Bên trong khu vực điều chế vắc xin Nano Covax - Ảnh: DUYÊN PHAN
Tại cuộc họp, các báo cáo của Học viện Quân y, đại diện nhóm nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, cho thấy đến nay vắc xin Nano Covax đã trải qua 3 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, với gần 14.000 người đã tiêm.
Kết quả thử nghiệm giai đoạn 1-2-3 đến nay cho thấy vắc xin an toàn, giai đoạn 1 theo dõi với các phản ứng phản vệ từ độ 1, không ghi nhận trường hợp phản ứng. Giai đoạn 2-3 ghi nhận 1 trường hợp phản vệ độ 2. Còn lại là các phản ứng thông thường như đau tại vết tiêm, sưng vết tiêm, sốt nhẹ...
Tỉ lệ người tiêm gặp các phản ứng từ thông thường đến nặng đều thấp hơn các vắc xin đang lưu hành.
Ở giai đoạn 3 của thử nghiệm lâm sàng, nhóm nghiên cứu đã hoàn tất tiêm mũi 2 cho 1.000 người tham gia thử nghiệm giai đoạn 3a và đã lấy mẫu gửi đánh giá độc lập tại Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương. 12.000 người tiêm giai đoạn 3b đã hoàn tất mũi 1, hiện đang tiêm mũi 2 và trước 15-8 sẽ hoàn tất mũi 2.
Riêng về chỉ số hiệu lực bảo vệ của vắc xin, nhóm nghiên cứu đang tiếp tục theo dõi. Thông thường mỗi vắc xin cần thời gian phát triển trong 5-10 năm, nhưng đây là vắc xin phát triển nhanh để chống dịch.
Tại buổi họp sáng nay, báo cáo cũng có so sánh kháng thể bảo vệ ở người được tiêm vắc xin Nano Covax và kháng thể ở nhóm bệnh nhân mắc COVID-19 đã khỏi bệnh. Kết quả cho thấy kháng thể sau 42 ngày tiêm mũi 1 (D42) ở người tiêm Nano Covax cao gấp 10 lần so với người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh.
Cũng tại cuộc họp, Bộ Y tế cho biết đã rút gọn tối đa các thủ tục hành chính trong quá trình nghiên cứu, phát triển vắc xin, nhưng vẫn phải đảm bảo tính khoa học và khách quan trước khi cấp phép Nano Covax.
Tiêm thử nghiệm vắc xin Nanocovax cho tình nguyện viên tại tỉnh Long An - Ảnh: DUYÊN PHAN
Được biết, báo cáo độc lập của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương mới hoàn tất lúc 20h đêm 6-8 và nhóm nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng đã xử lý số liệu trong suốt đêm 6-8 đến rạng sáng 7-8 để kịp báo cáo Bộ Y tế trong cuộc họp này.
Trước đó, đã có 5 tỉnh thành có đề nghị được tham gia tiêm thử nghiệm Nano Covax, trong đó Bình Dương đề nghị số lượng tham gia tiêm nhiều nhất với khoảng 200.000 người để phòng chống dịch. Tuy nhiên theo Bộ Y tế, quy định hiện hành không cho phép "dùng thử" vắc xin, nếu tham gia thử nghiệm phải tuân thủ quy trình và đề cương đã được Bộ Y tế phê duyệt.
Tuần tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục họp một phiên nữa liên quan vắc xin Nano Covax, Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh và các cơ quan cũng tiếp tục họp, trước khi cho phép nhóm nghiên cứu và nhà sản xuất có báo cáo và hồ sơ đệ trình xin đăng ký trong điều kiện khẩn cấp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận