16/04/2022 15:38 GMT+7

Đánh thức dòng sông giữa lòng thành phố

CHUNG THANH HUY
CHUNG THANH HUY

TTO - Cần tận dụng hai bên sông Sài Gòn tạo cảnh quan và không gian xanh thông suốt, công trình cộng đồng, phát triển văn hóa, thu hút du lịch. Xây dựng các dải công viên cây xanh và nơi sinh hoạt cộng đồng để ai cũng có thể dạo bộ, đi xe đạp...

Đánh thức dòng sông giữa lòng thành phố - Ảnh 1.

Công viên bến Bạch Đằng - Ảnh: tác giả cung cấp

Sài Gòn - TP.HCM hình thành và phát triển bên một con sông lớn tương tự mô hình nhiều đại đô thị trên thế giới như: Venice (Ý), Paris (Pháp), London (Anh), Thượng Hải (Trung Quốc)…

Khi những nơi này đã thành công, trở thành đô thị phát triển, có điểm nhấn riêng hài hòa cùng sông nước, thì định hướng phát triển TP.HCM ở tầm vóc tương tự vừa nhiều cơ hội nhưng cũng đầy thách thức.

Kinh nghiệm quy hoạch sông ở một số quốc gia

Từ xa xưa, đi cùng với sự xuất hiện của con người, chính những dòng nước đã đem lại nền tảng cho sự sống, xây dựng nên những nền văn minh nhân loại. Hơn thế nữa, các thành phố ven sông hàng đầu thế giới đều cho thấy bài học kinh nghiệm về công tác quy hoạch không gian hai bên bờ sông, đảm bảo sự thuận tiện về thủy lợi, nét hài hòa trong kiến trúc, cũng như lợi ích chung của toàn xã hội.

Venice là ví dụ điển hình của một đô thị thân thiện với người dân. Bởi các nhà quy hoạch xem người dân là trung tâm của tư tưởng thiết kế và xây dựng thành phố.

Còn tại Paris, chính quyền đã phân bố các công viên ra những khu vực khác nhau của thành phố. Về giao thông, lấy sông Seine làm trung tâm, nhiều cây cầu được xây dựng để kết nối hai bờ, đảm bảo nét hài hòa trong kiến trúc cũng như lợi ích chung của xã hội.

Trong khi đó, từ lịch sử của London, thành phố ven sông Thames, chúng ta có thể đúc rút bài học cho sự phát triển ổn định, không bị manh mún. Bộ máy quản lý đô thị với cơ chế và công cụ kiểm soát hiệu quả đóng vai trò then chốt trong quá trình phát triển thành phố.

Cũng vậy, Thượng Hải với sông Hoàng Phố chia đôi bờ. Ở bờ Tây được quy hoạch những tuyến đường huyết mạch, phát triển mạng lưới giao thông công cộng, phố đi bộ. Ngày nay, bờ Tây đậm dấu ấn lịch sử, được bảo tồn hầu như nguyên vẹn, còn bờ Đông là một khu phát triển rất hiện đại.

Thực tế cho thấy, tầm ảnh hưởng rõ nét đối với chính sách phát triển không gian mở, không gian công cộng của mọi thành phố ven sông. Trong đó mẫu số chung đều là hướng đến sự cân bằng giữa yếu tố nhân tạo với yếu tố tự nhiên - cách ứng xử với những con sông chảy qua đô thị.

Quy hoạch đồng bộ đôi bờ

Bên cạnh nguy cơ bờ bị xói lở theo quy luật tự nhiên của dòng chảy, dải đất dọc bờ sông Sài Gòn hiện nay còn dễ bị chiếm dụng và xây dựng tùy tiện. Quỹ đất và mặt nước bị lãng phí, cảnh quan sông nước bị hủy hoại, trong khi dân cư mất cơ hội tiếp cận không gian xanh của sông nước. Điều này cho thấy tính cấp thiết của việc sớm cải tạo hai bờ sông để tận dụng hết giá trị.

Vì lẽ đó, cảnh quan đôi bờ cần được thiết kế, quy hoạch trên bức tranh tổng thể từ thượng nguồn tới hạ nguồn. Trên nguyên tắc là có hai đường song hành hai bên bờ sông vừa phục vụ đi bộ, vừa có đường cho phương tiện cơ giới di chuyển, ở giữa là công viên.

Lộ giới bờ sông quy định linh hoạt, dao động từ nơi ít nhất là 50m cho tới nơi 200m sẽ quyết định giải tỏa như thế nào, những khu vực nào đầu tư cái gì…

Dọc sông Sài Gòn không chỉ có công viên, văn hóa, lịch sử mà phải bao gồm cả vấn đề kinh tế biển, kết nối giao thông đường thủy với đường bộ, đường sắt, metro…

Đẩy mạnh việc quy hoạch và phát triển không gian văn hóa công cộng dọc theo đôi bờ sông nhằm giúp người dân đô thị giảm stress, giải tỏa những áp lực cuộc sống. Đây chính là cơ hội để tạo nên nét độc đáo và bản sắc của một thành phố, là yếu tố nối kết cộng đồng, làm cho người dân gắn bó với thành phố, nơi mình đang sống, học tập và làm việc nhiều hơn.

Phát triển mảng xanh đô thị

Theo Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật - Sở Xây dựng TPHCM, toàn thành phố hiện có 508,561ha đất công viên, chỉ tiêu đất công viên công cộng của TP.HCM chỉ đạt bình quân 0,55m2/người. Mức này thấp hơn nhiều so với quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt là 6,3m2/người đến năm 2025.

Do đó, cần tận dụng hai bên sông Sài Gòn tạo cảnh quan và không gian xanh thông suốt, công trình phục vụ cộng đồng, phát triển văn hóa, thu hút du lịch. Xây dựng các dải công viên cây xanh và nơi sinh hoạt cộng đồng để ai cũng có thể dạo bộ, đi xe đạp, ngắm cảnh, du lịch...

Phát triển mảng xanh hai bên sông Sài Gòn sẽ thuận lợi, có giá trị về lâu dài như hạn chế giải tỏa nhà dân và tốn kém trong đền bù giải phóng mặt bằng vì phần lớn là đất công; vị trí thích hợp trong quy hoạch kết hợp khai thác thu hút du lịch và phát triển văn hóa; mở rộng không gian phục vụ cộng đồng, nâng cao chất lượng sống cho người dân; bảo vệ nguồn nước mặt phục vụ cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân thành phố và các khu vực lân cận.

Tối đa hóa khả năng tiếp cận của người dân theo nhiều cách: từ bơi lội, câu cá đến cắm trại, dã ngoại… Chú trọng vào chức năng cảnh quan, công cộng, đi bộ và kết nối các công trình lịch sử.

Đây chính là cơ hội để giải quyết bài toán thiếu diện tích công cộng, cây xanh mà lâu nay đông đảo chính quyền và người dân thành phố đang trăn trở. Tuy nhiên, không nên xây dựng dàn trải mà nên xem xét tùy theo từng đoạn mà quy hoạch phù hợp, có các công trình điểm nhấn, công trình công cộng, văn hóa, lịch sử làm điểm đến du lịch.

Đa dạng các loại hình du lịch

Mặc dù tiềm năng lớn nhưng du lịch trên sông Sài Gòn vẫn còn hạn chế. Thiếu sự đầu tư cho phương tiện, bến bãi và nhân sự. Tình trạng lấn chiếm bờ sông, chưa quy hoạch đồng bộ, ô nhiễm dòng chảy đang cản trở du lịch phát triển. Các loại hình du lịch chỉ dừng lại ở buýt trên sông, ăn tối trên du thuyền...

Tuyến buýt trên sông Sài Gòn vẫn còn đơn điệu. Suốt hơn 10km đường sông nhưng không có hướng dẫn viên thuyết minh hoặc video clip giới thiệu. Hơn thế nữa, đã có đề án du lịch đường sông mà gần như phải bỏ vì ô nhiễm.

Cần đa dạng các loại hình du lịch để thu hút du khách gần xa như: du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, nghiên cứu, thể thao dưới nước, MICE.

Tổ chức các tour tham quan các công trình, kiến trúc nghệ thuật, lịch sử văn hóa; trải nghiệm làng nghề truyền thống; ngắm bình minh, hoàng hôn trên sông; tham gia bắt cá, chài lưới cùng người dân ven sông; chợ nổi.

Dọc bờ sông cần có các dịch vụ đi kèm như tham quan, lưu trú, nghỉ chân, mua sắm, giải trí…

Nhằm khai thác hiệu quả du lịch đường sông, ngoài hạ tầng, thành phố cần có đội ngũ phục vụ có nghiệp vụ du lịch đường sông chuyên nghiệp chứ không đơn thuần chỉ là người lái thuyền, lái tàu hay soát vé và phải có hướng dẫn viên, những người có thể xử lý được khi sự cố xảy ra để đảm bảo an toàn cho du khách.

Để đạt được mục tiêu đề ra, thành phố cần triển khai đồng bộ những giải pháp như sau: xây dựng cơ chế tài chính, tích hợp các nguyên tắc tài chính, đất đai đặc thù.

Quản lý thực hiện, khuyến khích và tạo điều kiện hợp tác công - tư, trước mắt ưu tiên đầu tư tại khu vực trung tâm văn hóa lịch sử hiện hữu, đầu tư các công trình hạ tầng hiện có như đường sắt đô thị, cầu qua sông, đường ven sông...

Phân vùng không gian kiến trúc cảnh quan thượng lưu, trung lưu, hạ lưu và nguyên tắc thiết kế không gian mang đặc trưng và hiện trạng mỗi vùng, phát huy tối đa giá trị dòng sông.

Đánh thức dòng sông giữa lòng thành phố - Ảnh 2.

Đồ hoạ: NGỌC THÀNH

Hiến kế phát triển sông Sài Gòn: Để sông Sài Gòn tiếp tục Hiến kế phát triển sông Sài Gòn: Để sông Sài Gòn tiếp tục 'ban phúc lành cho trăm họ'

TTO - Sông Sài Gòn là tặng vật của thiên nhiên dành cho TP.HCM và khu vực. Nhưng suốt một thời gian dài, dòng sông đang 'ngủ quên'.

CHUNG THANH HUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên