21/06/2019 20:00 GMT+7

'Đánh rơi' hơn 17.000 chiếc ví khắp thế giới để thử lòng lương thiện

BÌNH AN
BÌNH AN

TTO - Nghiên cứu cho thấy khả năng người ta trả lại những chiếc ví càng cao khi chiếc ví họ nhặt được chứa số tiền càng lớn. Tại sao lại như vậy?

Đánh rơi hơn 17.000 chiếc ví khắp thế giới để thử lòng lương thiện - Ảnh 1.

Các nhà nghiên cứu đã "đánh rơi" hơn 17.000 chiếc ví có chứa số tiền khác nhau ở khắp nơi trên thế giới. Đây là ví dụ về chiếc ví có chứa nhiều tiền nhất - Ảnh chụp màn hình NPR

Hãy tưởng tượng bạn đi trên phố và nhặt được một chiếc ví chứa đầy tiền. Bạn sẽ âm thầm bỏ hết số tiền này vào túi hay sẽ cố tìm ra chủ nhân để trả lại chiếc ví?

Đó cũng chính là tình huống mà các nhà nghiên cứu cố gắng giải đáp trong một nghiên cứu công bố trên tạp chí uy tín Science của Mỹ ngày 20-6.

Trước khi nghiên cứu, các nhà tổ chức đưa ra giả thiết chiếc ví có tiền sẽ ít khả năng được người nhặt trả lại cho chủ nhân. Có 279 nhà kinh tế học và 2.500 người được khảo sát cũng cho rằng người nhặt sẽ hành động ích kỷ trong trường hợp này.

Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu lại cho thấy ngược lại. "Số tiền trong ví càng lớn, càng có khả năng cao người ta sẽ trả lại" - ông Alain Cohn, phó giáo sư về kinh tế tại Đại học Michigan và cũng là tác giả của nghiên cứu, cho biết.

Theo đài NPR, nhóm nghiên cứu trên đã sử dụng một đội ngũ hỗ trợ có nhiệm vụ "đánh rơi" hơn 17.000 chiếc ví ở 40 quốc gia trong hơn 2 năm.

Tất cả ví nhìn chung có kích thước nhỏ, bên trong chứa một vài danh thiếp, một danh sách mua sắm bằng tiếng địa phương và một chiếc chìa khóa.

Một số chiếc ví không chứa tiền, trong khi một số chiếc có khoảng 13 USD. Tổng số tiền thực hiện dự án này là 600.000 USD.

Đội hỗ trợ đã đánh rơi những chiếc ví này ở những nơi mà mọi người có xu hướng đến báo cáo khi nhặt được, gồm: đồn cảnh sát, khách sạn, bưu điện và nhà hát.

Đánh rơi hơn 17.000 chiếc ví khắp thế giới để thử lòng lương thiện - Ảnh 2.

Nghiên cứu cho thấy cách xử lý của người nhặt sẽ khác nhau tùy vào số tài sản bên trong chiếc ví - Ảnh: SHUTTERSTOCK

Kết quả cho thấy tại 38/40 quốc gia, người ta có xu hướng trả lại cao hơn khi nhặt được những chiếc ví có tiền, so với những chiếc ví rỗng tuếch. Ở 2 quốc gia còn lại, xu hướng có sự khác biệt nhưng không đáng kể.

Vậy khi ví chứa nhiều tiền hơn, người ta sẽ hành động ra sao? Các nhà nghiên cứu làm các thí nghiệm lớn hơn ở Mỹ, Anh và Ba Lan để giải đáp. Trong giai đoạn nghiên cứu này, đội hỗ trợ đã đánh rơi những chiếc ví chứa gần 100 USD và kết quả cho ra thật ấn tượng.

"Tỉ lệ báo cáo (để trả lại ví) cao nhất được ghi nhận trong trường hợp ví có 100 USD. Có 46% ví không chứa tiền được trả lại, so với 61% số ví chứa 13 USD, và 72% số ví chứa gần 100 USD" - ông Cohn cho biết.

Vậy đằng sau lòng lương thiện này là gì? Các nhà nghiên cứu đưa ra hai giải thích:

Thứ nhất, đó là vì chủ nghĩa vị tha cơ bản. Những người tường thuật về việc nhặt được ví có thể quan tâm tới cảm xúc của chủ nhân đang thất lạc chiếc ví.

Có một số bằng chứng cho thấy điều này. Khi nhóm nghiên cứu thử nghiệm đánh rơi một số ví chỉ chứa một chiếc chìa khóa - vốn quan trọng với người đánh rơi hơn so với người nhặt, số trường hợp trả lại cao hơn 10% so với trường hợp nhặt được ví không có chìa khóa.

Thứ hai, những người báo cáo không muốn coi mình là kẻ trộm cắp

"Mọi người muốn xem họ là một người lương thiện, không phải là kẻ trộm. Việc nhặt và giữ lại chiếc ví có nghĩa phải thích ứng với sự tự nhận thức về bản thân, kéo theo những cái giá về tâm lý. Tác động tâm lý sẽ mạnh hơn tác động tài chính" - ông Michel Maréchal, giáo sư kinh tế tại Đại học Zurich và là đồng tác giả nghiên cứu, giải thích.

Trả lại 7.400 USD: Hiền muốn san sẻ tiền ủng hộ và khép lại mọi chuyện

TTO - Dù cuộc sống hiện tại còn khó khăn nhưng khi được ủng hộ ít tiền từ nhà các hảo tâm, anh Nguyễn Ngọc Hiền vẫn muốn san sẻ bớt một phần tấm lòng của mọi người cho những hoàn cảnh khó hơn mình.

BÌNH AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên