28/07/2019 09:50 GMT+7

Danh thắng chùa Hang - Hòn Phụ Tử 'kêu cứu'

KHOA NAM - CHÍ HẠNH
KHOA NAM - CHÍ HẠNH

TTO - Dù có cảnh sắc thơ mộng và hữu tình, từng một thời là điểm đến hấp dẫn của du khách khắp nơi, nhưng danh thắng Hòn Phụ Tử (huyện Kiên Lương, Kiên Giang) dường như đang bị bỏ rơi, hạ tầng du lịch xuống cấp với không gian lộn xộn và nhếch nhác.

Danh thắng chùa Hang - Hòn Phụ Tử kêu cứu - Ảnh 1.

hiện tại - Ảnh: K.NAM

Nằm bên bờ biển Tây, cách thị xã Hà Tiên hơn 35km và cách TP Rạch Giá khoảng 70km, danh thắng Hòn Phụ Tử là một quần thể thiên nhiên bao gồm hang động, núi đá và bãi biển, chưa kể phía biển là hàng loạt những hòn đá lớn, nhỏ với nhiều hình thù khác nhau, phảng phất cảnh sắc của Tràng An (Ninh Bình) hay vịnh Hạ Long (Quảng Ninh).

Thế nhưng hiện nay khu du lịch này ngày càng vắng khách, thay vào đó là cảnh buôn bán, chen lấn như một ngôi chợ nông sản.

Không cạnh tranh được do thiếu đầu tư?

Trên đường đến với khu du lịch Hòn Phụ Tử, xe sẽ đưa du khách đi ngang qua Bãi Dương - một bãi biển đẹp, với những hàng dương thẳng tắp theo chiều dài bờ biển lên đến hơn 2km. Cát nơi đây có màu vàng nhạt, nước biển trong xanh, sóng biển rì rào, đặc biệt trong lòng biển không có đá ngầm, du khách thỏa sức bơi lội.

Tại khu du lịch Hòn Phụ Tử có một ngôi chùa độc đáo - Hải Sơn Tự, nằm trong một hang động lớn dưới chân An Hải Sơn, dân gian quen gọi là chùa Hang. Nhưng điểm nhấn của khu du lịch chính là Hòn Phụ Tử - một đảo đá nhỏ, cách đất liền khoảng 110m.

Nằm trên một bệ đá cao khoảng 5m so với mặt nước biển là hai khối đá dính vào nhau, một cao khoảng 34m và một thấp khoảng 30m, đều nghiêng về phía đông như hình tượng hai cha con thương yêu, quấn quýt bên nhau.

Từ những năm chín mươi của thế kỷ trước, khu du lịch Hòn Phụ Tử đã là một danh thắng, biểu tượng về du lịch của tỉnh Kiên Giang.

Rất nhiều thi nhân mặc khách, nghệ sĩ trong nhiều lĩnh vực đến với vùng đất Hà Tiên xưa đều tạt qua chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Hòn Phụ Tử. Hòn Phụ Tử đã đi vào thơ, vào nhạc, vào nhiếp ảnh, hội họa và đi vào logo của rất nhiều thương hiệu, nhãn hàng có tiếng ở Kiên Giang.

Tuy nhiên, sau khi Hòn Phụ Tử gãy đổ thành nhiều đoạn rồi chìm xuống biển vào rạng sáng 9-8-2006 do mưa dông, sóng lớn, kế hoạch phục dựng lại không thực hiện được, lượng du khách đến khu du lịch này ngày càng sụt giảm.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Bá - phó giám đốc Trung tâm Văn hóa - thể thao và du lịch Kiên Lương, do khu du lịch này không được đầu tư lớn nên dần không có khả năng cạnh tranh với những khu du lịch khác trong tỉnh.

Danh thắng chùa Hang - Hòn Phụ Tử kêu cứu - Ảnh 2.

Rác thải ngổn ngang tại thắng cảnh Hòn Phụ Tử - Ảnh: K.NAM

Khu du lịch hay chợ cá?

Con đường từ quốc lộ 80 rẽ vào khu du lịch Hòn Phụ Tử đã xuống cấp, do mặt đường phải gồng mình chịu đựng nhiều xe tải nặng chở vật liệu xây dựng xuôi ngược. Nhiều khách sạn tấp nập người xe xưa kia giờ vắng tanh, phần lớn đã ngừng hoạt động vì thu không đủ chi.

Tuy vậy, cổng vào khu du lịch vẫn có người trực gác, thu phí. Đúng mùa du lịch hè nên lượng khách đến đây khá đông, chủ yếu là học sinh và thầy cô giáo các trường học trong khu vực.

Qua cổng khu du lịch, xe chúng tôi vào một khu vực rộng và thoáng. Phía bên trái hướng vào là trụ sở ban quản lý khu du lịch. Cạnh đó là khoảng đất rộng với cỏ dại, sình lầy, phân bò... dành cho các loại phương tiện cơ giới lớn đậu đỗ xuống khách. Bên phải là hàng cây cao vút, một đàn bò thản nhiên gặm cỏ, xa hơn là bãi biển, cát vàng thơ mộng.

Đi vào một đoạn là những gian hàng bán đồ lưu niệm, quần áo, tạp hóa, cá khô, trái thốt nốt, quán ăn, nhang đèn... tràn ra cả mặt đường, che bằng đủ thứ vật liệu, chồng chắn đủ các loại dây nhợ.

Cổng chùa An Hải cũng bị che kín, xe kẹo kéo, bánh phồng, bánh mì, bánh bông gòn... vào tận cổng chùa, mua bán trước tượng phật Di Lặc. Đi qua khu vực chùa Hang, nhiều sạp vé số, nhang đèn, đồ thờ cúng bày biện chiếm cả lối ra.

Bên ngoài chùa là một không gian ồn ào, lộn xộn, tạp nhạp và nhếch nhác. Phía trên bờ kè biển như một khu chợ hải sản. Tại đây bày bán đủ các loại hải sản như: tôm, cua, ghẹ, cá, mực...

Cảnh lựa chọn hải sản, cò kè giá, chế biến, ăn uống, hát hò, tắm giặt... đều diễn ra ở khu vực này. Phía dưới bờ kè ximăng là đủ các loại rác thải sinh hoạt từ vỏ cua, vỏ ốc đến các loại rác thải nhựa.

Ông Nguyễn Văn Bá cho biết cơ quan ông hiện quản lý và cho thuê hơn 30 lô sạp bán hàng trong khu vực, nhưng hiện tại số lô sạp, quầy che chắn mua bán tại khu vực này đã vượt con số 100.

"Các lô sạp, quầy che chắn tự phát chúng tôi không thu bất cứ một khoản tiền nào. Nếu thu, chẳng khác nào chúng tôi đồng ý cho bà con mua bán. Không thu tiền, khi nào dự án triển khai xây dựng, công tác giải phóng mặt bằng sẽ thuận tiện" - ông Bá giải thích.

Danh thắng chùa Hang - Hòn Phụ Tử kêu cứu - Ảnh 3.

Con đường vào chùa Hang đã bị các hàng quán che kín - Ảnh: K.NAM

Sẽ đầu tư nâng cấp, nhưng bao giờ?

Sau khi được Trung tâm Xúc tiến du lịch huyện Kiên Lương giao lại khu du lịch Hòn Phụ Tử vào năm 2008, Công ty CP Du lịch Kiên Giang được UBND tỉnh Kiên Giang giao quản lý hơn 144.000m2 của khu du lịch để đầu tư xây dựng một khu du lịch hoành tráng.

Năm 2009, doanh nghiệp này xây dựng cổng rào, tổ chức thu phí trong khi vẫn chưa lập xong quy hoạch chi tiết 1/500 và đến năm 2011 dự án này chính thức dừng chủ trương đầu tư. Khu du lịch này lại được giao về Trung tâm Văn hóa - thể thao và du lịch Kiên Lương quản lý.

Theo ông Nguyễn Văn Bá - phó giám đốc Trung tâm Văn hóa - thể thao và du lịch Kiên Lương, trong thời gian tới tỉnh Kiên Giang sẽ đầu tư cho khu du lịch Hòn Phụ Tử, trong đó xây dựng 17 hạng mục như: đường đi, công viên, cầu tàu, bãi xe, khu xử lý rác thải... Kinh phí đầu tư khoảng 170 tỉ đồng, nằm trong nguồn vay ưu đãi từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

"Ngoài ra, chúng tôi kêu gọi thêm một số doanh nghiệp đầu tư vào các hạng mục còn trống như: nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi, giải trí... với mong muốn khu du lịch Hòn Phụ Tử sẽ là một trong những điểm đến hàng đầu của tỉnh Kiên Giang trong tương lai" - ông Bá cho biết.

Sẽ không phục dựng Hòn Phụ Tử?

Sau khi Hòn Phụ Tử bị gãy đổ vào năm 2006, tại một hội thảo khoa học do tỉnh Kiên Giang phối hợp Cục Di sản (Bộ Văn hóa - thông tin) tổ chức sau đó không lâu, một số ý kiến bày tỏ quyết tâm khôi phục Hòn Phụ Tử.

Một nhà điêu khắc đến từ Khánh Hòa đã đề xuất làm giàn giáo, đổ bêtông để phục dựng theo nguyên mẫu, bên trong có thể làm rỗng để nuôi yến. "Thần đèn" Nguyễn Cẩm Lũy (Đồng Tháp) đề xuất phương án trục vớt những phần đã sụp của Hòn Phụ để phục dựng. Tuy nhiên, phần lớn ý kiến chuyên gia không đồng ý với phương án phục dựng, nên dự án này đã dần chìm vào quên lãng.

Hãy cứu lấy danh thắng Hòn Phụ Tử

TTO - Tôi trở lại Hòn Phụ Tử (xã Bình An, huyện Kiên Lương, Kiên Giang) vào một ngày nắng đẹp nhưng nước biển đục ngầu.

KHOA NAM - CHÍ HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên