29/05/2019 12:09 GMT+7

Đánh giá sức cạnh tranh kinh tế: Indonesia, Thái Lan thăng hạng cực tốt

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Đảo quốc Sư tử soán ngôi của Mỹ, trở thành nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới, theo xếp hạng của Trung tâm Cạnh tranh thế giới thuộc Viện Phát triển Điều hành (IMD) ở Thụy Sĩ.

Đánh giá sức cạnh tranh kinh tế: Indonesia, Thái Lan thăng hạng cực tốt - Ảnh 1.

Singapore được đánh giá cao về nhiều mặt trong báo cáo xếp hạng về tính cạnh tranh - Ảnh: REUTERS

Đài Channel News Asia ngày 29-5 dẫn báo cáo cho biết Singapore có lợi thế về hạ tầng công nghệ, kỹ năng lao động, luật nhập cư và thuận lợi để khởi nghiệp. Đây cũng là lần đầu tiên đảo quốc này đứng đầu bảng xếp hạng kể từ năm 2010.

Trong bốn lĩnh vực quan trọng được đánh giá, gồm hiệu quả kinh tế, hiệu quả quản lý chính phủ, hiệu quả doanh nghiệp và hạ tầng, Singapore luôn đứng trong nhóm đầu.

Hong Kong là nền kinh tế châu Á còn lại nằm trong nhóm 10 nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới, đứng ở vị trí thứ hai, và được đánh giá cao về chính sách thuế, kinh doanh và tài chính doanh nghiệp.

Mỹ tuột từ vị trí dẫn đầu năm ngoái xuống hạng ba.

"Niềm tin gia tăng từ đợt chính sách thuế đầu tiên của Tổng thống Donald Trump dường như đã phai mờ ở Mỹ" - báo cáo viết.

Báo cáo cũng cho rằng nền kinh tế thế giới bị ảnh hưởng bởi giá nhiên liệu tăng cao, xuất khẩu công nghệ cao giảm và sự trồi sụt của đồng USD.

Các nền kinh tế Bắc Âu vốn có điểm mạnh về cạnh tranh ở khu vực, cũng không giữ được phong độ. 

Trong top 10, trong khi Thụy Sĩ, Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE), Ireland, Qatar tăng hạng, các nước còn lại như Hà Lan, Đan Mạch bị tuột hạng và Thụy Điển giữ nguyên thứ hạng.

Tại Anh, cuộc khủng hoảng Brexit khiến London tuột ba hạng, xuống vị trí 23 trong khi Tây Ban Nha rớt mạnh xuống vị trí 39.

Châu Á vượt lên

Theo báo cáo, các nền kinh tế châu Á "nổi lên như một người tiên phong về cạnh tranh" với 11 trên 14 nền kinh tế khu vực tăng hạng.

Đánh giá sức cạnh tranh kinh tế: Indonesia, Thái Lan thăng hạng cực tốt - Ảnh 2.

Vận chuyển hàng hoá tại cảng hàng ở Trung Quốc - Ảnh: REUTERS

Nổi bật nhất là Indonesia tăng vọt 11 hạng, lên vị trí 32 nhờ tính hiệu quả trong lĩnh vực chính phủ ngày càng tăng cũng như các điều kiện hạ tầng và doanh nghiệp tốt hơn. Thái Lan vượt lên vị trí 25 nhờ gia tăng đầu tư nước ngoài trực tiếp và sức sản xuất.

Tuy nhiên các nền kinh tế lớn tại khu vực như Trung Quốc ( hạng 14), Hàn Quốc (28) lại giảm bớt tính cạnh tranh. Nhật Bản, tuột xuống vị trí 30, do kinh tế ì ạch, nợ chính phủ và môi trường kinh doanh suy yếu.

"Trong một năm đầy bất ổn của thị trường toàn cầu do những thay đổi nhanh chóng trong bối cảnh chính trị quốc tế cũng như quan hệ thương mại, chất lượng của các thể chế dường như là yếu tố hợp nhất để tăng sự thịnh vượng.

Khuôn khổ thể chế mạnh mẽ mang lại sự ổn định cho doanh nghiệp đầu tư và đổi mới, đảm bảo chất lượng cuộc sống cao hơn cho công dân" - ông Arturo Bris, Giám đốc Trung tâm cạnh tranh thế giới, nhận định.

Các nhà kinh tế coi năng lực cạnh tranh là yếu tố sống còn đối với nền kinh tế quốc gia về lâu dài vì nó cho phép các doanh nghiệp đạt được sự tăng trưởng bền vững, tạo công ăn việc làm và cuối cùng là nâng cao phúc lợi của công dân.

Mỹ là nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới

TTO - Cường quốc số 1 thế giới lần đầu tiên đứng đầu bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), vượt lên các nước như Singapore, Đức, Thụy Sĩ và Nhật Bản.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên