Đến đầu tháng 3-2024, Đankia - Suối Vàng đang ở mực nước chết.
Hồ chứa nước có diện tích lòng hồ hơn 360ha này chia làm hai phần: phần thượng nguồn có diện tích chứa nước lớn và phần hạ nguồn (gần nhà máy nước) có diện tích chiếm khoảng 1/3 tổng diện tích hồ.
Phía thượng nguồn của hồ Đankia đang bị cạn khô. Một phần lớn diện tích hồ đã bị trơ đáy, nứt nẻ, chỉ còn lại một con suối nhỏ chảy len lỏi giữa lòng hồ với lượng nước rất ít.
Những nông dân ở khu vực đầu nguồn phải kéo ống nước xuống tận con suối nhỏ này để bơm ít nước còn lại lên tưới tiêu cho cây trồng.
Tình trạng khô hạn của hồ Đankia - Suối Vàng đang có nguy cơ đe dọa nguồn nước sinh hoạt của TP Đà Lạt trong thời gian tới nếu tiếp tục kéo dài, vì hồ này chính là nguồn nước chính cung cấp cho TP Đà Lạt và một phần huyện Lạc Dương.
Công ty CP Cấp thoát nước Lâm Đồng cho biết mực nước của hồ Đankia - Suối Vàng đang tiến sát mức nước chết.
Việc nạo vét hồ cũng đã làm cho nước hồ bị đục ngầu, gây khó khăn trong việc xử lý nước để cung cấp cho người dân.
Công ty CP Cấp thoát nước Lâm Đồng đề nghị Nhà máy thủy điện Ankroet (đang lấy nước từ hồ) giảm công suất phát điện trong thời gian tới nhằm nâng mực nước hồ Đankia lên.
Ông Nguyễn Hùng Cường - tổng giám đốc Công ty CP Cấp thoát nước Lâm Đồng - thừa nhận trong dịp Tết vừa qua, công ty buộc phải cắt nước luân phiên trên địa bàn TP Đà Lạt và thị trấn Lạc Dương.
Đây là việc chẳng đặng đừng, ảnh hưởng lớn đến hoạt động du lịch và sinh hoạt của người dân.
Trao đổi về chất lượng nguồn nước bị ảnh hưởng do khô hạn, lãnh đạo UBND huyện Lạc Dương cho biết do phần lớn hồ đã cạn trơ đáy nên hiện nay các nhà máy nước chỉ có thể dùng lượng nước còn lại nằm ở phần trũng (hồ Suối Vàng).
Lượng nước giảm nên chất lượng nước thô cũng giảm; tạp chất, chất rắn, chất thải nông nghiệp (bao gồm thuốc bảo vệ thực vật) tăng cao.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận