Phóng to |
Có nhà máy xử lý nước ngọt nhưng dân đảo Bé vẫn mua nước ngọt để sinh hoạt từ đảo Lớn chở sang với giá 280.000-300.000 đồng/m3 - Ảnh: V.HÙNG |
Tại thôn Bắc, gần 20 hộ dân đang ngày ngày tiết kiệm từng giọt nước ngọt để sinh hoạt. Bà Lê Thị Mỹ (60 tuổi) nói: “Tưởng có nhà máy xử lý nước biển thành nước ngọt thì dân đỡ vất vả. Nhưng có nhà máy rồi cũng như không, mỗi ngày dân chỉ nhận được 1 lít nước ngọt/nhân khẩu từ nhà máy cung cấp, bằng ấy nước làm sao đủ để uống chứ chưa nói đến các sinh hoạt khác”.
Bà Mỹ kể từ khi có nhà máy xử lý nước ngọt, phần lớn người dân đảo Bé đều chủ quan trông chờ từ nguồn nước nhà máy, không lấy nước mưa dự trữ vào bể như những năm trước, nên khi nắng hạn lâu ngày thì không có nước sinh hoạt. Còn ông Đặng Yên (75 tuổi) bức xúc: khi hoàn thành nhà máy xử lý nước, người dân cứ nghĩ hệ thống ống dẫn được lắp đặt tới nhà sẽ thoát nạn khát nên nhiều hộ đập bể chứa nước, bây giờ không có bể để trữ nước.
Ông Trần Minh Hoằng - phó chủ tịch UBND xã An Bình - xác nhận xã không có kinh phí để mua nhiên liệu và các khoản chi khác cho nhà máy xử lý nước, mỗi ngày nhà máy chỉ hoạt động khoảng một giờ với công suất khoảng 250 lít nước. Số nước trên cung cấp cho toàn bộ hộ dân trên đảo thì trung bình mỗi ngày một nhân khẩu nhận chưa đến 1 lít nước ngọt.
Ông Trần Ngọc Nguyên - chủ tịch UBND huyện Lý Sơn - cho biết: “Vì ngân sách huyện hạn hẹp nên việc vận hành nhà máy gặp không ít khó khăn. Huyện đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh và Công ty lọc dầu Dung Quất hỗ trợ nguồn kinh phí để địa phương mua nhiên liệu, trả lương cho công nhân vận hành nhà máy. Hiện chưa có hồi âm nên đã chỉ đạo cho xã mỗi ngày chỉ vận hành nhà máy một giờ để có nước sinh hoạt cung cấp cho người dân”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận