01/01/2018 10:27 GMT+7

Đánh thức sự tử tế trong năm 2018, làm được không?

TUỔI TRẺ giới thiệu
TUỔI TRẺ giới thiệu

TTO - Năm mới 2018, nhiều bạn đọc đã bày tỏ mong muốn sự tử tế được đánh thức trong mỗi người để xã hội giảm đi những chuyện đau lòng như tai nạn giao thông, bạo hành y tế, mất niềm tin vào giáo dục…

Đánh thức sự tử tế trong năm 2018, làm được không? - Ảnh 1.

Đau thương giảm hẳn trên đường

Năm mới, tôi ước mong phố phường mình không còn cảnh kẹt xe và tai nạn giao thông giảm hẳn - để cho tôi, cho mọi người khi tham gia giao thông trở về nhà được bình an trong nụ cười với gia đình.

Có nhiều nguyên nhân của tình trạng kẹt xe hay tai nạn giao thông, trong đó có nguyên nhân từ sự giám sát luật lệ giao thông không nghiêm minh của những người nhũng nhiễu mãi lộ, từ các chủ xe tham lam bắt tài xế chạy ngày chạy đêm chở hàng quá tải, những trường đào tạo tài xế qua loa hoặc những kẻ làm bằng lái giả, những kẻ vì tiền mà kiểm định phương tiện không nghiêm, các phòng khám sức khỏe tài xế chỉ chú trọng thu tiền mà không khám thấu đáo...

Có giải pháp gì để ngăn chặn các nguyên nhân trên? Thật ra, nó thuộc phạm trù đạo đức, nhân cách và cách sống của những người có liên quan đến lĩnh vực giao thông. Chỉ cần họ làm đúng trách nhiệm, không mờ mắt vì tiền bạc là được. Xã hội chúng ta ngày càng xuất hiện thêm nhiều người sống tử tế như anh tài xế taxi, các cô giáo... nhặt được tiền mà không tham của rơi. 

Hi vọng họ là tấm gương cho những người luôn tìm cách kiếm những đồng tiền bất chính, soi rọi mình mà sống cho tử tế để góp phần tạo nên một xã hội tử tế, cho cảnh đau thương giảm hẳn trên đường.

Tài xế Trần Kiêm Hạ 

Đánh thức sự tử tế trong năm 2018, làm được không? - Ảnh 2.

Nhân văn hơn với ngành y

Với đặc thù nghề nghiệp, mơ ước lớn nhất của cá nhân tôi trong năm 2018 là không còn nhìn thấy những chuyện đau lòng liên quan đến ngành y như thời gian vừa qua, đặc biệt là vấn nạn bạo hành y tế. Bệnh tật là một nỗi khổ cho bệnh nhân, thầy thuốc chính là người có trách nhiệm xoa dịu nỗi đau khổ đó, nguyên cớ gì khiến người ta lại quay lưng ghẻ lạnh với những bàn tay đang chìa ra giúp đỡ mình?

Có lẽ nguyên nhân đến từ cả hai phía. Để có một cái nhìn thấu hiểu hơn, cần có những nghiên cứu trên diện rộng đánh giá đầy đủ thực trạng, từ đó mới có thể có những giải pháp mang tính khả thi. 

Tuy nhiên, để bệnh nhân và bác sĩ không còn ở hai bên chiến hào mà đứng về một phía trong cuộc chiến chống bệnh tật, đòi hỏi phải có một nỗ lực đến từ hai bên, và quan trọng nhất là sự công tâm của những người làm công tác truyền thông. 

Cách đưa tin đầy thiên kiến của một số trang mạng trong thời gian qua, theo tôi, đã góp phần đào sâu thêm hố ngăn cách giữa bệnh nhân và thầy thuốc.

Dù vấn nạn bạo hành y tế có khuynh hướng gia tăng trong thời gian vừa qua, tôi tin rằng với bản chất thiện lương truyền thống của xã hội và con người Việt Nam, chúng ta sẽ nhanh chóng vượt qua được giai đoạn thử thách này, nếu sự tử tế được đánh thức đúng mức ở mỗi người để xử sự nhân văn hơn một khi có sự cố y khoa xảy ra.

BS Võ Phạm Trọng Nhân (Bến Tre)

Đánh thức sự tử tế trong năm 2018, làm được không? - Ảnh 3.

Môi trường giáo dục trong sạch

Năm mới, xin nói về một ước mong đã cũ: mong cho nền giáo dục nước nhà có những thay đổi bứt phá về chất. Mặc dù đã có nhiều cải cách nhưng cho đến nay nền giáo dục Việt Nam vẫn còn trì trệ khiến xã hội mất niềm tin vào ngành giáo dục. 

Nếu không chấn hưng nền giáo dục, Việt Nam sẽ mãi tụt hậu so với thế giới. Về điều này, tôi rất tâm đắc câu nói của cựu thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu: "Nếu thắng trong cuộc đua giáo dục, sẽ thắng trong phát triển kinh tế".

Muốn chấn hưng giáo dục, trước hết phải xác định rõ triết lý giáo dục Việt Nam trong thời đại ngày nay nhằm đào tạo ra những con người như thế nào để từ đó xây dựng chương trình và phương pháp giáo dục phù hợp. 

Thứ hai, phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giáo dục, bao gồm chất lượng đời sống, trình độ chuyên môn và tư cách người thầy. Trong đó, chất lượng đời sống là rất quan trọng.

Phải "nâng giá" nghề giáo bằng một chế độ lương bổng thỏa đáng, có cơ chế thi tuyển đầu vào cao... Có xây dựng được vị thế, chân dung nhà giáo trong thời đại mới thì mới mong cải cách giáo dục và đẩy lùi những tiêu cực, để môi trường giáo dục thực sự trong sáng, lành mạnh.

TS Trần Thị Mai Nhân (Hàn Quốc)


"Người Việt đẹp" thay "người Việt xấu xí"

30-12 lê thiên hương 1(read-only)

Tôi mong cụm từ "người Việt đẹp" sẽ sớm thân thuộc với mỗi chúng ta, thay cho cụm từ "người Việt xấu xí" được nhắc nhiều trong thời gian qua. Tôi mong mỗi chúng ta hãy tự hào là người Việt.

Dân tộc chúng ta cũng như mọi dân tộc khác, có những thói hư tật xấu nhưng cũng có rất nhiều phẩm chất đặc trưng cho tính cách Việt. Những thói hư tật xấu cần tiếp tục chỉ ra và phê phán để sửa đổi nhanh, nhưng đừng vì thế mà chúng ta để bản thân tự ti khi mang dòng máu Việt.

Hãy nhìn cuộc sống quanh ta, có bao điều tốt đẹp và nhân văn đang diễn ra hằng ngày. Chúng ta hãy kể nhiều hơn những câu chuyện về phẩm chất tốt đẹp của người Việt Nam, để năm 2018 thực sự là một năm xây dựng hình ảnh "người Việt đẹp".

TS Lê Thị Thiên Hương (Pháp)

Tặng nhau "quà cười"

tran minh trong 010118 1(read-only)

Năm mới, tôi mong mọi người hãy tạo cho mình một thói quen mới: tặng "quà cười" cho mỗi người bạn gặp. Nở một nụ cười chân thành không chỉ là một hành động lịch sự với người khác mà còn là hành vi tử tế với chính mình, bởi "Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ".

Để làm được điều này, hãy thử đếm số lần và cách thức bạn đã mang lại tiếng cười cho người khác, ghi lại các "tác nhân" khiến bạn cười như: những ký ức hạnh phúc, những câu nói hài hước của chính bạn, những câu chuyện, bộ phim, người thân đã làm bạn "cười đau bụng"...

Trần Minh Trọng (TP.HCM)

TUỔI TRẺ giới thiệu
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên