Về tình hình phát triển công nghiệp văn hóa của Việt Nam, Thủ tướng chỉ rõ những kết quả đạt được đáng trân trọng.
1. Đã có sự thống nhất chung trong chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nên nhận thức chung trong xã hội đã được nâng lên.
2. Các cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến công nghiệp văn hóa được bổ sung, hoàn thiện phù hợp với tình hình và bối cảnh mới.
3. Ngành công nghiệp văn hóa đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.
4. Ngày càng nhiều doanh nghiệp, người lao động tham gia phát triển công nghiệp văn hóa. Lực lượng lao động thuộc các ngành công nghiệp văn hóa tăng khá nhanh ở mức 7,4%/năm.
5. Mô hình tổ chức đào tạo nhân lực cho phát triển công nghiệp văn hóa từng bước được hoàn thiện theo hướng chuyên nghiệp.
6. Xây dựng mạng lưới liên kết, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong công nghiệp văn hóa được chú trọng. Mạng lưới liên kết, kết nối các trung tâm văn hóa, không gian sáng tạo trong nước và quốc tế dần hoàn thiện.
Cơ sở dữ liệu về các di tích văn hóa - lịch sử, nhà hát, trung tâm biểu diễn nghệ thuật, chiếu phim, bảo tàng được đẩy mạnh xây dựng, tạo nền tảng quan trọng xây dựng cơ sở dữ liệu toàn diện về du lịch văn hóa nói riêng, công nghiệp văn hóa nói chung.
Tồn tại, hạn chế, khó khăn và vướng mắc
Thủ tướng chỉ rõ chưa quy định rõ vai trò quản lý nhà nước, trách nhiệm, quyền hạn đối với một số lĩnh vực trong ngành công nghiệp văn hóa (như thiết kế mỹ thuật công nghiệp, thiết kế thời trang); cơ chế phối hợp thiếu đồng bộ.
Thể chế, cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp văn hóa chưa theo kịp thực tiễn; công tác tổ chức thực hiện trong một số ngành, lĩnh vực thuộc công nghiệp văn hóa chưa hiệu quả (như việc xử lý các vấn đề sao chép, vi phạm bản quyền...).
Nguồn lực đầu tư cho công nghiệp văn hóa chưa tương xứng, còn dàn trải; việc huy động các nguồn lực ngoài nhà nước, phương thức đối tác công tư (PPP) chưa đạt yêu cầu.
Nội dung, hình thức sản phẩm, dịch vụ trong các lĩnh vực công nghiệp văn hóa còn hạn chế (thiếu những sản phẩm, tác phẩm lớn, phản ánh được hơi thở, sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; một số tác phẩm có biểu hiện "lệch chuẩn"); dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài như suy thoái kinh tế, dịch bệnh…
Nguồn nhân lực trong các ngành công nghiệp văn hóa chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, cả về số lượng và chất lượng; thiếu chính sách đãi ngộ phù hợp.
Nhiều lĩnh vực trong công nghiệp văn hóa chưa chuẩn hóa được phương pháp thống kê, thiếu hệ thống theo dõi, nên rất khó đánh giá tình hình phát triển.
Phương hướng phát triển
Thủ tướng nêu rõ Việt Nam là nước đi sau trong việc phát triển công nghiệp văn hóa sau nhiều năm chiến tranh; các sản phẩm công nghiệp văn hóa của ta chịu sức cạnh tranh lớn.
Chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao còn hạn chế. Đầu tư cho lĩnh vực này đòi hỏi nguồn vốn lớn nhưng nhiều rủi ro, thời gian thu hồi vốn dài.
Các ngành công nghiệp văn hóa là ngành có triển vọng lớn, có thể phát triển nhanh, là động lực mới cho sự phát triển văn hóa phù hợp với xu thế.
Chúng ta có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, đa dạng, có bản sắc riêng với 54 dân tộc. Có thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp, đa dạng, phong phú. Người dân hiền hậu, mến khách, cần cù, linh hoạt, sáng tạo. Nguồn nhân lực trẻ, dồi dào. Thị trường có quy mô 100 triệu dân.
Vị trí địa lý thuận lợi; hệ thống giao thông tương đối đồng bộ và đang phát triển theo hướng tăng cường liên kết. Hệ thống chính trị ổn định; an ninh trật tự, chủ quyền lãnh thổ được giữ vững. Cải cách hành chính và chuyển đổi số đang được đẩy mạnh toàn diện.
Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong gần 40 năm đổi mới, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Tạo ra tiền đề quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển nền văn hóa, văn học nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó có ngành công nghiệp văn hóa.
Đồng thời, việc đẩy mạnh quá trình hội nhập sâu rộng cũng tạo điều kiện, cơ hội cho phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có công nghiệp văn hóa.
Giải pháp trọng tâm
Thủ tướng đề ra một số giải pháp trọng tâm:
- Xây dựng sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa đặc trưng gắn với vùng miền, địa phương, đồng thời tham gia hiệu quả vào chuỗi cung ứng của hoạt động du lịch văn hóa.
- Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách cụ thể hỗ trợ, khuyến khích tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia sáng tạo sản phẩm công nghiệp văn hóa, nhất là những lĩnh vực ưu tiên (như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa…) và các doanh nghiệp vừa và nhỏ; nghiên cứu thành lập các quỹ hỗ trợ đầu tư phát triển sáng tạo.
- Hỗ trợ và khuyến khích, hình thành mạng lưới liên kết các trung tâm công nghiệp văn hóa, các không gian sáng tạo trên cả nước và kết nối với quốc tế.
- Tăng cường kết nối thị trường cho các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật ở trong nước và quốc tế. Đồng thời, khuyến khích các sáng tạo đột phá khai thác giá trị văn hóa Việt Nam trong thiết kế bao bì sản phẩm, giao diện, quảng cáo và truyền thông, trang trí, thiết kế thời trang và may mặc.
- Xây dựng cơ sở dữ liệu và hình thành bản đồ số về các ngành công nghiệp văn hóa. Tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền trên môi trường số. Xây dựng Bộ chỉ tiêu thống kê về các ngành công nghiệp văn hóa.
- Đề xuất xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
- Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về công nghiệp văn hóa.
- Tổ chức thường niên các sự kiện ở cấp quốc gia và quốc tế, lồng ghép trong hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch. Công bố, vinh danh kịp thời các cá nhân, đơn vị và doanh nghiệp có nhiều đóng góp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận