Năm 2015, Cục Đào tạo với nước ngoài (nay là Cục Hợp tác quốc tế - VIED) Bộ GD-ĐT và Hội đồng Anh tại VN đã ký hợp tác triển khai học bổng Quỹ Newton, hỗ trợ đào tạo tiến sĩ tại Vương quốc Anh cho các ứng viên đi học theo đề án 911 do VIED quản lý - Ảnh: VIED
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Xuân Vang - nguyên cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài, Bộ GD-ĐT - chia sẻ: "Vấn đề ở đây là góc tiếp cận. Nếu nhìn mục tiêu 20.000 tiến sĩ chỉ dựa vào nguồn ngân sách nhà nước để thấy đề án đã thất bại là chưa thỏa đáng".
* Ông có thể nói rõ hơn về điều này?
- Đề án 911 được phê duyệt vào năm 2010, khởi động từ tháng 8-2011, chính thức tuyển sinh từ năm 2012, dừng tuyển sinh năm 2017. Như vậy chỉ có 5 năm tuyển sinh, tôi nghĩ ta nên đánh giá theo cách nhìn thực tế này.
Mục tiêu tối thiểu của đề án - đạt 20.000 tiến sĩ - không thể chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước, vào một đề án cụ thể. Số lượng tăng thêm 20.000 giảng viên có trình độ tiến sĩ phải được thống kê từ nhiều nguồn khác nhau ngoài đề án 911.
Đó là số tiến sĩ được đào tạo từ các nguồn học bổng Chính phủ, học bổng hiệp định; học bổng do các giảng viên, các cơ sở đào tạo tự khai thác từ các tổ chức quốc tế, các cơ sở đào tạo nước ngoài; số lượng tiến sĩ đã học nước ngoài từ trước thu hút về nước giảng dạy; các nguồn đào tạo tiến sĩ trong nước... Nếu tính số lượng tất cả các nguồn này, con số 20.000 tiến sĩ có thể đã đạt được rồi.
* Theo ông, đâu là điểm hạn chế lớn nhất khiến đề án 911 khó khăn khi triển khai?
- Một trong những điều gây cản trở việc thúc đẩy đề án chính là cơ chế tài chính. Cơ chế này không hấp dẫn bằng các chương trình học bổng nước ngoài khác. Vì vậy, nhiều giảng viên dù quan tâm đến đề án 911 nhưng nếu nhận được học bổng nước ngoài khác, họ sẽ chọn học bổng nước ngoài trước, sau đó mới đến học bổng đề án 911.
Tôi biết trong nhiều trường hợp, học bổng 911 gần như là lựa chọn cuối cùng của giảng viên có nhu cầu đi học tiến sĩ vì họ phải trả học phí, chế độ học bổng thì thấp và phải chịu nhiều ràng buộc hơn.
Một lý do nữa là trình độ ngoại ngữ (chủ yếu tiếng Anh) của ứng viên còn yếu. Ứng viên phải tự xoay xở nâng cao trình độ tiếng Anh, vì Nhà nước không bố trí kinh phí đào tạo tiếng Anh và tiền du học cho ứng viên như đề án 322 trước đây nữa.
Ông Nguyễn Xuân Vang - Ảnh: N.HÀ
* Trong số giảng viên tham gia đề án 911, nhiều người đã không trở về trường ĐH để giảng dạy. Ông nghĩ sao về cơ chế tốt cho "hậu đào tạo"?
- Tôi nghĩ có thể còn quá sớm để nói về việc này vì thực tế đề án mới triển khai từ năm 2012, có người còn chưa học xong.
Việc tạo môi trường làm việc tốt hay không chính là thuộc quyền tự chủ của các trường. Nếu đi học tiến sĩ từ nước ngoài về mà chế độ cũng giống như người đang ở trong nước thì làm sao thu hút được?
Nhiều giảng viên đi học nước ngoài về, giảng dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh mà cũng chỉ có thêm chút thu nhập không đáng kể thì không thể tạo động lực khuyến khích cho họ được.
Nếu chúng ta quan tâm, chăm sóc tốt ngay từ khi họ dự tuyển đi học đến khi về nước, cơ sở đào tạo có chính sách hấp dẫn và minh bạch, tôi chắc chắn họ sẽ trở về.
Với kết quả thực hiện thấp hơn nhiều so với mục tiêu, một số chuyên gia cho rằng đề án 911 đã không thành công. Còn quan điểm của những người trực tiếp triển khai, thực hiện đề án này ra sao?
Mức hỗ trợ thấp, nhiều giảng viên bỏ cuộc
Theo Bộ GD-ĐT, quy định tài chính áp dụng cho đề án 911 còn bất cập. Cụ thể, các cơ sở đào tạo đều có ý kiến cho rằng theo thông tư 130 hướng dẫn tài chính thực hiện đề án thì mức hỗ trợ thấp, không sát với thực tế.
Theo đó, đối với phương thức đào tạo toàn thời gian ở trong nước, mức kinh phí hỗ trợ nhóm ngành y dược là 16 triệu đồng/nghiên cứu sinh (NCS)/năm; nhóm ngành xã hội, kinh tế, luật, khách sạn, du lịch và nhóm ngành khác (nằm ngoài các nhóm ngành trên) là 10 triệu đồng/NCS/năm; thời gian hỗ trợ: tối đa không quá 3 năm/NCS...
Thực tế này đã không đúng theo tinh thần của đề án được phê duyệt (67 triệu đồng/NCS/năm), làm ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu đề án.
Yêu cầu đầu ra cao hơn chuẩn của chương trình đào tạo đại trà, có các cam kết ràng buộc về thời gian làm việc sau tốt nghiệp, trong khi kinh phí hỗ trợ không đảm bảo để đạt được yêu cầu đầu ra đã khiến nhiều giảng viên không mặn mà với đề án 911.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, với phương thức đào tạo trong nước, có 149 NCS bỏ học giữa chừng.
Ông Trần Mạnh Dũng - trưởng phòng sau ĐH Học viện Ngân hàng - cho biết với đề án 911, học viện đã có thêm hơn 10 tiến sĩ tốt nghiệp từ nước ngoài về nước giảng dạy. Tuy nhiên, còn một số giảng viên hết thời hạn học tập vẫn chưa có ý định về lại đơn vị công tác.
Lãnh đạo một trường ĐH cho biết thậm chí có giảng viên học xong tiến sĩ ở lại nước ngoài không phải để làm công tác chuyên môn, mà đi làm... nail!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận