11/10/2017 10:44 GMT+7

'Danh thắng Đàng Trong' qua mắt người nước ngoài

TRƯỜNG TRUNG
TRƯỜNG TRUNG

TTO - Nhiều thế kỷ trước, Ngũ Hành Sơn đã đón những vị khách nước ngoài tới du hành. Họ đến và để lại những sử liệu quý về "đệ nhất thắng cảnh" xứ Đàng Trong.

Danh thắng Đàng Trong qua mắt người nước ngoài - Ảnh 1.

Thắng cảnh Ngũ Hành Sơn vào đầu thế kỷ 20 do Albert Sallet chụp

Ta bình sinh du lịch khe động rất nhiều thấy động này sạch sẽ đẹp hơn hết

Danh tăng THÍCH ĐẠI SÁN

Trong số đó, đáng chú ý hơn cả là ghi chép của nhà sư Thích Đại Sán và nhà nghiên cứu xứ Thuận Hóa Albert Sallet.

Những bài thơ của Thạch Đầu Đà

Ghi chép xưa về thắng cảnh này được danh tăng Trung Hoa thời Khang Hy, Thích Đại Sán (1633-1704, hay còn có tên khác là Thạch Đầu Đà) chép lại ngay trên đường ghé thăm vào năm 1695. 

Chuyến du ngoạn sơn thủy và giảng giải phật pháp ở xứ Đàng Trong của Thích Đại Sán theo lời mời của chúa Nguyễn Phúc Chu được ghi lại toàn bộ trong cuốn Hải ngoại kỷ sự. 

Cuốn sách này trở thành một trong những sử liệu quý giá về địa lý, phong tục và con người vùng Thuận - Quảng thế kỷ 17.

Trong bộ sách sáu quyển này, những ghi chép nguyên văn kể lại chuyến đi trên "hồng thuyền" vượt sông Cổ Cò tới núi Tam Thai (Ngũ Hành Sơn) vào mồng 1-7: "Bỗng chốc đã thấy núi Tam Thai trước mắt. 

Nhìn đồi quanh co đều bằng đất, chỉ có núi đá Tam Thai đứng cao chất ngất, hai hòn lớn day mặt ra nước, còn một hòn hơi nhỏ hơn. 

Nhìn xa, hình núi suôn sẻ, lại gần trông lên có nhiều cây lớn hai ba vòng ôm mọc lên từ hốc đá. Đi quanh theo mé núi thấy có viên (đá) mọc đứng thẳng lên, có viên chúc ngược thòng xuống. Có chỗ sâu lõm vào thành hang, lại có chỗ đứng dựng như bức vách"...

Sau khi lên ngôi chùa trên núi, Thích Đại Sán nhìn thấy xung quanh đều là cát trắng, gió thổi mặt cát gợn thành thủy ba. Nhà sư này cũng ghé thăm hệ thống hang động tối om nhưng đủ sức chứa cả nghìn người ở đây.

 Theo những ghi chép của ông thì trên các ngọn núi này đầy rẫy khỉ và chúng cũng "khinh lờn người chẳng sợ". Ông viết: "Ta bình sinh du lịch khe động rất nhiều thấy động này sạch sẽ đẹp hơn hết".

Thích Đại Sán mẩn mê với vẻ đẹp đặc biệt của ngọn núi nhưng ông cũng tỏ ra tiếc nuối khi nhiều nơi chủ nhân chưa "gia công giũa gọt" khiến "vùng hoang biển tận, núi lạ đá xinh lại nằm hoang trong gai cỏ thật đáng tiếc".

Đặc biệt, ông dự báo: "Biết đâu nghìn năm sau, nơi rừng bụi hoang vu này trở thành ấp phồn hoa, chốn ve kêu dế khóc này có thể thành nơi đờn ca hát xướng"... Thích Đại Sán đã làm một bài trường ca và một bài thơ vịnh hai phần khi đi chơi núi Tam Thai. 

Trong đó có những đoạn ghi chép hệ thống hang động ở đây: "Sơn đồng mách bảo ôn tồn / Rằng đây mười bảy động môn rành rành / Có một động thiên thành mát mẻ / Trong nắng hè nhường thể đông ba... / Lom khom chân bước tới dần / Tầng trên như có hé vần kim ô / Ai khéo trổ tròn vo một lỗ / Sáng như gương trên đó trống không / Trần hang dòm suốt thiên thông / Nhụ toan lóng lánh như lồng đèn treo".

Danh thắng Đàng Trong qua mắt người nước ngoài - Ảnh 3.

Lối vào một hang động thông lên núi ở ngọn Thủy Sơn, Ngũ Hành Sơn - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

"Linh hồn xứ sở"

"Truyền thuyết về Ngũ Hành Sơn thì nhiều, sự tích lại khá dông dài... Cái thế giới núi đá này tự biểu hiện như là linh hồn của xứ sở... 

Vâng, đó là chốn tôn kính, ngoạn mục và vì lý do lịch sử đặc biệt, tâm hồn người An Nam phải chăng bắt nguồn từ đó những bước đi trong cuộc đời. 

Những cụm núi này do đó cần phải biết đến nhiều hơn" - đó là lời đề tựa trong cuốn Đô Thành hiếu cổ của Albert Sallet (1879-1948) - nhà sáng lập Hội Những người bạn Huế xưa, nhà văn hóa học xứ Trung kỳ.

Cho tới nay, những ghi chép của A.Sallet được cho là khảo cứu toàn diện về Ngũ Hành Sơn khi vẽ ra được bức tranh toàn cảnh từ địa danh, địa lý, cảnh quan, dấu tích văn hóa, tôn giáo, cư dân... 

A.Sallet đánh giá địa mạo ngọn núi kỳ lạ bởi "ven bãi cát biển bỗng mọc lên giữa đồng bằng một quần thể núi đá" và đã trở thành khung cảnh có một không hai khi trước mặt là biển, sau lưng là sông.

A.Sallet liệt kê ra hơn một chục danh xưng của ngọn núi do các triều đại đặt và giải thích nguồn gốc, ý nghĩa của các tên gọi.

 A.Sallet cũng ghi lại những câu chuyện tín ngưỡng dân gian, đức tin linh thiêng đối với chùa chiền, miếu thờ trong hang động trên núi.

Với sự am hiểu văn hóa sâu nặng vùng đất mà mình có thời gian sống suốt 20 năm, học giả Pháp này cũng đã tiếp cận tất cả những sử liệu ghi chép của người Việt về nơi này rồi đưa ra những nhận định riêng của mình về những ngọn núi mà ông cho là linh thiêng ở đây. 

Ông đánh giá dân bản xứ "nợ nần" với núi Ngũ Hành Sơn về một vài hiện tượng thi ân quan trọng. Đặc biệt là tục "cắt huyết gà để thề" và cầu tự của những người đàn bà hiếm con (bằng cách uống nước vú đá nhỏ ra ở trong động).

Ông so sánh cung cách đi cúng viếng cầu xin con cái ở chùa Hương Tích (tỉnh Hà Đông lúc bấy giờ) với những ngôi chùa trên núi Ngũ Hành Sơn: "Ở đây sự cầu nguyện không phải tổ chức thành lễ hội gì cả, không có đám đông, chỉ hành lễ trong sự lặng lẽ. 

Dân chúng hai làng Hóa Quê và Quán Khái thường năm vào thời gian rảnh rỗi sau mùa vụ đi lễ bái để sùng ngưỡng các vị thần hộ mạng chính thức của họ tại các điện thờ trong núi Tam Thai; nhưng những lễ này không quy định phải phô trương mà chỉ có tính cách địa phương, tâm niệm trong lòng".

Cũng chính vị bác sĩ của quân viễn chinh Pháp này là một trong những người chụp lại những bức hình đầu tiên về Ngũ Hành Sơn đầu thế kỷ 20.

Tiếng tăm lan xa

Bản thảo cuốn Hải ngoại kỷ sự được Thích Đại Sán hoàn thành trong năm và đưa cho chúa Nguyễn Phúc Chu đọc và viết lời tựa. Sau khi về cố quốc ông tiếp tục bổ sung, hoàn thiện rồi tới năm 1699 thì cho xuất bản.

Theo nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng), tác phẩm này được lưu hành và lưu trữ ở Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Việt Nam... được biên mục vào Tứ khố toàn thư tổng mục dưới triều Thanh Càn Long và được tái bản rất nhiều lần. Như vậy từ những thế kỷ trước, tiếng tăm của ngọn núi thắng cảnh xứ Đàng Trong này đã được lan xa khắp châu lục.

______________________________________________

Kỳ tới: Bằng chứng hội nhập và dòng sông biến mất

TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên