01/10/2014 14:37 GMT+7

​“Đánh thức” lịch sử

VÕ VĂN THÀNH
VÕ VĂN THÀNH

TT - Tài liệu mật trong các kho lưu trữ khi được sử dụng đã góp phần rọi sáng những chi tiết lịch sử tưởng như đã mờ theo thời gian.

Tài liệu lưu trữ liên quan đến phong trào dân tộc dân chủ  ở Nam kỳ 1930-1945 được công bố trong công trình nghiên cứu của TS Phạm Thị Huệ
Tài liệu lưu trữ liên quan đến phong trào dân tộc dân chủ ở Nam kỳ 1930-1945 được công bố trong công trình nghiên cứu của TS Phạm Thị Huệ

Một sáng sớm mùa thu năm 2012, có người đàn ông trung niên gõ cửa phòng cục trưởng Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Văn Lanh.

“Bố tôi tham gia hoạt động cách mạng từ trước năm 1945, bị mật thám Pháp bắt và gia đình không có bất cứ thông tin nào kể từ đó. Chúng tôi đã đi nhiều nơi để tìm thông tin nhưng không được, hôm nay đến đây hi vọng các đồng chí cán bộ lưu trữ của Đảng có thể giúp” - người đàn ông nói.

Từ hồ sơ mật thám Pháp

Trong nhiều năm làm công việc của mình, ông Nguyễn Văn Lanh đã gặp không ít trường hợp tương tự.

Gia đình biết rõ ông bà, cha mẹ họ tham gia hoạt động cách mạng trước năm 1945. Nhưng trong hoàn cảnh hoạt động bí mật lúc bấy giờ, có nhiều trường hợp sau khi bị mật thám Pháp bắt và đưa đi đày thì coi như mất tích, không còn tài liệu để xác minh thông tin và tiến hành làm chính sách.

“Chúng tôi có thể trả lời gia đình họ là không có tài liệu xác minh. Đúng như thế thật. Tuy nhiên bằng cái tâm của người làm nghề lưu trữ, chúng tôi biết tuy tài liệu lưu trữ của ta không có, nhưng nếu tìm trong khối tài liệu do chính quyền thực dân Pháp ban hành hiện đang bảo quản tại các kho lưu trữ thì sẽ có hi vọng. Những người trong nghề đều biết rằng hồ sơ của mật thám Pháp thường được làm rất bài bản, ghi rõ lời khai, lý lịch, chức vụ của các nhân vật có liên quan” - ông Lanh nói.

Bằng cách khai thác hồ sơ mật thám Pháp để lại, Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng đã cung cấp trích xuất tài liệu để góp phần làm rõ hồ sơ hoạt động cách mạng trước năm 1945 của nhiều vị lão thành cách mạng, trong đó có trường hợp thân phụ của người đàn ông trung niên nêu trên.

Mỗi khi được “đánh thức”, khối tài liệu thời kỳ Pháp cai trị Đông Dương luôn giúp các nhà nghiên cứu hôm nay những nguồn thông tin quý giá trong việc nghiên cứu, tìm hiểu từng chi tiết lịch sử.

Trong những năm gần đây, có thể kể đến công trình nghiên cứu chuyên khảo về “Phong trào dân tộc dân chủ ở Nam kỳ 1930-1945” của TS Phạm Thị Huệ (nguyên giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV).

Qua việc khai thác kỹ lưỡng các nguồn tài liệu lưu trữ - nhất là tài liệu của chính quyền thực dân Pháp, TS Huệ đã làm “sống dậy cả một phong trào lịch sử” như nhận xét của nhà sử học Lê Văn Lan.

Từ bức tranh toàn cảnh về cuộc khởi nghĩa Nam kỳ, về sự hình thành cũng như hoạt động của hai xứ ủy Tiền Phong và Giải Phóng (giai đoạn 1941-1945), cho đến một số chi tiết cụ thể liên quan đến nhà cách mạng - giáo sư Trần Văn Giàu...

Đã 80 năm trôi qua, biết bao nước chảy qua cầu nhưng khi đọc công văn (số 680 ngày 29-7-1935) của giám thị trưởng gửi giám đốc Khám lớn Sài Gòn, nhiều người đều xúc động cho biết nhà cách mạng Trần Văn Giàu trong khi bị tòa án Sài Gòn xử 5 năm tù đã tổ chức một cuộc đấu tranh bằng hình thức tuyệt thực ở nhà lao này.

Đáp lại yêu sách của tù nhân, giám đốc nhà lao đã phê “phạt Trần Văn Giàu và những người làm reo 30 ngày xà lim. Cho đến khi có lệnh mới, cắt hết mọi thăm nuôi và tiếp tế lương thực từ ngoài gửi vào”.

Một phần giá trị trong công trình nghiên cứu của TS Phạm Thị Huệ là các phụ lục thống kê về số lượng người bị bắt, bị kết án, bị xử tử hình vì “hoạt động chính trị có khuynh hướng lật đổ” tại Nam kỳ, số lượng người bị tù, bị chết ở nhà lao Côn Đảo, và cả bảng thống kê về việc Đảng Cộng sản tại Nam kỳ phát hành báo chí.

Công văn mật của đốc phủ sứ Trà Vinh (năm 1939) đã phần nào thể hiện rõ sự lo ngại về phong trào báo chí công khai ở Nam kỳ lúc này: “Cái hệ quả tức thời nhất là những tờ báo này đã kích động được mọi người và đồng thời nó ấn vào đầu óc dân chúng những cái ý niệm, ý thức phiến loạn...”.

Liên quan đến khối tài liệu lưu trữ nêu trên, hiện nay riêng phông Phủ thống đốc Nam kỳ (1858-1945) đang được nghiên cứu, xây dựng hồ sơ đề cử vào danh mục di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO.

Bút tích trang cuối báo cáo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc gửi Quốc tế Cộng sản ngày 18-2-1930 (tài liệu lưu tại kho lưu trữ Trung ương Đảng)
Bút tích trang cuối báo cáo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc gửi Quốc tế Cộng sản ngày 18-2-1930 (tài liệu lưu tại kho lưu trữ Trung ương Đảng)

Sưu tầm tài liệu mật từ nước ngoài

Khối di sản đang được bảo quản tại kho lưu trữ Trung ương Đảng không chỉ có một nguồn duy nhất trong nước. Những năm đầu thập niên 1990, một số cán bộ lưu trữ của nước ta được giao nhiệm vụ ít người biết. Đó là tìm đến nước Nga xa xôi, giá rét để tiếp cận kho lưu trữ của Quốc tế Cộng sản.

Ông Lanh cho biết kho lưu trữ Quốc tế Cộng sản có hàng trăm nghìn đơn vị bảo quản với 90 ngôn ngữ. Bộ tài liệu quý hiếm của Quốc tế Cộng sản được lưu giữ dưới chế độ “tuyệt mật” và chỉ đến sau năm 1991 độc giả bên ngoài mới tiếp cận được.

Đây cũng chính là khoảng thời gian ta đã tổ chức nhiều đợt sưu tầm tài liệu về Đảng, về Bác Hồ ở Nga, Pháp, Trung Quốc... và một số nước khác.

“Riêng ở Mỹ thì ta đã sang làm việc với Tổng cục Lưu trữ Hoa Kỳ, tiếp cận kho lưu trữ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, nhưng chưa khai thác được nhiều” - ông Lanh nói.

Theo ông Lanh, các tài liệu đã sưu tầm từ lưu trữ của Quốc tế Cộng sản chứa đựng những thông tin vô cùng quý giá, góp phần làm sáng tỏ hơn nhiều vấn đề quan trọng trong lịch sử Đảng. Đơn cử như “Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản” bằng tiếng Anh của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (đề ngày 18-2-1930).

Báo cáo này giúp làm rõ nhiều chi tiết lịch sử, đặc biệt là vai trò chủ động của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong việc triệu tập Hội nghị thành lập Đảng diễn ra tại Hương Cảng, và đây cũng là cứ liệu đáng tin cậy nhất về thời gian diễn ra hội nghị (liên quan đến ngày thành lập Đảng) trong số các tư liệu hiện có...

“Đó chỉ là một ví dụ trong số hàng nghìn tư liệu mà chúng ta sưu tầm được từ nước ngoài. Những tư liệu này đã được công bố để phục vụ công tác xuất bản bộ Văn kiện Đảng toàn tập” - ông Lanh cho biết.

Với các cán bộ của Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, việc xuất bản bộ Văn kiện Đảng toàn tập là một cột mốc quan trọng đối với công tác giải mật tài liệu kho lưu trữ Trung ương Đảng. Hội đồng xuất bản đã tiến hành giải mật đến từng tài liệu.

Hàng trăm tài liệu văn kiện có độ mật từ mật đến tối mật, cá biệt có tài liệu tuyệt mật đã được giải mật.

Cầm trên tay những cuốn sách dày dặn của bộ văn kiện này, ông Phan Diễn - nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên thường trực Ban Bí thư trung ương - nhớ lại chủ trương xuất bản đã được Bộ Chính trị, Ban Bí thư bắt đầu thảo luận trong những năm 1994-1995, đến năm 1998 xuất bản lần thứ nhất.

“Khi bàn chủ trương cũng có nhiều ý kiến, tuy nhiên về cơ bản đều thống nhất việc xuất bản phải công bố tương đối đầy đủ các văn kiện” - ông Phan Diễn nói.

Ông Phan Diễn giải thích thêm có những tài liệu trước đây chỉ cấp có thẩm quyền mới được tiếp cận, nhưng khi thực hiện chủ trương nêu trên thì hội đồng xuất bản đã cho phép công bố để góp phần phản ánh một cách khách quan lịch sử theo trình tự thời gian...

Ngoài ra, còn rất nhiều tài liệu khác lần đầu tiên được hệ thống theo lịch trình và được công khai, như các quyết định quan trọng trong chiến tranh vệ quốc, các quyết định đi đến Tổng tấn công mùa xuân năm 1975, những quyết định về cải cách ruộng đất...

Việc xuất bản bộ Văn kiện Đảng toàn tập đã “mở” ra một phần tài liệu lưu trữ mật, nhưng khi công tác xuất bản hoàn thành thì kho lưu trữ cũng “đóng” lại với công chúng, vì lúc này chưa có văn bản riêng quy định về giải mật tài liệu.

Phải nhiều năm sau, hành lang pháp lý cho việc bạch hóa tài liệu lưu trữ mật mới được hình thành.

_________

Kỳ tới: Nhiệm vụ đặc biệt giữa Matxcơva

VÕ VĂN THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên