Phóng to |
Nhưng chuẩn GVTH sẽ được áp dụng thế nào, kết quả áp dụng chuẩn được sử dụng ra sao... không chỉ là mối quan tâm của hơn nửa triệu GVTH - những đối tượng “bị” đánh giá mà còn thu hút sự quan tâm của toàn xã hội bởi tiểu học là nền móng của giáo dục
Sẽ hết cào bằng?
Không phải đến bây giờ Bộ GD-ĐT mới có “chuẩn” GVTH. Từ trước đến nay, Bộ vẫn áp dụng chuẩn nhưng chỉ là chuẩn đào tạo với trình độ đạt chuẩn là trung học sư phạm (THSP). Trong suốt quá trình dạy học, nếu GV được đào tạo lên cao (đạt trình độ ĐH hoặc CĐ Sư phạm) sẽ được ghi vào hồ sơ nhưng nếu không được đào tạo nâng chuẩn, không có bằng cấp mới coi như vẫn “dậm chân tại chỗ”.
“Cách nhìn nhận giáo viên như vậy rất tiện lợi cho các cấp quản lý nhưng chưa có tác dụng động viên khuyến khích giáo viên tự nâng cao trình độ, kỹ năng và rèn luyện phẩm chất đạo đức, kỹ năng sư phạm, chưa đánh giá toàn diện năng lực thực chất của giáo viên” ông Võ Văn Thạch (Sở GD-ĐT tỉnh Bến Tre) nhận xét.
Đó là chưa kể việc đánh giá chuẩn chỉ qua bằng cấp dễ dẫn đến bệnh thành tích chạy theo số lượng giáo viên được nâng cao trình độ trên chuẩn mà bỏ quên chất lượng thực sự như Trưởng ban điều phối dự án Phát triển GVTH Nguyễn Trí lo ngại.
Vì thế, một bộ chuẩn GVTH theo hướng bao quát toàn diện hơn đã được Bộ GD-ĐT xây dựng, cấu trúc thành một “gói” tổng thể bao gồm: phẩm chất đạo đức, tư tưởng; kiến thức; kỹ năng giáo dục.
Ông Võ Văn Thạch hy vọng chuẩn mới sẽ khiến “nhiều GV lớn tuổi có tâm huyết nhưng trình độ đào tạo chỉ là THSP sẽ có cơ hội được nhìn nhận đánh giá đúng hơn nếu có nhiều cố gắng đổi mới phương pháp dạy học nâng cao hiệu quả đào tạo”.
Chia sẻ suy nghĩ này, cô giáo Bùi Thị Hạnh Phúc (Trường Tiểu học Lý Tự Trọng, Ninh Bình) cũng cho rằng “Chuẩn nghề nghiệp giúp cho các cấp quản lý chỉ đạo đánh giá đội ngũ GVTH chúng tôi chính xác hơn, động viên chúng tôi kịp thời hơn, tránh tình trạng cào bằng hay đánh giá chung chung”.
Làm gì nếu không đạt chuẩn?
3 cơ sở đánh giá chuẩn: - Phẩm chất đạo đức tư tưởng. - Kiến thức. - Kỹ năng sư phạm. 4 mức đánh giá chuẩn: - Mức 1: Giáo viên mới vào nghề, cần tiếp tục hoàn thiện trong tập sự. - Mức 2: Giáo viên đã qua tập sự, bước đầu có kinh nghiệm, có thể dạy tiểu học. - Mức 3: Giáo viên có trình độ tay nghề vững, có kinh nghiệm giảng dạy. - Mức 4: Giáo viên giỏi, có khả năng hướng dẫn đồng nghiệp bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ. Kết quả thí điểm 25.000 GVTH tại 10 tỉnh: - 75% đạt mức 3-4 về phẩm chất đạo đức, tư tưởng. - 87,78% đạt mức 2-3 về kiến thức, chỉ có 2,37% đạt mức 4. - 75,16% đạt mức 2-3 về kỹ năng sư phạm, 18,51% đạt mức 4. |
Tuy nhiên, cách đánh giá toàn diện này lại cho ra một “bức tranh” màu tối hơn về chất lượng GVTH so với cách đánh giá của chuẩn đào tạo.
Thí điểm trên 25.000 GVTH ở 10 tỉnh thành đại diện cho các điều kiện khác nhau cho thấy, hầu hết các giáo viên chỉ đạt ở mức 2 đến đầu mức 3 ở cả 3 lĩnh vực. Đáng chú ý là năng lực chuyên môn (kiến thức và kỹ năng sư phạm) chỉ đạt mức trung bình trong khi theo chuẩn đào tạo 97% đã đạt yêu cầu, thậm chí 31,29% còn vượt chuẩn.
Như vậy, áp dụng chuẩn nghề nghiệp, có vẻ như chất lượng GVTH đã bị “xuống” so với cách đánh giá của chuẩn đào tạo. Nhưng theo Trưởng ban điều phối Nguyễn Trí, kết quả này đã phản ánh tương đối rõ nét “bức tranh” tổng thể của đội ngũ cán bộ GVTH Việt Nam. Đó là hầu hết các GVTH chưa đáp ứng được yêu cầu của giai đoạn công nghiệp hóa - hiện đại hóa hiện nay, khi mà chất lượng giáo dục tiểu học tốt đòi hỏi giáo viên phải đạt mức 3 đến mức 4.
Chính vì thế, nhiều GV lo ngại khi chuẩn GVTH được triển khai đại trà ngay trong niên học này (sẽ có kết quả vào tháng 6-2006) sẽ có nhiều người bị “sàng lọc” vì không đạt chuẩn.
Trấn an lo lắng này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Đặng Huỳnh Mai cho biết mục đích lớn nhất của chuẩn GVTH nhằm cung cấp cho GV một “tấm gương soi”, trên cơ sở đó họ có thể tự đánh giá để biết mình đang đứng ở đâu, cần phải học hỏi, bỗi dưỡng thêm gì chứ không nhằm mục đích “sàng lọc”.
Bằng chứng là kết thúc đợt thí điểm, đa phần các giáo viên đều nhận ra “chỗ hổng” của mình và nỗ lực “bổ khuyết” với 145.287 lượt giáo viên đề nghị được bồi dưỡng 17 modul nâng cao năng lực nghề nghiệp, 15912 yêu cầu học modul đổi mới phương pháp dạy học, 10898 yêu cầu học modul về đánh giá kết quả giáo dục tiểu học…trung bình mỗi GV yêu cầu học 6 modul.
Hơn nữa, theo thứ trưởng khi áp dụng đại trà sẽ không có áp lực “bị sàng lọc” do Bộ GD-ĐT đã chấp nhận phân mức trong đánh gía.
Theo đó, mức 1 được sử dụng cho tất cả giáo viên để đánh giá thường xuyên hàng năm theo kiểu đánh giá công chức. Mức này do giáo viên và nhà trường tự đánh giá với nhau mà không cần đánh giá viên bởi nếu theo tiêu chí đợt thí điểm cứ 1 đánh giá viên chịu trách nhiệm đánh giá 25 giáo viên thì nửa triệu GVTH trong cả nước cần tới 20.000 đánh giá viên. Đây là con số khó có được trong thời điểm hiện tại.
Bởi thế, đánh giá viên sẽ chỉ xuất hiện trong trường hợp cần đánh giá giáo viên giỏi (cấp huyện, tỉnh, toàn quốc) thay cho hình thức thi giáo viên giỏi vốn mang nặng tính hình thức, đối phó theo kiểu thuộc lòng đang áp dụng. Do đó, theo bà Mai, cách đánh giá này không nhiều gây áp lực cho giáo viên.
Tuy nhiên, nhìn ở góc độ khác, dư luận băn khoăn vì cho dù phát hiện thấy những giáo viên không đạt chuẩn thì Bộ GD-ĐT cũng chưa có cách giải quyết hay chế tài gì cụ thể. Theo Thứ trưởng Mai, biện pháp chỉ có thể là “xem giáo viên không đạt cái gì, vì sao, để giúp giáo viên tự học hỏi nâng cao nghiệp vụ”. Tất nhiên “nếu đã được nâng đỡ hết mức mà vẫn không đạt chuẩn thì bắt buộc phải đi con đường khác, phải tự đào thải thôi, còn thời gian bao lâu và như thế nào phụ thuộc vào người quản lý trực tiếp” - bà Mai cho biết.
Như vậy, có thể hiểu bộ lọc này “dày” hay “thưa” hoàn toàn phụ thuộc vào hiệu trưởng, nhất là khi Bộ GD-ĐT cho phép “tự đánh giá với nhau” không cần bên thứ ba. Điều này khiến dư luận lo ngại về hiệu quả thực chất của chuẩn GVTH. Vì nếu thiếu sự khách quan chuẩn GVTH dễ mắc lại căn bệnh thành tích cũ, đánh giá không chính xác và đối phó cho xong chuyện.
Bên cạnh đó, theo nhiều giáo viên khi áp dụng chuẩn đại trà cần chú ý đến yếu tố vùng miền để vùng sâu vùng xa không bị thiệt thòi. Cô Bùi Thị Hạnh Phúc đề xuất nên thay yêu cầu bằng cấp tin học, ngoại ngữ bằng khả năng sử dụng tiếng dân tộc trong giảng dạy để “đo” giáo viên miền núi. Về nội dung chuẩn, cô giáo Đặng Minh Hằng (Hải Phòng) cho rằng cần bổ sung thêm những nội dung phù hợp với các giáo viên chuyên biệt như giáo viên Hát - Nhạc, Mỹ thuật, Thể dục, Tổng phụ trách... khi áp dụng đại trà.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận