Buổi trò chuyện nghệ thuật chủ đề "Họa sĩ Dương Bích Liên - Ánh chớp thầm lặng", do Hội Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức vào ngày 13-7, thu hút đông đảo người trong giới và các bạn trẻ. Một số câu chuyện đẹp lẫn buồn được kể ra khiến hậu sinh hiểu thêm về danh họa này cùng những tác phẩm của ông.
Cô độc nhưng sang trọng và trí thức
Họa sĩ Đặng Thị Khuê, từng là ủy viên ban chấp hành Hội Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam, có cơ hội gần gũi họa sĩ Dương Bích Liên nhiều năm.
Đúc kết về cuộc đời lẫn tác phẩm của Dương Bích Liên, bà Khuê dùng cụm từ "ánh chớp thầm lặng", mà theo họa sĩ Nguyễn Nghĩa Phương - phó hiệu trưởng Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam, thì phải gọi là "cơn bão thầm lặng".
Viết về Dương Bích Liên, ông Thái Bá Vân từng ghi: "Dương Bích Liên sống và chết như một thiên nhiên cô độc.
Nhưng nghệ thuật của anh là một thế giới sang trọng, miên man trí thức, và như vậy, nó là một tồn tại trang nghiêm.
Ở đấy, chúng ta nhận ra một nhân cách thẩm mỹ có uy quyền, tự trọng, mà sự yêu thương con người là cuồng nhiệt. Ở đấy, tranh chấp và thù hận được từ bỏ.
Ở đấy, có sự chinh phục của cuộc sám hối bình an, có cái im lặng cao thượng...".
Còn bà Đặng Thị Khuê đánh giá trong "bộ tứ huyền thoại", ông vẫn là một người đầy bí ẩn.
Thế giới nghệ thuật của Dương Bích Liên là cả một sự tương phản, vừa như lánh đời vừa cuồng nhiệt; vừa uyên thâm lại vừa bình dị, cao thượng và bâng quơ.
Tính hàn lâm trong tranh của ông đem đến một cách nhìn mới vào hiện thực, cùng với tính duy mỹ, đã làm lên một gương mặt độc đáo trong nghệ thuật.
Ngoài hội họa, ông còn say mê triết học, văn học và sân khấu.
Với vốn ngoại ngữ giỏi, ông luôn cập nhật thông tin về thế giới nghệ thuật hiên đại, lấy sách và những người bạn trí thức trẻ thuộc nhiều ngành giới làm tâm giao, tri kỷ.
Khiêm nhường, ẩn dật và nhẫn nhịn trong đời sống, ông dồn hết năng lượng và nhiệt huyết cho nghệ thuật.
Vì thế, tranh Dương Bích Liên mang vẻ đẹp huyền ảo, lung linh, lãng đãng, cổ kính, vừa gợi cảm vừa gợi bí ẩn.
Thiên nhiên trong tranh ông mang cả những tâm tình ưu tư da diết của ông. Vì thế, những khoảng trống trong tranh ông lại chứa nhiều ý nghĩa đến ám ảnh.
Họa sĩ Lê Thiết Cương cũng đồng tình rằng khoảng trống trong tranh Dương Bích Liên chính là cái đặc sắc tràn đầy cảm xúc.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, và ông Cương cùng ghi nhận đóng góp của Dương Bích Liên ở mảng tranh thiếu nữ.
Ông Cương cho biết thời ấy bạn bè vẽ chân dung khá đá dạng, riêng Dương Bích Liên chỉ vẽ chân dung các mỹ nữ Hà thành, dù cả đời ông chẳng có riêng mình một người phụ nữ, một gia đình.
Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam còn nói thêm về phẩm chất đặc biệt của Dương Bích Liên: "Cái nhìn một chiều, thiên kiến của một thời đã ít nhiều tổn thương tâm hồn Dương Bích Liên.
Nhưng kỳ lạ thay, tâm hồn ông vẫn đẹp đẽ đến những giây phút cuối cùng, lành sạch đến cuối đời".
Tranh Dương Bích Liên hiện ở đâu?
TS Nguyễn Anh Minh, giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, cho biết hiện bảo tàng đang lưu giữ tám bức tranh của Dương Bích Liên, trong đó có bức Bác Hồ qua suối là bảo vật quốc gia, hay bức Mùa gặt ông vẽ năm 1954...
Bà Khuê thông tin bức Mùa gặt do một người bạn thân thiết của họa sĩ Dương Bích Liên là ông Thái Văn Hiếu tặng bảo tàng.
Còn bức Bác Hồ qua suối vẽ năm 1980 từ những ký họa trong thời gian ông Liên được ở gần Bác Hồ để sáng tác năm 1952.
Tình cảm của Dương Bích Liên với Bác rất lớn, nên 36 năm sau, trước khi mất ba ngày, ông còn kể lại cặn kẽ những kỷ niệm về Bác với người bạn vong niên tri kỷ Nguyễn Hào Hải.
Những ấn tượng và tình cảm sâu đậm ấy giúp Dương Bích Liên vẽ lên tác phẩm sơn mài rất đẹp về Bác và giành giải nhất ở Triển lãm toàn quốc năm 1980.
Trong gia tài không nhiều tranh của Dương Bích Liên còn có một kiệt tác khác là bức Hào ông vẽ trong 12 ngày đêm Mỹ ném bom miền Bắc vào tháng 12-1972.
Tác phẩm chưa được đánh giá đúng ở thời điểm ra đời và có một số phận truân chuyên.
Tranh được chuyển nhượng qua nhiều người như nhà sưu tập Phạm Văn Bổng, nhà văn Tô Hoài, nhà văn Nguyên Hồng, ông Nguyễn Trường, ông Ngô Luân, ông Hà Thúc Cần (một Việt kiều tại Singapore) rồi trở lại Việt Nam năm 2002.
Theo bà Khuê, nay đến lúc phải tìm lại và định vị tác phẩm vì giá trị đỉnh cao về tư tưởng cũng như nghệ thuật của nó. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nên cố gắng đưa được bức tranh ấy về bảo tàng.
Bức Chiều vàng lại có một số phận ly kỳ khác và hiện không biết ở đâu.
Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Hải Yến kể với Tuổi Trẻ, họa sĩ vẽ bức này năm 1960, ông Lâm "cà phê" sở hữu. Sau này, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mượn để nhờ họa sĩ Dương Bích Liên chép lại một bức cho bảo tàng.
Khi họa sĩ mang cả bản gốc và bản chép đến giao cho bảo tàng thì một số người ở bảo tàng nghiệm thu tranh có ý chê màu bức tranh chép sáng quá so với bức gốc (do chưa có màu thời gian) và nhờ họa sĩ mang về sửa thêm.
Dương Bích Liên mang cả hai bức về nhưng không bao giờ mang trở lại.
Bảo tàng sau đó phải nhờ họa sĩ Trần Hữu Chất chép lại từ một bức ảnh để trả cho ông Lâm.
Chuyện buồn
Tại tọa đàm, ông Lương Xuân Đoàn kể một câu chuyện buồn về "tình người" mà theo ông là "không thể không nhắc đến".
Chuyện rằng ít ngày sau khi Dương Bích Liên qua đời, chủ mới của căn phòng Dương Bích Liên từng ở đã bỏ bàn thờ, bài vị của ông ra ngoài đường.
Ông Đoàn nói đó là chuyện đau lòng mà thế hệ ông khó lý giải về sự phũ phàng trong ứng xử với một danh họa.
Bà Khuê cho biết chính bà khi đi ngang qua nhà Dương Bích Liên ở dốc Bà Triệu đã thấy bàn thờ và đôi giày nhà binh Dương Bích Liên đi trong nhiều năm bị bỏ ra ngoài đường.
Bà đã đạp xe quay lại Hội Mỹ thuật Việt Nam ở gần đó để nhờ người đến mang về trụ sở hội.
Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn cho biết bàn thờ và đôi giày của Dương Bích Liên hiện vẫn còn trong kho của hội.
Vì sao Dương Bích Liên không tổ chức triển lãm?
Dương Bích Liên sinh ngày 17-7-1924 tại Hà Nội, mất ngày 12-12-1988.
Ông được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000.
Ông là họa sĩ duy nhất trong bộ tứ Nguyễn Tư Nghiêm - Dương Bích Liên - Nguyễn Sáng - Bùi Xuân Phái không tổ chức triển lãm như đề nghị của Hội Mỹ thuật Việt Nam.
Bà Khuê cho biết hai lần bà đề nghị, nhưng ông đều im lặng hiền từ.
Bà Khuê đoán lý do có lẽ do ông sáng tác không nhiều và tranh ông tản mát trong sưu tập của bạn bè.
Nhiều người trong giới mỹ thuật cùng suy nghĩ này, nhưng lý do thật sự có lẽ chỉ mình ông biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận