18/06/2018 11:53 GMT+7

Danh vọng, tiền bạc sẽ qua đi, giá trị của một con người ở lại

UYÊN TRINH
UYÊN TRINH

TTO - Tin thầy Dương Thanh Liêm (Đại học Nông lâm TP.HCM) bị bệnh nhanh chóng lan truyền đến những đồng nghiệp, học trò cũ.

Danh vọng, tiền bạc sẽ qua đi, giá trị của một con người ở lại - Ảnh 1.

PGS.TS Dương Thanh Liêm (thứ 4 từ trái sang) cùng các cựu sinh viên khoa chăn nuôi thú y khóa 2 vào dịp tết 2018 - Ảnh: D.D.Đ.

Ai cũng hiểu hoàn cảnh thầy nên mỗi người góp một ít để thầy được chữa bệnh ở nơi đầy đủ, chu đáo. Những đồng tiền hỗ trợ được đăng công khai trên Facebook để mọi người cập nhật...

Từ Bệnh viện Thủ Đức (TP.HCM) chuyển đến Bệnh viện Việt - Pháp, nhẩm tính đã một tháng. Một tháng, căn phòng làm việc của PGS.TS Dương Thanh Liêm ở bộ môn dinh dưỡng (khoa chăn nuôi thú y - Đại học Nông lâm TP.HCM) đóng cửa im lìm.

Không ngớt người vào thăm

Ngoài trời mưa rả rích. Trong căn phòng mờ mờ tối của Bệnh viện Pháp - Việt, từng nhịp thở yếu ớt, khó khăn. Ở hành lang bệnh viện vang lên tiếng hỏi thăm: Bệnh nhân Dương Thanh Liêm?

"Anh nhận ra em không?", người phụ nữ ngoài 60 bước nhẹ đến bên giường bệnh, hỏi. Ký ức một thời hiện về rõ mồn một. "Khi tôi mới về nước thì anh Liêm là người tiếp nhận, khi ấy anh làm hiệu trưởng. Sau đó, hai anh em dạy cao học, có nhiều kỷ niệm lắm. Rồi từ lúc về hưu đến nay, tôi ít tới trường. Nay nghe anh bệnh nặng, thông tin được chia sẻ trên Facebook, tôi vội vàng ghé thăm" - cô nói.

"Tôi học cùng trường với anh Liêm hồi ở Đại học Nông nghiệp ngoài Hà Nội. Ảnh học giỏi lắm. Trung ương Đoàn còn phát động trên đài phong trào học tập theo tấm gương Dương Thanh Liêm" - người đàn ông đi cùng cô trầm trồ hồi tưởng.

Chèn giữa cuộc trò chuyện ấy là từng nhịp thở khò khè, khó nhọc của thầy. Ông Dương Bá Đương, em trai thầy, thỉnh thoảng kéo chăn đắp cho anh trai, đôi lúc quay qua hỏi anh thấy trong người thế nào. 

Ông mới từ Bến Tre lên TP.HCM. "Thầy cô và các sinh viên vô thăm đông lắm. Học trò của anh khắp cả nước, nhiều người cũng lớn tuổi rồi. Người ta thương anh tui dữ lắm" - ông nói.

Mọi người đứng quanh giường bệnh. Những đôi mắt ướt đỏ quanh giường bệnh. Thầy đã yếu đi nhiều, thầy năm nay đã ở tuổi 81! 

"Đến bây giờ thầy mới chấp nhận điều này chứ những ngày trước thầy chỉ nghĩ là cơn đau bộc phát như những cơn đau trước". Thầy Đ., nguyên phó hiệu trưởng nhà trường, người đồng nghiệp, người từng được thầy Liêm hướng dẫn những ngày mới về trường, đã chia sẻ như vậy.

Chính thầy Đ. là người kề cận, hỗ trợ, giúp đỡ hết sức cho thầy Liêm khi cần. Thầy vẫn ra vô bệnh viện thường xuyên. Cũng vì yêu cầu của các học trò cũ mà thầy Đ. đứng ra cập nhật tình hình sức khỏe của thầy Liêm trên Facebook.

Mỗi lần đăng thông tin, thầy Đ. rất cẩn trọng, thông báo sức khỏe thầy Liêm, hôm nay quy định bao nhiêu người đến thăm, những ai hỗ trợ thầy. Những thông tin đó đã nhận được nhiều sự cảm kích, yêu quý của các học trò, đồng nghiệp.

Danh vọng, tiền bạc sẽ qua đi, giá trị của một con người ở lại - Ảnh 2.

Một cựu sinh viên lớp thức ăn K35 Trường ĐH Nông lâm TP.HCM đến thăm thầy Liêm - Ảnh: CSV

Chưa bao giờ thầy được an lòng

Trong căn phòng nhỏ của bộ môn dinh dưỡng, thầy Đ. say sưa kể về người thầy từng hướng dẫn mình những ngày mới đi học nước ngoài về, người hiệu trưởng một thời ở trường.

Nhà giáo Dương Thanh Liêm sinh năm 1938 tại xã Thuận Điền, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Năm 1955 ông tập kết ra Bắc và học tại Trường Học sinh miền Nam trước khi vào Trường ĐH Nông nghiệp 1 Hà Nội.

Năm 1974, ông bảo vệ thành công luận án PTS tại Hungary, năm 1976 vào công tác tại Trường ĐH Nông lâm TP.HCM. Năm 2004, ông vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân.

Ai từng biết đến thầy Liêm cũng đều hiểu rằng dẫu bao nhiêu câu chuyện cũng không kể xiết phẩm chất cao quý của thầy, dẫu bao nhiêu bút mực cũng không lột tả được hết nhân cách, đức độ và công trạng của thầy. 

Bài viết "Một đời thanh liêm" mà Tuổi Trẻ đã từng đăng năm 2006 đã làm xúc động bao bạn đọc mà theo lời chị Thảo, một người từng biết thầy, thì: "Cho đến bây giờ, mỗi khi đọc bài viết đó vẫn cứ thấy rưng rưng. Gặp thầy Liêm ngoài đời rồi mới thấy thương thầy hơn. Thầy giản dị vô cùng". Nhưng cũng là chưa đủ...

Suốt những năm còn đảm đương công việc trưởng khoa chăn nuôi thú y rồi hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, thầy vẫn cứ miệt mài với những thế hệ học trò, với những đồng nghiệp. 20 năm từ ngày về hưu (năm 1998), chưa ngày nào người ta thấy thầy ngừng nghỉ, dành giây phút nào cho riêng mình. 

Người ta thấy hoài một ông giáo già miệt mài ở phòng làm việc mà lúc nào thầy cũng nói: "Lên chơi với anh em chứ làm việc gì nữa". Thầy vẫn cứ hăm hở, vẫn cứ đam mê như cái thuở thầy mới bước chân vào nghề.

Căn phòng nhỏ xíu mà khoa dành cho thầy lui tới sau khi về hưu nhưng "thầy nói thầy về hưu rồi sao còn dành cho thầy phòng to thế này. Để thầy lui vào các phòng phía bên trong". Căn phòng đó gắn liền với thầy 20 năm qua từ khi về hưu đến ngày trước khi nhập viện.

Ai từng biết đến thầy Liêm rồi cũng tự mang trong mình thắc mắc, sao mọi thứ lại bất công với thầy như vậy. 30 năm qua số phận dúi vào tay thầy hàng ngàn ngày âu lo về mái ấm gia đình. Vì chứng trầm cảm sau khi sinh đứa con trai út mà vợ thầy đã mắc căn bệnh "tâm thần" quái ác. 

Rồi một buổi chiều thầy đi dạy, sau khi nghe tiếng kêu cứu, thầy chạy chiếc xe máy về phía hồ đá ở ĐH Quốc gia TP.HCM, những vòng bánh xe trĩu nặng. Thầy hoảng hốt đi tìm đứa con trai. Đứa con trai đã mãi mãi không về. Thầy chết lặng. Cú sốc chồng cú sốc.

Chẳng mấy năm sau, vợ thầy cũng ra đi. Rồi hai cô con gái cũng đổ bệnh. Gánh nặng lại đè lên đôi vai gầy gò, nỗi buồn đè lên những bài giảng của thầy. Chính vì những lẽ đó mà đồng nghiệp, các học trò lại thương quý thầy nhiều hơn. 

Bao năm qua thầy vẫn cứ ở căn nhà ọp ẹp trong khuôn viên Trường ĐH Nông lâm. Thương hoàn cảnh khó khăn mà hai học trò cũ đứng ra xây căn nhà nhỏ cho gia đình thầy. Nhưng rồi lý do sức khỏe, vì để tiện lợi cho công việc nghiên cứu mà thầy vẫn cứ ở căn nhà trong khuôn viên trường. Sự khiêm nhường, giản dị, chẳng ai thay đổi được ở thầy.

"Cho đến lúc thầy nằm viện, thầy cũng phải lo quán xuyến chuyện trong gia đình. Thầy chẳng khi nào được an lòng" - thầy Đ. thả trôi câu nói theo những vệt nắng đang nhảy nhót ngoài cửa.

Còn tôi, tôi ngồi mãi ở văn phòng khoa, cứ day dứt mãi một suy nghĩ về giá trị một con người. Cuối cùng, giá trị đó là gì? Rồi chợt nhớ vài điều mình từng đọc đâu đó, đại ý rằng: Muốn nhìn mức độ yêu quý của một người lãnh đạo, hãy nhìn khi họ về hưu. Muốn biết một người giàu có bao nhiêu, hãy xem lúc cuối đời có ai bên cạnh. 

Quyền lực, danh vọng, tiền bạc rồi cũng sẽ chớp nhoáng đi qua, chỉ có nhân cách, đức độ của một con người ở lại. Nó trường tồn, bền bỉ và ngày càng được lấp đầy nhiều hơn bởi sự thương quý và kính trọng của những người xung quanh. Và thầy - PGS.TS Dương Thanh Liêm là một minh chứng sống cho điều đó.

Ai cũng quý thương thầy

Mỗi lần gặp học trò, thầy vẫn cố gắng làm sao truyền đạt hết những gì thầy biết. Thương thầy lắm. Thầy đưa sách, thầy mong cho mình hỏi để thầy giảng giải. Rồi thầy chép tài liệu cho. Có cái gì thầy đều rút ruột thầy cho, không giấu giếm gì hết. Sách đem trả lại thầy, thầy nói giữ lại để sử dụng vì thầy già rồi, thầy không mang theo được.

Truyền đạt làm sao cho hết những kiến thức cho thế hệ sau là thầy mừng lắm. Khi thầy yếu đi rồi mà học trò đến thăm, nhắc đến chuyên ngành, thầy vẫn cứ say sưa vậy đó. Ai gặp thầy cũng thương thầy, quý thầy lắm. Chẳng biết nói sao cho đủ...

(Một học trò khóa 29 lớp chăn nuôi, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM)

Một đời thanh liêm

TT - * Đã có một đôi bài viết về ông, nhưng dường như không có bút mực nào có thể lột tả đầy đủ con người ông, từ cuộc sống, nhân cách đến công trạng, đức độ..., kể cả bài viết này.

UYÊN TRINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên