Nguyễn Thanh Toàn hạnh phúc bên ba mẹ trong đêm giành giải Chuông vàng 2015 - Ảnh: Quang Định |
Mê cải lương, bỏ đại học
Thưở nhỏ, như bao cậu bé ở miệt vùng đất Cà Mau, Toàn sớm được nghe cải lương, nghe riết rồi ghiền và bắt đầu nghêu ngao tập hát theo băng đĩa.
Ba Toàn lại biết đàn sến, guitar nên hay tập tành cho cậu con út. Ca hát không chỉ là niềm vui mà dần nuôi lớn giấc mơ nghiệp hát trong trái tim của Toàn. Toàn lên TP.HCM học khoa công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên đâu chừng hơn một năm, nghe tin Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang tuyển sinh lớp đào tạo trung cấp chuyên nghiệp diễn viên cải lương thế là lẳng lặng bỏ học để đi thi vào khóa đào tạo này.
Lúc đó Toàn chỉ suy nghĩ như thế này: “Sợ học xong đại học thì… già quá, không đi hát được!”.
Ngoài giờ học, Toàn làm thêm đủ thứ việc, từ giữ xe đến phục vụ nhà hàng. Tốt nghiệp khóa học năm 2012, Toàn may mắn được Nhà hát Trần Hữu Trang nhận về đoàn 2.
Vóc dáng nhỏ con, tính cách hiền lành như một cậu học trò, nhìn Toàn ít ai nghĩ em là nghệ sĩ. Trong khi một số bạn đồng môn rực sáng thì Toàn lầm lũi với những vai phụ, nhỏ, vai lão. Diễn vai lão riết rồi cái lưng khom khom muốn trở thành tật khiến huấn luyện viên Lê Tứ mấy lần nhắc nhở Toàn phải sửa.
Lương nhà hát khiêm tốn nên để sống được Toàn phải chạy sô hát quán. Anh thuê nhà trọ nho nhỏ ở xa trung tâm thành phố, sống tiết kiệm và "làm lơ" với những nơi sang trọng, thú vui tốn kém.
Nguyễn Thanh Toàn biểu diễn tiết mục Đêm Lam Sơn - Ảnh: NGUYỄN LỘC. |
Can đảm chọn "vô vọng cổ phá cách"
Toàn cho biết anh có hành trang là những kiến thức được thầy cô truyền đạt từ khóa đào tạo, một số kinh nghiệm ít ỏi trong thời gian ngắn hoạt động tại nhà hát, sự động viên, góp ý nhiệt tình của cô chú, anh chị đi trước trong nghề.
Và Toàn thường tự luyện tập một mình, tự hát thu vào điện thoại, nghe rồi chỉnh sửa. Cái phone tai luôn gắn với Toàn, tối nào anh cũng nghe rồi để vậy ngủ luôn tới sáng.
Tại Chuông vàng 2015, nhờ sự bứt phá mà Toàn giành chiến thắng thuyết phục với vai Trần Thủ Độ trong trích đoạn cải lương Dấu ấn giao thời - một vai "kép tính cách", một nhân vật gian hùng mà anh chưa từng một lần thể hiện.
Vai diễn của Toàn làm nhiều người bất ngờ bởi vóc dáng nhỏ con, gương mặt hiền lành lại can đảm thể hiện khí chất nhân vật Trần Thủ Độ. Công lao đầu tiên phải kể đến là huấn luyện viên Lê Tứ đã mạnh dạn chọn và giúp Toàn diễn được vai này. Chính ngày xưa Lê Tứ đã diễn vai này rồi giành được huy chương từ cuộc thi sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc nên giờ nghệ sĩ này hết lòng hỗ trợ lại cho đàn em Thanh Toàn.
Kết quả Toàn được nghệ sĩ Minh Vương khen về sự can đảm khi "chọn cách vô vọng cổ phá cách". Nghệ sĩ Quế Trân khen Toàn "có giọng ca hay và mùi”. Thêm thời gian trau dồi, sân khấu cải lương mai này có thể sẽ có thêm một nghệ sĩ giỏi diễn "kép tính cách" hứa hẹn như Toàn.
Gặt hái được danh hiệu cao nhất sau ba lần thi Chuông vàng, Toàn cười hiền lành khi nói về chặng đường phía trước. Anh thừa nhận mình vẫn là "một người trẻ còn non nghề và thiếu kinh nghiệm". Dù vậy, Toàn "đến với cải lương khi tình hình sân khấu đang khó khăn nên đã xác định từ đầu là con đường mình đi sẽ vất vả: "Tôi vẫn sẽ nỗ lực để có thể sống được với nghề và mong đóng góp được chút ít gì đó cho sự khởi sắc của cải lương trong tương lai”.
Nguyễn Thanh Toàn diễn vai Trần Thủ Độ trong trích đoạn Dấu ấn giao thời - Ảnh: Quang Định |
“Toàn bất lợi về vóc dáng, gương mặt thiếu sự tươi tắn nên khó lòng vô vai kép đẹp. Lợi thế của Toàn là giọng ca rất mùi, hay. Toàn nên chọn dạng vai ấn tượng, kép tính cách, độc (hoặc lẳng) mùi. Nhân vật kép tính cách nhưng ca lên là mấy ông kép mùi… chết giấc, hết hồn!” - huấn luyện viên Lê Tứ |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận