối với chính trị Myanmar khi Đảng NLD có thể dễ dàng thông qua nhiều đạo luật trong thời gian sắp tới.
Chính vì vậy, sau khi khiếu nại với Ủy ban bầu cử rằng cuộc bầu cử có gian lận không thành công, phe quân đội đã hành động bắt giữ bà Suu Kyi để ngăn chặn xu thế chính trị ủng hộ Đảng NLD lan rộng trước khi nó trở thành một lực lượng không thể cản nổi trong thời gian sắp tới.
Ngoài ra, uy tín của Đảng NLD đã đe dọa trực tiếp tới khu vực cử tri truyền thống của phe quân đội. Đảng của bà Suu Kyi ngày càng mở rộng sự ủng hộ của cử tri, và độ bám rễ lan rộng khi họ vượt ra khỏi các khu vực bầu cử ủng hộ truyền thống như thủ đô cũ Yangon và các khu vực thành thị.
Trong cuộc bầu cử vừa qua, NLD đã chiếm được sự ủng hộ từ các khu vực nông thôn - nơi mà trước đây Đảng USDP chiếm ưu thế.
Cuộc khủng hoảng chính trị ở Myanmar có thể dẫn đến các chính sách cấm vận từ các quốc gia phương Tây.
Các biện pháp trừng phạt sẽ làm khốn đốn thêm đời sống của dân thường Myanmar, khi tổng số người mắc COVID-19 đã lên tới 140.000 người trong tổng số 54 triệu dân. Có lẽ còn lâu lắm Myanmar mới quay lại đời sống kinh tế - chính trị như cách đây 5 năm, khi bà Suu Kyi trở thành cố vấn nhà nước.
Quân đội hứa giao lại quyền lực sau bầu cử mới
Rạng sáng 1-2, quân đội Myanmar tiến hành nhiều cuộc vây ráp, bắt giữ bà Suu Kyi, Tổng thống Win Myint và nhiều quan chức chính phủ khác với cáo buộc rằng cuộc bầu cử Quốc hội tháng 11 năm ngoái xảy ra nhiều sai phạm.
Vụ chính biến này được thực hiện vào đúng ngày khai mạc kỳ họp đầu tiên của Quốc hội mới kể từ sau cuộc tổng tuyển cử cuối tháng 11 năm ngoái, khi Đảng NLD của bà Suu Kyi chiến thắng áp đảo.
Sau các hoạt động vây ráp, bắt giữ và chiếm đóng tòa thị chính tại Yangon sáng sớm 1-2, quân đội Myanmar tuyên bố áp đặt tình trạng khẩn cấp trong một năm và sẽ nắm quyền trong thời gian đó. Ông Myint Swe, một cựu tướng quân đội và cũng là đương kim phó tổng thống Myanmar, sẽ giữ vai trò quyền tổng thống trong thời gian này.
Quân đội Myanmar, do đại tướng Min Aung Hlaing - tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar - đứng đầu, cùng ngày tuyên bố sẽ tổ chức cuộc tổng tuyển cử mới và trao quyền cho đảng nào thắng cuộc sau khi kết thúc tình trạng khẩn cấp.
Bình luận trên tài khoản Facebook, ông Win Htein - chủ tịch Đảng NLD - cho rằng việc tướng Min Aung Hlaing tổ chức đảo chính vào thời điểm Myanmar đang chật vật chống dịch COVID-19 cho thấy tham vọng cá nhân của ông ấy đã lấn lướt những lo toan cho đất nước.
Cũng trong ngày 1-2, nhiều nước trên thế giới, bao gồm Mỹ và EU, lên tiếng phản đối mạnh mẽ cuộc chính biến tại Myanmar, kêu gọi quân đội thả ngay lập tức những người bị bắt và khôi phục nền dân chủ tại quốc gia này.
Trong đó, thông báo của Nhà Trắng cho biết Mỹ phản đối ý đồ thay đổi kết quả bầu cử trong tháng 11 tại Myanmar và "sẽ hành động chống lại những người chịu trách nhiệm nếu các hành động này không được đảo ngược".
Trong khi đó, ASEAN ra tuyên bố kêu gọi Myanmar "đối thoại, hòa giải và quay lại tình trạng bình thường".
D.KIM THOA
Khuyến cáo người Việt ở Myanmar không ra ngoài
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 1-2, đại sứ Việt Nam tại Myanmar Lý Quốc Tuấn cho biết cộng đồng người Việt ở Myanmar đã nhận được thông báo của sứ quán về sự kiện chính biến diễn ra cùng ngày.
Thông báo nhắc nhở công dân bình tĩnh và chú ý không đi ra ngoài, đảm bảo an ninh, an toàn.
"Đại sứ quán đang theo dõi sát diễn biến và sẽ thông báo các biện pháp cần thiết" - đại sứ Lý Quốc Tuấn nói.
D.AN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận