Họa sĩ Lê Bá Đảng trong phim "Lê Bá Đảng - từ Bích La đến Paris" - Ảnh: Ngọc Hiển chụp lại
Tháng 8-2008, khi báo Tuổi Trẻ đang chuẩn bị chương trình học bổng Tiếp sức đến trường lần thứ 5 cho tân sinh viên Quảng Trị gặp hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi nhận được tin vui từ họa sĩ Lê Bá Đảng từ Pháp: Ông quyết định tặng cho báo Tuổi Trẻ một bức tranh của ông để đấu giá, góp học bổng cho con em quê nhà.
Bức tranh Ngựa khổ 50x60 cm của ông sau đó đã được Công ty Bình Điền - Quảng Trị mua với giá tiền là 70 triệu đồng (dù ông có nhiều tác phẩm được định giá hàng trăm ngàn USD). Vào thời điểm đó, số tiền trên sẽ có thêm gần 20 suất học bổng cho các tân sinh viên.
Bức tranh của họa sĩ Lê Bá Đảng tặng quỹ học bổng Tiếp sức đến trường cho tân sinh viên Quảng Trị của báo Tuổi Trẻ năm 2008
Nhưng trên hết là tấm lòng của một danh họa đối với mảnh đất quê nhà. Rất nhiều công trình ở quê hương có đóng góp của ông, nhưng có lẽ không đóng góp nào lớn hơn khi tên tuổi của ông đã làm rạng danh quê hương và xứ sở khi ông được giới mỹ thuật tôn vinh là "bậc thầy của hai thế giới".
Từ chàng trai "lính thợ" đến "bậc thầy mỹ thuật của hai thế giới"
Sinh năm 1921, năm 18 tuổi Lê Bá Đảng rời mảnh làng Bích La Đông trong đội quân "lính thợ" mà người Pháp đưa sang "mẫu quốc" để phục vụ cho Thế chiến thứ 2. Chàng trai quê kiểng ấy ban đầu chỉ nghĩ "đi cho biết đó biết đây", nhưng rồi nước Pháp đã tạo cơ hội cho chàng lính thợ trở thành một danh họa, với rất nhiều tác phẩm trưng bày ở nhiều gallery tại Pháp, Mỹ, Nhật…
Tuy nhiên với Lê Bá Đảng, có thể thấy thành tựu của ông là minh chứng cho câu châm ngôn: "Hãy đi đến tận cùng mảnh làng của mình, bạn sẽ gặp nhân loại".
Người lính thợ ra đi từ làng sang Pháp ấy vừa đi làm vừa đi học để tốt nghiệp thủ khoa Trường Mỹ thuật Toulouse. Đã phải mưu sinh độ nhật qua ngày đói khổ trong con ngõ nhỏ ở Paris với những bức ký họa mèo một nét độc đáo ở cái phố có cái tên là lạ: phố "Con mèo câu cá" (La Rue Du Chat Qui Pêche).
Rồi từ những con mèo ký họa ấy, cùng với thời gian, ông đã tạo nên một trường phái hội họa của riêng mình với thuật ngữ lebadagraphic, được tôn vinh là "bậc thầy của hai thế giới đông - tây".
Một góc khu vườn quê nhà với nhiều dấu tích tuổi thơ của Lê Bá Đảng - Ảnh: L.Đ.DỤC
Không phải ai thành danh xứ người cũng nặng trĩu tình quê tình nước. Nhưng với danh họa Lê Bá Đảng, càng hiểu về ông, càng thấm chữ tình của cuộc đời nghệ sĩ. Ông là biểu tượng của nghệ thuật gắn bó với dân tộc, với đất nước quê hương nhưng vẫn mang đầy đủ tầm vóc của thời đại.
Gần ba mươi năm trước, lần đầu tiên ông về quê nhà Bích La Đông làm triển lãm vào tháng 3-1992. Không chỉ có những người dân Quảng Trị đón chào ngày trở về của đứa con quê hương.
Những ngày diễn ra triển lãm ấy, có lẽ là lần đầu tiên đất Quảng Trị đón nhận một cuộc hội hè đông đủ nhất của những tên tuổi văn học nghệ thuật cả nước tìm về. Trong sân đình, dưới bóng cây, trên thảm cỏ..., những bức tranh của Lê Bá Đảng được căng lên trên dây, dựng trên giá, có cả một chú rùa vàng được chính tay ông kết bằng bông vạn thọ vàng rực rỡ dưới ao đình Bích La.
Tác phẩm của Lê Bá Đảng giản dị, quê kiểng mà tinh tế, sang trọng - Ảnh: L.Đ.DỤC
Nhiều nhà phê bình mỹ thuật cho biết, chìa khóa để hiểu tranh Lê Bá Đảng vô cùng dung dị: Người ta quen nhìn thẳng kiểu mặt đối mặt, còn ông không nhìn như thế. Ông nhìn bằng đôi mắt của những cánh chim bay trên trời cao nhìn xuống cõi nhân gian!
Trên tranh ông hiện ra núi non sông bể, hiện ra những con người sinh sôi và phồn thực, hiện ra quê nhà thấp thoáng dưới những đám mây, mà ta, kẻ chiêm bái như con chim đang tung cánh qua trời rộng sông dài.
Đó là một mật ngữ của riêng Lê Bá Đảng, mang ấn chỉ sáng tạo đưa ông tới những tên tuổi lừng danh của mỹ thuật thế giới. Khác chăng, từ chỗ thẳm xa diệu vợi ban đầu, khi "đốn ngộ" - nói theo cách nói thiền học - tất cả hội họa ấy chợt tỏa sáng, lung linh trong một nỗi gụi gần.
Vĩnh cửu tình quê tình nước
Dù là một họa sĩ tên tuổi, ông dành tình cảm nhiều cho những thân phận lính thợ hơn là những salon trí thức nơi xứ người. Chỉ mấy tháng trước khi ông mất, tháng 10-2014, tại thị trấn Salin-de-Giraud ở cửa khẩu sông Rhône nước Pháp đã khánh thành tượng đài tưởng niệm những người lính thợ Đông Dương - một bức tượng bằng thép cao 2m, đặt trên bục đá cao 80cm có bia khắc chữ tiếng Pháp và tiếng Việt của họa sĩ Lê Bá Đảng rất hiện đại, sống động.
Ra đi từ làng Bích La Đông trong thân phận một người lính thợ, tác phẩm cuối cùng của ông lại là bức tượng tưởng nhớ những người lính thợ. Lê Bá Đảng đã đi trọn cuộc tuần hoàn của phận người.
Lê Bá Đảng gặp Hồ Chủ tịch tại Pháp năm 1946 - Ảnh tư liệu
Ở ngôi nhà bé nhỏ của họa sĩ nơi quê làng Bích La có một bức ảnh quý hiếm: Hình chụp ông đang tháp tùng Hồ Chủ tịch khi Người sang Pháp năm 1946.
Vượt lên thân phận người lính thợ, bằng tài năng của mình, Lê Bá Đảng đã cống hiến cho quê hương, gắn bó với xứ sở, dốc lòng cho đất nước mà những tên gọi của các dự án nghệ thuật của ông đã nói lên tất cả: Vườn mộ Loa Thành, Hạt gạo Trường Sơn, Dấu chân Giao Chỉ, Làng hoa Bích La, Tượng đài Thánh Gióng, Cọc chông Bạch Đằng…
Những ngày đất nước ra trận, ông có những Hậu quả chiến tranh (1965), Phong cảnh bất khuất (1973) - những bức tranh về Trường Sơn và đường mòn Hồ Chí Minh. Những bức tranh ấy đang im lặng đầy náo động trên bức tường của Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng - một biệt thự đẹp nhất cố đô Huế trên con phố Lê Lợi.
Với Lê Bá Đảng, không có nghệ thuật nào nghịch lý với khó nghèo, mà từ khó nghèo vẫn làm được nghệ thuật, và rồi chính nghệ thuật ấy sẽ làm cho người dân no ấm hơn giàu có hơn! Bằng sức sáng tạo nghệ thuật của mình, ông đã làm cho nhân loại biết đến quê hương và quê nhà trong niềm kính ngưỡng.
Chính quyền Thừa Thiên Huế trân trọng dành cho họa sĩ Lê Bá Đảng biệt thự có vị trí đẹp bậc nhất của TP Huế làm trung tâm nghệ thuật mang tên ông - Ảnh: L.Đ.DỤC
Hiện nay một trung tâm nghệ thuật mang tên ông được bày biện trong một biệt thự đẹp nhất xứ Huế trên đường Lê Lợi, được nhiều người đánh giá là một trong những bảo tàng nghệ thuật mang tầm cỡ thế giới.
Không gian tưởng niệm dành cho ông - "Le Ba Dang memory space" ở phía tây thành phố Huế này là công trình kiến trúc đặc biệt được xây dựng bằng ngôn ngữ nghệ thuật của riêng ông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận