Liên quan đến bài viết: ', chỉ trong vòng hơn 1 ngày Tuổi Trẻ Online đã nhận được hàng trăm ý kiến của bạn đọc thông qua tuoitre.vn và fanpage Tuổi Trẻ tại địa chỉ: https://www.facebook.com/baotuoitre.
Theo tôi, tiếng còi xe của người Việt phản ánh ý thức và văn hoá giao thông của chúng ta. Đó là sống chỉ biết bản thân mình: thích thì làm không cần biết đúng sai, nó mới dẫn đến bóp còi vô tội vạ".
trích ý kiến bạn đọc Tâm 72
Trong các ý kiến bình luận, phần lớn đều phê phán cách bấm còi vô tội vạ của một số người Việt thiếu ý thức.
Bạn đọc nick name Gà Mập viết: "Cái tiếng còi xe là thứ âm thanh cực kỳ khó chịu, tôi đi xe mà thanh niên nào cứ bóp còi inh ỏi sau lưng ở chỗ đừng đèn đỏ là thực sự rất nóng mặt"
Theo bạn đọc này, vấn nạn trên không thể nào xóa bỏ ngay được vì nó thuộc về ý thức của con người. Muốn cải thiện chỉ có cách giáo dục con cháu về ý thức công cộng thật tốt đừng để như ông cha chúng nữa."
Kể lại câu chuyện mắt thấy tai nghe, bạn đọc Thu An chia sẻ: "Các con tôi học trong một trường ở Hà Nội, trường có khuôn viên rộng. Hàng ngày tôi phải chứng kiến cảnh phụ huynh chạy xe trong sân trường bóp còi inh ỏi. Giáo viên cũng vậy. Thậm chí, chiều tan học nhiều phụ huynh chạy vòng vòng trong sân trường bóp còi inh ỏi tìm con."
Cuối cùng, bạn đọc này tự hỏi: "Không hiểu họ đã huấn luyện con họ giỏi như thế nào mà có thể nghe được tiếng còi nhận ra được cha mẹ?"
Cùng suy nghĩ hành động nào, nhân quả nấy, bạn đọc Cao Doãn bổ sung: "Thật ra bóp kèn là thói quen xấu, và thể hiện văn hóa thấp, nhưng nguy hiểm hơn là tập cho con trẻ một thói quen xấu".
Để hạn chế tình trạng bóp còi một cách vô ý thức, bạn đọc Nguyen Duc Tung đề nghị: "Trung tâm đào tạo lái xe nên bổ sung phần văn hoá lái xe."
Tương tự, bạn đọc Thu An đồng tình: "Đã đến lúc cần có một cuộc vận động toàn xã hội, phục hồi lại lối sống văn minh là không bóp còi xe".
Tuy nhiên, ở phần ngược lại, cũng có không ít ý kiến cho rằng việc bóp còi xe là cần thiết, miễn đừng quá lạm dụng.
Ủng hộ ý kiến này, bạn đọc Nguyen Thanh Son viết: "Tôi đi xe luôn để tay ở còi, luôn sẵn sàng vừa phải bóp còi vừa phanh. Nhiều người đi đường cứ ngơ ngơ, vừa đi vừa nghe điện thoại, thích tạt ra tạt vào, rẽ trái rẽ phải chẳng xi nhan gì. Không bóp còi để họ tỉnh lại thì có phanh cũng chẳng kịp".
"Thay vì gật đầu chào người lớn đằng này ở VN một số người trẻ đã dùng còi để thể hiện "văn hóa chào". Điều này không biết phát sinh từ khi nào, nhưng chắc chắn là thiếu lễ phép, thậm chí vô văn hóa".
trích ý kiến bạn đọc Trần Việt
Cho rằng cái gì cũng có nguyên nhân của nó, bạn đọc NVH viết: "Bấm còi khi dừng xe chờ đèn đỏ là không đúng rồi, nhưng luật quy định không bấm còi báo hiệu khi vượt xe thì bị phạt. Chưa kể, ra đường xe máy lấn làn xe ô tô và ngược lại mà không bấm còi thì không đúng chút nào"
Cũng theo bạn đọc này, vì vậy bấm còi phải đúng qui định và đúng lúc chớ không bấm thì cái còi xe để làm gì?"
Giải thích việc mình được làm những gì luận không cấm, bạn đọc Tinh bổ sung: "Luật không bắt vượt xe phải bấm còi, nhưng khi muốn vượt một xe nào đó thì nên bấm còi như vậy sẽ an toàn hơn."
Cũng theo bạn đọc Tình: "Có thể việc mình bấm còi khiến một số người cảm thấy khó chịu nhưng để an toàn tốt nhất cứ bấm còi. Khó chịu một tí không chết ai cả, còn hơn là gây ra tai nạn dẫn đến chấn thương thậm chí là chết người".
Cho rằng chung quy cũng tại ý thức con người, bạn đọc Phan Thanh Duc nhận xét: "Nói chung con người Việt tham gia giao thông còn kém ý thức. Nếu xe máy đi đúng làn đường của xe máy thì ô tô không phải bấm còi. Nếu người đi xe đạp đi đúng làn của xe đạp thì xe máy không bấm còi. Còn đằng này xe máy thì lấn làn ô tô không còi không được. Có lúc, bấm còi mà chắc gì còi đã tránh!"
Nhìn vấn đề hai chiều, bạn đọc VH viết: "Tất nhiên hiện nay việc lạm dụng quá nhiều còi xe gây nhiều phản cảm cho người đi đường. Tuy nhiên, nếu đổ hết lỗi cho tiếng còi thì cũng hơi oan cho nó . Với tình hình hỗn loạn về giao thông, mạnh ai nấy chạy thì thật sự mà nói nếu không có còi thì rất khó khi tham gia giao thông."
Để dẫn chứng cho ý kiến của mình, bạn đọc VH liệt kê qua 5 tình huống dù muốn hay không cũng phải bóp còi, đó là:
1. Xe chạy phía trước khói bay mịt mù nhất là xe buýt, liệu bạn có bấm còi để vượt qua không hay chịu hít khói?
2. Xe phía trước vừa chạy vừa nghe điện thoại làm xe sàng qua sàng lại liệu bạn có bấm còi để biết có người phía sau không?
3. Đến ngã tư đèn bật xanh nhưng phía trước cứ ngó lơ không chịu chạy liệu bạn có bấm còi không?
4. Nếu đến ngã tư được phép rẽ phải mà có người dừng chiếm làn xe rẽ phải liệu bạn có bấm còi không?
5. Nếu chạy vượt qua một xe tải, xe container và điểm mù của xe là rất rộng liệu bạn có bấm còi để tài xế biết có người xin vượt không?
Về phần mình, bạn có đồng ý với 5 tình huống buộc phải bóp còi xe như bạn đọc VH nêu ra? Theo bạn, làm thế nào để dẹp đi những tiếng còi xe lạc lõng, gây phản cảm? Mời bạn hiến kế và chia sẻ với chúng tôi qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc gởi về địa chỉ: [email protected]. Cảm ơn bạn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận