Phóng to |
Loại hồng mai Tản Đà dùng làm trà - Ảnh: TRỊNH QUANG DŨNG |
Bóng Hồng Mai một thủa
Trên thi đàn Việt, bóng dáng trà Hồng Mai ẩn hiện qua nhiều thế kỷ và từng là thi hứng thăng hoa của biết bao thế hệ danh nhân - trà sĩ. Danh nhân Nguyễn Trãi hiệu Ức Trai (1380-1442) từng nhắc đến bóng Hồng Mai ở bài Ngôn chí trong Ức Trai thi tập:
… Cởi tục chè thường pha nước tuyếtTìm thanh trong vắt tịn chè mai.
Cởi tục là cởi bỏ những ưu phiền thế tục, pha nước tuyết là nước trong nhất, nước băng, nước sương trong như tuyết. Chè mai là chè Hồng Mai, thứ chè của các thiền gia:
Chè mai đêm nguyệt dậy xem bóngPhiến sách, ngày xuân ngồi chầm câu
Hương vị chè Hồng Mai vẫn còn đó suốt cả trăm năm, mặc cho bao cơn binh lửa đã diễn ra. Cuối thế kỷ 15, “nhà tiên tri” vĩ đại Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) rũ áo từ quan dung dị như một vị tiên thưởng trà trong cảnh sơn thủy hữu tình. Ông còn cho chúng ta thưởng thức loại danh trà ấy khiến ông lâng lâng trong cõi mộng:
Khát uống trà mai hương ngọt ngọtgiấc nằm hiên nguyệt gió hiêu hiêu
Trà Hồng Mai là loại trà chọn chế biến từ gốc mai già, cắt khúc chẻ răm nhỏ đem sao, pha nước sôi có sắc hồng nhạt, vị thanh đậm, ngọt hậu rất đặc biệt. Dân gian còn gọi với tên “lão mai trà”. Đây là một loại thiền trà phổ biến ở các chùa chiền miền Bắc trong thời quá vãng. Đại thi hào Nguyễn Du còn tài tình khi dùng trà Hồng Mai hóa giải cơn ghen của Hoạn Thư khi nàng tận mắt chứng kiến cảnh Thúc Sinh lén vào Quan Âm các tình tự với Kiều. Chén trà thiền đã giúp nàng bình tĩnh lại, bỗng chốc tỉnh táo và trở nên cao thượng tạm “gác” tội cho họ Thúc:
Thiền trà cạn nước hồng maiThong dong nối gót thư trai cùng về
Cách Nguyễn Du mượn trà Hồng Mai theo điển tích trong Liêu trai để giải ghen thật độc đáo, song cũng cho thấy ông là người am hiểu về trà một cách sâu sắc, tinh tế và trà có ảnh hưởng sâu sắc tới xã hội đương thời.
Phóng to |
Gốc lão mơ 50 năm tuổi để làm trà Hồng Mai - Hương Tích - Ảnh: TRỊNH QUANG DŨNG |
Luận về nguồn gốc trà Hồng Mai của người xưa, ta thấy nhiều bậc chí sĩ, danh nho từng quan tâm đến tứ trà độc đáo này. Cụ Kiều Oánh Mậu (1854-1912), đỗ phó bảng năm 1880 thời vua Tự Đức, từng viết: “Thiền gia dụng mai bì tác trà, danh Hồng Mai” (người nhà chùa dùng vỏ cây mai chế làm trà gọi là trà Hồng Mai). Thảng hoặc, có người luận giải theo tư duy logic đây là loại trà ướp hương Hồng Mai, thứ hoa mai sắc đỏ, hương thơm dịu nhẹ...
Gần với chúng ta nhất, nhà văn, thi sĩ Tản Đà (1889-1939), “dân chơi sành điệu” các ngón ẩm thực đầu thế kỷ 20, còn bổ sung vào thông điệp gửi lại cho hậu thế rõ: “cây hồng mai trồng trong chậu làm cảnh, thân cây bé mà hoa đỏ, pha nước uống rất thơm…”. Song lối kiến giải thuyết phục hơn cả của đông đảo trà sĩ xưa nay đều thống nhất một tiếng nói chung về trà Hồng Mai là loại “nước chè nhà chùa, nấu bằng gỗ mai”.
Truy tìm trong lịch sử danh trà Trung Hoa, Nhật Bản ta không hề thấy bóng dáng trà Hồng Mai… kiểu Việt như các bậc tiền bối từng nhắc nhở. Bởi vậy trà Hồng Mai là một sáng tạo độc đáo và đặc sắc của ông cha ta, một loại danh trà thuần khiết Việt.
Có thể thấy rằng trà Hồng Mai còn vương chốn cửa thiền Việt khá phổ biến cho tới cuối thế kỷ 19 và chỉ mới thất truyền vào đầu thế kỷ 20. Chỉ tính từ khi trà Hồng Mai xuất hiện lần đầu tiên trong thơ của Ức Trai tiên sinh, nó cũng đã có tuổi đời trên 500 năm, hơn nửa thiên niên kỷ. Thật là loại danh trà quý của người Việt rất đáng được tôn vinh.
Trà Hồng Mai - Hương Tích
Phóng to |
Tác giả (trái) và anh Huyền, chủ gốc lão mơ |
Tuy nhiên, trà Hồng Mai của chùa Hương lại không phải từ cội mai già! Những trà nhân say mê “bóng Hồng Mai” thường được thưởng thức hương vị độc đáo của nó vào mỗi mùa trẩy hội chùa Hương. Dịp này một vài vị sư tăng chùa Hương vẫn trân trọng đãi khách thập phương sành điệu ẩm trà những chén trà Hồng Mai sắc hồng thắm, đượm hương vị chốn lâm tuyền thanh khiết. Trà Hồng Mai - chùa Hương Tích được chế biến từ gốc mơ già, loại cây đặc sản nổi tiếng ở vùng danh thắng này. Vì sắc hồng thắm của nước trà mà người xưa ở vùng này đặt cho cái tên Hồng Mai. Trong dân gian lưu truyền mãi về thứ trà cho hương thơm mùi trầm cao sang, sâu thẳm, vị thoảng ngọt, giúp say giấc nồng lại ổn định huyết áp cho người ẩm trà.
Từ hàng chục năm qua, một cụ già đã ngoại bát tuần, vì mê mẩn với hương vị đặc biệt của nó, quyết tâm giữ gìn loại danh trà quý hiếm tô đẹp cho đời bằng cách chế biến và ngồi bán trà Hồng Mai trên đường lên Tuyết sơn vào mỗi mùa trẩy hội chùa Hương (từ tháng 1-3 âm lịch). Đó là cụ Bùi Thanh, bán trà không vì tiền bạc! Chỉ bởi cái nghiệp mê trà đeo bám khiến cụ lưu luyến sắc, vị Hồng Mai của người xưa, rồi tâm niệm muốn gìn giữ truyền mãi cho hậu thế. Từ hai năm nay, hội chùa Hương Tích như thiếu đi một nét đẹp bình dị, thanh cao với hình ảnh ông già đầu tóc bạc phơ như lão tiên bên những gói trà Hồng Mai đặc sắc. Cụ Thanh đã về với non xanh nước biếc vùng Hương Tích vào cái tuổi 84, tiếc thay!
Tuy nhiên nghiệp trà Hồng Mai vẫn còn đó, vẫn được con ông, anh Bùi Huyền, kế tục. Song khác với bố, thời buổi kinh tế thị trường không cho phép anh thanh nhàn ngồi bán trà, không còn đủ kiên nhẫn lặn lội lên tận chùa Tuyết như cha. Anh Huyền chỉ bán tại gia theo tâm niệm, ước muốn của cụ Thanh cho những ai thật sự say đắm sắc, vị Hồng Mai. Họ tự tìm đến anh vào mỗi mùa lễ hội. Tôi đã mất gần nửa buổi dọ tìm, hỏi thăm suốt dọc đường leo núi lên “Nam thiên đệ nhất động”, đã tưởng như vô vọng vì không ai biết tới danh trà này. Vào phút chót của cuộc hành trình điền dã, có lẽ nhờ “vong linh” cụ Thanh dẫn đường mới tìm ra anh Huyền bên sạp hàng thuốc Nam ngách đường lên Thiên Trù để mua được danh trà của người xưa, tận thưởng lại cái thú trà thiền, nhâm nhi ẩm thủy tìm cho ra vị “trà mai hương ngọt ngọt” thuở Trạng Trình năm xưa.
Đó đây vùng Hương Tích, thi thoảng những gốc mơ già làm trà Hồng Mai vẫn được bán như một món đặc sản thời quá vãng không còn tìm thấy bất kỳ nơi đâu. Trà Hồng Mai khi pha đòi hỏi nước sôi già đủ 100ºC, pha ủ trong dành tích hàng giờ mới cho đúng hương vị đặc trưng trân quý, như tiền nhân lưu lại qua các áng thi văn bất hủ. Sắc hồng thắm tươi sáng, thơm thơm mùi gỗ trầm huyền ảo pha chút linh diệu rồi đưa đến cái hậu vị thoang thoảng ngọt, thật xứng là một loại danh trà Việt danh bất hư truyền không nơi nào có được!
Ngày nay, cửa thiền đang hồi rộn rịp trở lại trong cảnh thái bình, âu cũng là lúc nên theo gót người xưa tìm lại hương vị “ngọt ngọt” của loại thiền trà độc đáo này. Đó cũng là một cách góp phần phục hưng nền văn minh trà Việt của ông cha.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận