Phóng to |
Ngày càng nhiều nhà máy mọc lên ở các khu công nghiệp miền Trung |
Diễn đàn ra đời với mong muốn tìm kiến một nơi gặp gỡ cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp với chính quyền các tỉnh thành miền Trung, các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học, nhà báo; để trao đổi thông tin, bàn bạc giải pháp, thúc đẩy đầu tư, tìm tiếng nói chung cho nền kinh tế khu vực này nhằm mở ra các cơ hội phát triển.
* Vì hạ tầng giống nhau nên điều dễ nhận thấy ở các tỉnh miền Trung là sự phát triển kinh tế na ná như nhau. Và vì giống nhau về nhiều thứ nên tỉnh nào cũng ra sức tiếp thị, quảng bá hình ảnh của mình và “trải thảm đỏ” mời gọi các nhà đầu tư với những chủ trương, chính sách, cơ chế riêng của địa phương mình, như hạ giá đất cho thuê, kéo dài thời hạn nộp thuế... Chính sự giẫm chân nhau đó đã gây khó khăn cho các nhà đầu tư khi đến bỏ vốn làm ăn tại miền Trung. Ông David Lend - một doanh nhân người Úc - khi đến miền Trung tìm kiếm cơ hội đầu tư xây dựng một nhà máy sản xuất linh kiện điện tử đã phải mất nhiều lần đi lại mà vẫn không thể chọn được chỗ để đặt nhà máy, bởi lẽ tỉnh nào cũng mời ông về với những lời hứa sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho dự án. Nếu chọn tỉnh này thì mất lòng địa phương kia, cuối cùng ông Lend đành đưa nhà máy của mình ra phía Bắc, mặc dù theo ông, nếu đặt nhà máy ở miền Trung thì sẽ thuận lợi hơn về mặt thị trường. * “Với một bờ biển dài và đẹp, miền Trung có rất nhiều thuận lợi trong khai thác và phát triển du lịch biển. Tuy nhiên do hạ tầng giao thông kém, việc đi lại giữa các vùng miền còn quá khó khăn, ách tắc nên du lịch miền Trung chưa thu hút được nguồn khách từ các châu lục”. Ông Kyoshiro Ichikawa (cố vấn về đầu tư của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA) |
Vùng đất giàu tiềm lực
Thiên nhiên khéo kết hợp vẻ đẹp hùng vĩ của núi non với không gian mênh mông của biển cả làm cảnh quan nơi đây trở nên kỳ thú, vừa tạo nên một hệ sinh thái rất đa dạng. Những đặc điểm này là điểm tựa cho ngành du lịch của VKTTĐ miền Trung khởi sắc. Tiềm lực phát triển du lịch của VKTTĐ miền Trung còn bắt nguồn từ vô vàn di sản thâm trầm của quá khứ. Không phải ngẫu nhiên mà dải đất chiếm chưa đầy 1/5 chiều dài đất nước trở thành quê hương của bốn di sản và kiệt tác văn hóa của nước ta được UNESCO công nhận, bao gồm quần thể di tích cố đô Huế, nhã nhạc cung đình Huế, phố cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn.
Tiềm lực và sức mạnh của dải đất miền Trung còn nhờ một phần vào sự ưu ái của chính quyền trung ương về đầu tư và chính sách phát triển, đặc biệt là phát triển công nghiệp. Hàng loạt khu kinh tế lần lượt xuất hiện ở VKTTĐ miền Trung, khởi đầu với Khu kinh tế mở Chu Lai (27.000ha) và tiếp sau đó là Khu kinh tế Dung Quất (10.300ha), Nhơn Hội (10.000ha) và Chân Mây (1.000ha).
Riêng Chu Lai - khu kinh tế mở đầu tiên của cả nước - đã có diện tích xấp xỉ bằng tổng diện tích của 135 khu công nghiệp và khu chế xuất được hình thành trong giai đoạn 1991-2006. Khoản đầu tư 2,5 tỉ USD của Nhà nước cho nhà máy lọc dầu đầu tiên của cả nước ở Dung Quất có vẻ như đã làm cho khu vực này sôi động hẳn lên sau nhiều năm “ngủ đông”. Song song với những chính sách đẩy mạnh phát triển công nghiệp là sự ưu ái về hạ tầng với một loạt sân bay được nâng cấp hay mới đưa vào sử dụng.
Có lẽ không ở nơi nào trên cả nước mật độ cảng hàng không và cảng biển (trong đó có nhiều cảng nước sâu) lại san sát như ở đây.
Trừ Quảng Ngãi phải “dùng nhờ” sân bay Chu Lai của Quảng Nam thì bốn tỉnh còn lại tỉnh nào cũng có sân bay của riêng mình, mặc dù cung độ khoảng cách giữa hai tỉnh lân cận chỉ trên dưới 100km. Tỉnh nào cũng có (và sẽ có thêm theo qui hoạch) vài cảng nước sâu, trong đó cá biệt như Quảng Ngãi, chỉ riêng Dung Quất cũng đã có tới bốn cảng nước sâu.
Tiềm lực còn ngủ quên
Phóng to |
Từ những năm 1990, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đi khảo sát hệ thống cảng biển miền Trung để lên kế hoạch phát triển vùng đất này |
Điều tương tự cũng đúng với vốn FDI: FDI của cả năm tỉnh thành thuộc VKTTĐ miền Trung trong khoảng thời gian 2000-2005 thua xa Hà Nội và chỉ bằng phân nửa Bình Dương.
Có hai biểu hiện nữa của tình trạng kém phát triển của VKTTĐ miền Trung so với hai VKTTĐ còn lại. Thứ nhất là tỉ lệ hộ nghèo chung và nghèo về lương thực của miền Trung cao hơn mức trung bình cả nước. Thứ hai là tình trạng di cư. Miền Trung là nơi có tỉ lệ di cư cao nhất cả nước. Lý do di cư quan trọng nhất là tình trạng thiếu cơ hội việc làm ở địa phương, mức sống thấp và thiếu đất canh tác... Điều đáng lo ngại là những người có trình độ cao thường có xác suất di cư cao, dẫn đến tình trạng thiếu nhân công có kiến thức và trình độ kỹ thuật.
Phóng to |
Tại sao tiềm lực còn ngủ yên?
Nguyên nhân đầu tiên là giáo dục và dạy nghề, cụ thể là học vấn và trình độ kỹ thuật của lực lượng lao động. Tỉ lệ lao động của VKTTĐ miền Trung có mức học vấn thấp hơn mức trung bình của cả nước và thấp hơn nhiều so với hai VKTTĐ phía Bắc, phía Nam. Trình độ kỹ năng của lao động cũng vậy.
Phóng to |
Nguyên nhân thứ hai là sự thiếu hụt về cơ sở hạ tầng (CSHT) điện, nước, đường sá, viễn thông, Internet... Bên cạnh đó, sự dư thừa công suất về cảng biển và sân bay cũng là một nguyên nhân dẫn tới sự kém hiệu quả trong khai thác CSHT. Trong các cảng tổng hợp của miền Trung có lẽ chỉ có cảng Quy Nhơn và Đà Nẵng tiệm cận tới mức độ hiệu quả, còn các cảng khác đều rơi vào tình trạng dư thừa công suất. Thêm vào đó, lưu ý rằng Sài Gòn hay Bà Rịa - Vũng Tàu mới là nơi có nhiều khả năng nhất để đón nhận tàu mẹ (mother feeders), và điều này đẩy các cảng biển miền Trung vào vị thế bất lợi về chi phí và cạnh tranh.
Phóng to |
Mỗi tỉnh miền Trung có nên có một cảng biển? |
Việc CSHT vừa thiếu vừa thừa đặt ra một câu hỏi lớn về vai trò của hợp tác và liên kết vùng. Tuy nhiên đến nay có rất ít thảo luận về cách thức hợp tác và liên kết vùng sao cho khả thi và hiệu quả.
Trở ngại đầu tiên xuất phát từ tâm lý và động cơ của các tỉnh thành trong VKTTĐ miền Trung. Rõ ràng là tỉnh nào cũng muốn vượt lên trước, trở thành đầu tàu tăng trưởng của miền Trung, và để đạt được điều này trong bối cảnh kinh tế và thể chế hiện nay, các tỉnh nhiều khi phải cạnh tranh trực diện một cách gay gắt với nhau, và một khi đã có sự xung đột về lợi ích thì khó có thể nói tới sự hợp tác chân thành.
Chúng ta từng chứng kiến các cuộc chạy đua xuống đáy trong việc tăng ưu đãi để thu hút đầu tư, các dự án nhà máy mía đường mọc lên khắp miền Trung... và không có người thắng cuộc mà tất cả đều thua cuộc. Để khuyến khích hợp tác và giảm bớt cạnh tranh trực diện đòi hỏi các tỉnh phải xác định được các ưu thế và năng lực cơ bản của mình.
Chẳng hạn hai tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi tập trung nhiều hơn vào sản xuất công nghiệp (đặc biệt là công nghiệp nặng); Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam, với lợi thế nổi trội về du lịch và di sản văn hóa, sẽ phát triển thiên về du lịch. Đà Nẵng muốn thật sự trở thành tâm điểm phát triển của cả vùng thì không nên (và cũng không cần) cạnh tranh trực diện với các tỉnh xung quanh, mà với lợi thế sẵn có về vị trí, thế vị, nguồn nhân lực, nên biến mình trở thành một trung tâm dịch vụ nhằm hỗ trợ sự phát triển của cả vùng.
Các tỉnh trong vùng có thể cùng hợp tác để cùng phát triển CSHT (với sự trợ giúp của Chính phủ); qui hoạch công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và dân cư; cùng nhau thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch; cùng nhau xây dựng thương hiệu cho VKTTĐ miền Trung...
Miền Trung đã có con đường di sản văn hóa như một gạch nối giữa quá khứ và hiện nay, thì nay cũng cần những con đường cao tốc và đường du lịch ven biển để nối kết các tỉnh thành với nhau và với cả nước. Hai dự án này nên được coi là những dự án có thứ bậc ưu tiên cao trong chiến lược phát triển của VKTTĐ miền Trung nói riêng và toàn bộ miền Trung nói chung.
* Miền Trung VN gồm 14 tỉnh thành từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, chiếm khoảng 29,1% dịên tích tự nhiên và 23,3% dân số cả nước. Miền Trung có nhiều lợi thế so sánh về vị trí địa lý, tài nguyên khoáng sản, tiềm năng phát triển công nghiệp và du lịch so với các vùng khác của đất nước. Mạng lưới giao thông đường bộ đã được đầu tư khá hoàn chỉnh. Hệ thống cảng biển, trong đó có bốn cảng nước sâu, đã hình thành. Hệ thống sân bay từng bước được nâng cấp phục vụ giao thông quốc tế và trong nước đến các tiểu vùng. Hệ thống các khu kinh tế đang trong quá trình hình thành và phát triển (21 KCN, KCX; bảy khu kinh tế) trở thành lực hấp dẫn mạnh đối với các nhà đầu tư. (Nguồn: UBND TP Đà Nẵng) * Mặc dù nhiều địa phương mong muốn mở cảng và đó là một nhu cầu chính đáng, song quan điểm vẫn phải là đầu tư có trọng điểm. Cụ thể, trong qui hoạch tổng thể hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2010 của Thủ tướng phê duyệt, khu vực miền Trung chỉ đầu tư năm cảng trọng điểm là Cửa Lò, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang và cảng chuyên dùng Dung Quất. Trong vùng miền Trung có chín sân bay: Vinh (Nghệ An), Đồng Hới (Quảng Bình), Phú Bài (TT-Huế), Đà Nẵng, Chu Lai (Quảng Nam), Phù Cát (Bình Định), Đông Tác (Phú Yên), Nha Trang và Cam Ranh (Khánh Hòa). Những năm qua đã có chủ trương khôi phục và nâng cấp các sân bay Đồng Hới (Quảng Bình), Phú Bài (Huế), Cam Ranh (Khánh Hòa), sân bay Đà Nẵng thành sân bay quốc tế. (Nguồn: Bộ KH-ĐT) * Biển là một tài nguyên vô giá của du lịch miền Trung, với bờ biển dài hàng ngàn kilômet với các bãi cát trắng, nước trong xanh nổi tiếng như Mũi Né, Ninh Chữ, Nha Trang, Dốc Lếch, Đại Lãnh, Sa Huỳnh, Non Nước, Lăng Cô, Cửa Tùng, Thiên Cầm, Cửa Lò... Trong đó bãi biển Non Nước (Đà Nẵng) được bầu chọn là một trong sáu bãi biển đẹp nhất hành tinh. Vịnh Nha Trang được bầu chọn là một trong mười vịnh đẹp nhất thế giới. Các bãi biển từ Khánh Hòa đến Bình Thuận có thể tắm được quanh năm không bị ảnh hưởng bởi thời tiết. * “Chính phủ đang có chiến lược tập trung phát triển các tỉnh ven biển, nhưng bờ biển ở mỗi tỉnh miền Trung tương đối ngắn nên rất cần sự liên kết với nhau. Không thể mỗi tỉnh một cảng lớn được mà phải có sự chọn lựa, chỉ cần có 1-2 cảng thật lớn để giải quyết tất cả vấn đề quan trọng về vận tải, xuất nhập khẩu hàng hóa cho các tàu có công suất lớn. Tương tự, mỗi tỉnh không thể có một sân bay mà phải làm sân bay lớn cho cả miền Trung để thu hút nhiều hãng hàng không nước ngoài vào đầu tư”. Bà Phạm Chi Lan (chuyên gia kinh tế của Chính phủ) * “Các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Hải Phòng, TP.HCM, Hà Nội đang gặp nhiều khó khăn trong phát triển công nghiệp vì khan hiếm nguồn lao động và không có mặt bằng rộng lớn. Xây dựng các nhà máy cần nhiều diện tích và số lượng công nhân đông. Rõ ràng nếu các nhà đầu tư Mỹ đầu tư các dự án qui mô lớn vào Việt Nam thì họ phải lựa chọn miền Trung. Và Dung Quất là một địa chỉ ấn tượng để thu hút các doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp nặng”. Ông Seth D. Winnick (tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM) * “Có lẽ ai cũng nhận thấy tầm quan trọng của việc liên kết phát triển, nhưng những việc làm thực tế để đẩy mạnh sự hợp tác giữa các địa phương miền Trung vẫn còn rất hạn chế. Thể hiện trên rất nhiều lĩnh vực: phát triển du lịch, xúc tiến đầu tư, triển khai các dự án qui hoạch, phát triển cảng biển, sân bay, khu công nghiệp, khu kinh tế... Nguyên nhân không chỉ từ phía các địa phương mà còn từ phía các cơ quan trung ương trong việc triển khai xây dựng các cơ chế chính sách chung hoặc kết nối qui hoạch giao thông, kinh tế - xã hội”. Ông Trần Văn Minh (chủ tịch UBND TP Đà Nẵng) |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận